ĐỜI SỐNG

Phố Guitar ấm áp lòng người ở TP.HCM

Bá Phúc • 17-11-2023 • Lượt xem: 1159
Phố Guitar ấm áp lòng người ở TP.HCM

Chạy dọc con đường Nguyễn Thiện Thuật (P.2, Q.3, TP.HCM) dài chưa tới 1km, đặc biệt đối với du khách nước ngoài chắc hẳn không khỏi bất ngờ khi tại đây có hơn 30 cửa hàng bán đàn. Nhiều người dân sống lâu năm tại đây cho biết, con đường này còn có một tên gọi khác, thú vị hơn, đó là con phố Guitar và là nơi ẩn mình giữa thành phố ồn ào, bỏ lại sau lưng xô bồ, mỗi khi bước vào một tiệm đàn bất kỳ.

Thế giới âm thanh nằm trong lòng thành phố

Chủ tiệm đàn Quyết, ông Phạm Thành Quyết (53 tuổi), sinh sống quận 3, vốn là một người chế tác trong gia đình có 3 thế hệ chuyên nghề làm đàn chia sẻ, đa số các cửa hàng bán đàn trên con đường này đều có đầy đủ các loại nhạc cụ như mandolin, trống, đàn điện, sáo, tiêu, harmonica và nhiều nhất là đàn Guitar. Tuy nhiên, theo ông Quyết, hiện nay số lượng đàn bán ra đã giảm hơn 1/3 so với khoảng 5 năm trước. Giải thích cho nguyên do này, ông chia sẻ có thể một phần là do nhu cầu cũng như đời sống kinh tế của người dân phát triển và chạy theo những xu hướng thịnh hành khác.

Ông Tôn Thất Ánh (55 tuổi), sống tại quận 3 cho biết, bản thân vốn là người gốc Huế, có đam mê đàn từ nhỏ và theo gia đình, anh em vào TP.HCM lập nghiệp với cái nghề làm đàn đã được 40 năm. Đến nay, khi hỏi về số lượng đàn đã chế tác, ông Ánh không thể nào nhớ nổi, bởi mỗi ngày ông chỉ làm và bán trung bình từ 1 đến 2 cây đàn.

Bên cạnh đó, ông Ánh nói thêm, mặc dù gia đình có truyền thống chế tác các loại đàn trong 4 thập kỷ, nhưng đến đời mình, ông chỉ chú tâm và bán duy nhất đàn Guitar. Chia sẻ thêm về kinh nghiệm nghề nghiệp, ông cho biết thường người chế tác đàn Guitar cần phải am hiểu về âm nhạc và các loại nhạc cụ thì mới có thể làm ra được những cây đàn thực sự chất lượng.

https://duyendangvietnam.net.vn/public/uploads/file1s/pho-ghi-ta-am-ap-long-nguoi-o-tphcm%20(1).jpg

Nhiều nghệ nhân chế tác và buôn bán đàn Guitar đều có những truyền nhân qua nhiều thế hệ và có trình am hiểu cao về âm nhạc và các loại nhạc cụ.

Không phải ai cũng có thể trở thành người chế tác đàn

Ông Ánh chia sẻ, trong suốt thời gian gắn bó với nghề chế tác đàn, ông không biết đã nghe bao nhiêu loại đàn, phải đọc bao nhiêu tài liệu nước ngoài, phân biệt rất rõ từng loại gỗ làm đàn, từng loại âm, tiếng bass, độ vang, độ rung,... của nhiều loại đàn khác nhau. Theo ông, người chế tác hoặc chơi đàn phải nắm được những kiến thức cơ bản thì mới có thể tìm ra được những cây đàn phù hợp với chất riêng của bản thân.

Theo ông, để có thể theo đuổi nghề đến tận bây giờ, ông đã nhiều lần nghiên cứu những quyển sách cũ được viết bằng tiếng Anh về nghề làm đàn. Ông cho biết thêm, hiện nay ở Việt Nam chưa có nhiều sách vở, tài liệu ghi chép về nghề làm đàn, nên để muốn theo học, ngoài đam mê mà còn phải giỏi ngôn ngữ thì mới có thể tìm tòi, phát huy được nghề sau này. Ngoài ra, chính bản thân ông Ánh còn cảm thấy khó để tìm một thế hệ kế thừa nghề nghiệp chế tác đàn như mình, bởi đối với ông, không phải ai cũng có thể trong một sớm, một chiều thì đã có thể học được.

Trong thời điểm hiện tại, không phải chỉ mình ông Ánh mà còn nhiều người bán đàn khác trên đường Nguyễn Thiện Thuật, cho biết nghề chế tác đàn thủ công đang gặp nhiều khó khăn bởi tác động lớn từ nền kinh tế và sự cạnh tranh của các sản phẩm công nghiệp nhanh khiến cho thi trường tiêu thụ cũng như nhu cầu sử dụng đàn của người dân trong nước giảm mạnh. Tuy nhiên, điều này không ảnh hưởng quá nhiều đến những người buôn bán và chế tác đàn tại phố Guiatr Nguyễn Thiện Thuật, bởi họ đã có sẵn nhiều mối riêng trong quá trình buôn bán. Mặc khác, họ cũng có thế mạnh xuất khẩu đàn sang các nước khác như Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ, Úc,…

https://duyendangvietnam.net.vn/public/uploads/file1s/pho-ghi-ta-am-ap-long-nguoi-o-tphcm%20(2).jpg

Nghề chế tác đàn Guitar trở nên khó khăn khi nền kinh tế và sự cạnh tranh sản phẩm công nghệ tăng cao

Dù ngày nay, phố Guitar không còn tấp nập, sầm uất nhưng các tiệm đàn ở đây vẫn giữ được dư vị âm thanh thuở ban đầu và vẫn còn sức thu hút một số khách hàng quen thuộc ghé đến qua các tiệm đàn để tìm lại chút hồn của những năm tháng đã qua.