Các chuyên gia cho hay 'đảo quốc sư tử' thu về ít nhất 767 triệu USD qua việc tổ chức sự kiện lịch sử này và góp phần thúc đẩy thương hiệu Singapore trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay.
Singapore đã chi 150 triệu USD cho việc tổ chức hội nghị lịch sử, một nửa trong số tiền đó chi cho an ninh. Ngoài ra, chi phí dành cho truyền thông ước tính chưa đến 3,7 triệu USD, bao gồm việc thiết lập trung tâm báo chí quốc tế dành cho khoảng 2.500 phóng viên tác nghiệp. Các chi phí khác không được chính phủ Singapore hé lộ. Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá số tiền Singapore chi ra xứng đáng đến từng xu.
Với 5,6 triệu dân, đảo quốc sư tử có nhiều kinh nghiệm trong việc đăng cai những cuộc gặp thượng đỉnh quan trọng. Vào năm 2015, nước này được chọn là nước chủ nhà cho cuộc gặp mang tính cột mốc giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và nhà lãnh đạo Đài Loan khi đó là ông Mã Anh Cửu. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần này được đánh giá là mang tính lịch sử và thu hút quan tâm dư luận trên thế giới. Người dân Singapore đã rất nhanh nhạy tận dụng sự kiện thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên để kinh doanh.
Công ty thông tin truyền thông Meltwater ước tính giá trị quảng cáo, dựa vào tần suất xuất hiện của Singapore trên truyền thông trực tuyến toàn cầu trong suốt 3 ngày 2 nhà lãnh đạo ở đây, lên tới 270 triệu USD. Chưa kể đến hiệu ứng truyền thông từ tháng trước, khiến giá trị quảng cáo có thể nhảy vọt lên tới 767 triệu USD. Con số này còn có thể cao hơn nữa nếu tính cả giá trị thu về từ báo giấy, truyền hình hay mạng xã hội.
Đặc biệt, các khách sạn của Singapore thu hút nhiều sự quan tâm nhất khắp thế giới. Khoảng một nửa số bài báo trên mạng, tức trên 20.000 bài, có đề cập tới khách sạn Capella, nơi diễn ra cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Đích thân nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cũng giúp một tay quảng bá nhờ chuyến đi dạo tham quan và chụp hình selfie ở các thắng cảnh nổi tiếng của Singapore như Gardens by the Bay, Marina Bay Sands, cầu Jubilee... Hãng điều hành truyền thông Isentia cho biết, việc nghiên cứu ý nghĩa của các bài báo cũng rất thú vị. Theo đó, 69% bài báo viết về thượng đỉnh với quan điểm tích cực, 24% trung lập và 7% tiêu cực.
Các khách sạn mà hai lãnh đạo lưu lại là Shangri-La và St Regis cũng có số lần được nhắc đến tương ứng 1/5 số bài báo trên đối với mỗi khách sạn. Singapore còn ước tính thu về 7,2 triệu USD từ du lịch bùng nổ, theo ông Michael Chiam, giảng viên cao cấp Học viện Ngee Ann Polytechnic. Ông đưa ra con số này dựa trên tính toán khoảng 4.000 phóng viên và nhân viên an ninh chi trung bình 600 USD/ngày, bao gồm chi phí ăn ở.
Các nhà hàng, cửa hàng... ở Singapore đếm tiền mệt nghỉ với các sản phẩm ăn theo từ món "burger vì hòa bình thế giới" của chuỗi Wolf Burgers, món cơm truyền thống nasi lemak, bánh taco, trà lạnh, cocktail, hàng hóa lưu niệm... tất cả đều mang chủ đề Trump - Kim.
Hơn nữa, giới phân tích lạc quan về những lợi ích lâu dài đối với Singapore sau khi trở thành chủ nhà của Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lịch sử. Sự kiện lịch sử trên chắc chắn đã góp phần thúc đẩy thương hiệu Singapore trong môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay.