ĐỜI SỐNG

Overthinking - Làm gì khi suy nghĩ trở nên quá tải?

Hân Lê • 18-08-2022 • Lượt xem: 456
Overthinking - Làm gì khi suy nghĩ trở nên quá tải?

Overthinking là hệ luỵ của việc đối mặt với quá nhiều vấn đề từ công việc đến cuộc sống cá nhân. Vậy overthinking là gì và làm sao để vượt qua tình trạng này? 

Overthinking là việc suy nghĩ về vấn đề nào đó quá nhiều và quá lâu. Tiêu cực hoá những chuyện đã diễn ra hoặc sắp diễn ra. Không chỉ gây ra cảm xúc tiêu cực, overthinking còn làm cản trở nhiều thứ trong cuộc sống như tổn hại sức khỏe thể chất, tinh thần, mất ngủ, làm trì trệ công việc, gặp khó khăn trong giao tiếp,...

Trong cuộc sống, hầu hết mọi người đều bị ảnh hưởng bởi overthinking ít nhất một lần. Nghiêm trọng hơn, đối với nhiều người, nó còn trở thành thói quen và một phần tính cách. 

5 cách hạn chế overthinking

Để hạn chế những tác động tiêu cực mà overthinking đem lại, đây là một số phương pháp hiệu quả giúp chúng ta sống tích cực hơn.

Phương pháp thiền

Thiền là một phương pháp luyện tập tâm trí, cơ thể để tập trung và chuyển hướng suy nghĩ. Nếu bạn thường xuyên gặp căng thẳng và mệt mỏi, thiền chính là phương pháp hoàn hảo để xóa tan tiêu cực, đem lại sự bình yên cho nội tâm. 

Thiền là bộ môn đơn giản, không tốn kém. Bất cứ ai cũng có thể thực hiện việc thiền bởi nó không yêu cầu dụng cụ đặc biệt nào.

Thay đổi cách nhìn nhận vấn đề

Càng được khuyên đừng nghĩ, chúng ta càng nghĩ ngợi nhiều hơn bởi overthinking đã trở thành thói quen khó thay đổi. Vì thế, thay vì liên tục vẽ ra những viễn cảnh tiêu cực, chúng ta nên tìm ra những giải pháp mang tính xây dựng.Ví dụ, thay vì nghĩ rằng thành tích học tập của mình quá thấp, hãy thay đổi suy nghĩ thành mình nên làm gì để nâng cao điểm số. Như vậy, bạn có thể đánh lạc hướng bản thân, chuyển những suy nghĩ tiêu cực sang những giải pháp thiết thực và thúc đẩy hành động hơn.

Chia sẻ và lắng nghe

Chia sẻ và lắng nghe là một trong những giải pháp hiệu quả nhất để vượt qua cảm xúc tiêu cực. Khi gặp đúng người có thể lắng nghe mình, bạn sẽ dễ dàng trút bỏ được lo lắng và bất an trong lòng. Tuy nhiên đừng chỉ chia sẻ không, hãy học cách lắng nghe. Bằng việc chia sẻ, lắng nghe lại lời khuyên và tiếp thu, suy nghĩ của bạn sẽ đi đúng hướng hơn. 

Trở nên bận rộn hơn 

Theo đạo sư Ấn Độ Osho: “Bàn tay cần ấm còn cái đầu cần lạnh”. Khi tâm ta có quá nhiều suy nghĩ, đầu sẽ nóng lên và tay sẽ lạnh dần đi. Việc hoạt động nhiều sẽ làm cho nguồn năng lượng dư thừa trên não di chuyển xuống bàn tay của mình, từ đó hạn chế những suy nghĩ không cần thiết. 

Tập trung vào công việc,học một kỹ năng mới, làm những gì mình thích, nghe nhạc, xem phim, chơi thể thao,... Tất cả đều sẽ góp phần lhạn chế tác động tiêu cực của overthinking. Về cơ bản, khi trở nên bận bịu, ta sẽ tập trung vào công việc đang làm hơn là dành thời gian nghĩ ngợi. 

Công nhận bản thân

Giữa cuộc sống bộn bề áp lực, chúng ta cần học cách yêu thương và trân trọng bản thân hơn. Hãy học cách công nhận thành quả của mình và tự hào về nó. Thay vì cứ quẩn quanh trong suy nghĩ bản thân chưa đủ tốt, việc nhận ra và chấp nhận bản thân sẽ giúp bạn tìm thấy những cơ hội mới và đối diện với cuộc sống một cách tích cực hơn. 

Việc dừng overthinking lại là không thể vì nó phụ thuộc rất nhiều vào cảm xúc. Thay vì nỗ lực tìm cách dừng việc overthinking, chúng ta cần học cách đối mặt và nhìn nhận lại nó. Overthinking là một điều rất tự nhiên, đặc biệt là khi trong cuộc sống có quá nhiều vấn đề phải để tâm. Nhưng trong hầu hết trường hợp, điều đó là không cần thiết. Cuộc sống sẽ trở nên dễ dàng hơn khi bạn biết cách kiểm soát dòng suy nghĩ và hạn chế cảm xúc tiêu cực.