Duyên Dáng Việt Nam

Phát lộ mũi tên sắt 1.500 năm tuổi

Ngọc Nga • 11-03-2020 • Lượt xem: 972
Phát lộ mũi tên sắt 1.500 năm tuổi

Các nhà khảo cổ vừa phát hiện đầu mũi tên bằng sắt trên sông băng Jotunheimen ở công viên quốc gia cùng tên thuộc miền nam Na Uy. Các nhà khoa học nhận định, tình trạng biến đổi khí hậu khiến nhiệt độ nóng lên làm sông băng Jotunheimen tan chảy khiến đầu mũi tên cách đây 1.500 năm lộ ra.

Tin, bài liên quan:

Phát hiện vô giá: Chim sơn ca đóng băng, nguyên vẹn sau 46.000 năm

Phát hiện thú vị: Kho đồng xu vàng 1.200 năm tuổi

Cô gái 25 tuổi phát hiện 17 ngoại hành tinh

Mũi tên bằng sắt dài 18 cm và nặng khoảng 30 gram có từ thời đồ sắt của người Đức. Ngoài đầu mũi tên, các nhà khảo cổ còn tìm thấy phần thân và một ít lông gắn ở phía đuôi. Đây có thể là một mũi tên bị bắn hụt cách đây 1.500 năm và rơi vào sông băng.

Đến nay, các nhà khoa học nghiên cứu khu vực Jotunheimen đã tìm thấy hơn 2.000 cổ vật tại các sông băng, trong đó, vật cổ xưa nhất khoảng 6.000 năm tuổi. Năm ngoái, nhóm khảo cổ học đã tìm thấy một chiếc giày trượt tuyết cổ cho ngựa, ước tính có từ thời Viking hoặc Thời kỳ Trung cổ. Ngoài ra, họ cũng phát hiện công cụ săn bắn, vải, da, quần áo và những dấu tích của động vật như sừng, xương và chất thải.

Nhà nhân chủng học Shoshi Parks, thành viên của Chương trình Khảo cổ Sông băng cho biết: "Khu vực thuộc miền trung Na Uy này có 3 công viên quốc gia nhưng Jotunheimen là nổi bật nhất. Nơi đây có 250 đỉnh núi cao hơn 1.900 m, bao gồm Galdhopiggen và Glittertind, hai ngọn núi cao nhất Bắc Âu". Trong một bài viết trên Daily Mail, các nhà khảo cổ học cũng đánh giá khu vực này là một cảnh quan cổ xưa với vẻ đẹp không thể tả gồm những hồ nước, núi cao và những dòng sông băng màu ngọc lam lấp lánh.

Công viên quốc gia Jotunheimen, Na Uy, nơi phát hiện hàng nghìn cổ vật do sông băng tan chảy

Trong vài năm qua, nhiều sông băng của Na Uy đang tan nhanh do biến đổi khí hậu. Điều này giúp giới khoa học tìm thấy nhiều cổ vật trong băng. Tuy nhiên, tình trạng này cũng khiến các đồ tạo tác nhanh hư hại nếu không được phát hiện kịp thời.

Nhà khoa học Lars Pilø, thành viên của Chương trình Khảo cổ sông băng cảnh báo, sự tan chảy mạnh mẽ của các sông băng khiến cho các phần lịch sử của con người bị “tan chảy” ngược thời gian.

 (Theo Ancient Origins)