GIẢI TRÍ

Số phận của loạt phim Việt Nam được remake từ bản gốc đình đám

Tạ Doãn • 26-02-2022 • Lượt xem: 1305
Số phận của loạt phim Việt Nam được remake từ bản gốc đình đám

Remake từ bản gốc nổi tiếng và quy tụ dàn sao đình đám, nhưng “Chìa khoá trăm tỷ” không vươn tới cột mốc doanh thu như kỳ vọng. Phải chăng, các nhà làm phim chỉ cần mượn kịch bản nước ngoài rồi làm lại là sẽ thành công hay cần thêm yếu tố nào khác để được khán giả đón nhận?

Công thức “copy - paste” thất bại

Dòng phim remake đã không còn quá xa lạ với người xem Việt Nam trong những năm gần đây. 7 năm trở lại, riêng mảng điện ảnh, đã có rất nhiều dự án “Việt hóa” kịch bản ngoại và cũng có không ít tác phẩm hứng chịu “gạch đá” đồ sộ.

Màn ảnh rộng Việt chứng kiến những lần “ngã ngựa” của loạt phim “Yêu em bất chấp” (“Cô nàng ngổ ngáo” của Hàn Quốc), “Yêu đi đừng sợ” (“Spellbound” của Hàn Quốc ), “Sắc đẹp ngàn cân” (“200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc), “Bạn gái tôi là sếp” (“ATM” của Thái Lan), “Ngày mai Mai cưới” (“Get Married” của Indonesia), “Tìm vợ cho bà” (“Bride for Rent” của Philippines), “Kế hoạch đổi chồng” (“A Boyfriend for My Wife” của Argentina), “Bằng chứng vô hình” (“Blind” của Hàn Quốc)…


“Sắc đẹp ngàn cân” bị người xem Việt Nam chê là bản sao vô hồn và sao chép từng khung hình, cách diễn của phim gốc

“Yêu em bất chấp” từng bị đánh giá thẳng thừng là một trong những phim remake dở nhất Việt Nam

Điều khiến các phim trên sụp đổ có vô số nguyên nhân: chuyển thể nửa vời, diễn viên diễn dở, khác biệt văn hóa, tình tiết kệch cỡm… Song, có lẽ điểm chung của những tác phẩm này nằm ở chỗ thiếu sáng tạo. Việc “bê nguyên si” bản gốc thành phim Việt Nam dễ khiến người xem có cảm giác quá nhàm chán và so đo với phiên bản gốc. Nói dễ hiểu, thì nhà làm phim nắm trong tay “nguyên vật liệu” ngoại nhập hấp dẫn, nhưng lại không biết cách chế biến thành một “món ăn tinh thần” hợp với người Việt Nam.


Nhân vật làm nhân viên bình thường nhưng vẫn vô tư lái xe riêng đi làm trong phim remake gây phản cảm

Đơn cử như phim “Bằng chứng vô hình” hay “Sắc đẹp ngàn cân” (“200 Pounds Beauty” của Hàn Quốc) thì bị nhận xét “không khác gì xem một bộ phim Hàn nói tiếng Việt”. Thậm chí, đến cả tình tiết đi xe hơi riêng và ở biệt thự cao cấp trong “Sắc đẹp ngàn cân”, “Kế hoạch đổi chồng”… cũng được áp vào nhiều bản phim Việt Nam, dù các nhân vật chỉ làm nhân viên có mức thu nhập bình thường.

“Bình cũ rượu mới” thơm ngon

Đương nhiên là không phải phim remake nào của Việt Nam cũng đón nhận kết quả bi thảm. Vẫn còn đó “Tiệc trăng máu” (“Perfect Strangers” của Ý), “Tháng năm rực rỡ” (“Sunny” của Hàn Quốc), “Em là bà nội của anh” (“Miss Granny” của Hàn Quốc), “Anh trai yêu quái” (“My Annoying Brother” của Hàn Quốc), “Cây táo nở hoa” (“What's WrongPoong Sang (Liver or Die)” của Hàn Quốc), … thì “đắm chìm” trong cơn mưa lời khen từ trong nước đến quốc tế. Con số doanh thu lên đến hàng tỉ đồng hay tỷ suất người xem khủng cũng nói lên độ thành công của những tác phẩm này.


Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng thành công liên tiếp với 2 phim remake: Tháng năm rực rỡ và Tiệc trăng máu

“Tiệc trăng máu” thành công dù dịch Covid-19 tác động lớn đến nền điện ảnh vào năm 2020

Năm 2020, “Tiệc trăng máu” (“Perfect Strangers” của Ý) tạo cơn sốt lớn vì Việt hóa quá khéo léo. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng không hề phải nhấn nhá quá nhiều yếu tố Việt Nam vào mỗi phân đoạn phim, mà lại “cài cắm” vào tác phẩm yếu tố Việt Nam qua mỗi câu thoại chơi chữ, châm ngôn thơ ca quen thuộc, trò đùa “đen tối” rất đời thường của người dân hay cả bàn tiệc sơn hào hải vị chèn thêm bánh khọt đặc trưng. “Tiệc trăng máu” không quá khó đoán đối với những ai từng xem bản gốc, nhưng từng chi tiết rất Việt Nam trong phim lại khiến họ khó mà dứt ra khỏi màn hình. Cứ thế, bộ phim dần dần trở thành một phiên bản rất “thuần Việt” dù không đụng chạm quá nhiều kịch bản gốc.

Tương tự, “Tháng năm rực rỡ” (“Sunny” của Hàn Quốc), “Em là bà nội của anh” (“Miss Granny” của Hàn Quốc) và “Anh trai yêu quái” (“My Annoying Brother” của Hàn Quốc) cũng áp dụng theo công thức “bình cũ rượu mới” ấn tượng. Chính đạo diễn Nguyễn Quang Dũng của “Tháng năm rực rỡ” từng nhấn mạnh yếu tố văn hóa Việt khi làm lại một bộ phim nước ngoài: “Khi xem bản gốc của “Tháng năm rực rỡ”, tôi thấy phim rất khó làm bởi nó đậm chất Hàn Quốc, cũng khá khó hợp thị trường Việt. Tôi đã phải nghĩ rất nhiều để tạo ra được sự đồng cảm với số đông, ra được chất văn hóa Việt Nam trong bối cảnh, câu chuyện...”.

Còn “Anh trai yêu quái” được tán thưởng là phim remake từ Hàn Quốc đỉnh nhất từ trước đến nay. Ngoại trừ nội dung vẫn giữ nguyên, thì những tuyến tình cảm, nhân vật, bối cảnh… đều được “Việt hóa” một cách đồng điệu và chân thực. Đơn cử là sự xuất hiện của nhân vật bà Tám (Phi Phụng đóng) thổi hồn Việt vào cả tác phẩm dù không phải là vai chính. “Anh trai yêu quái” còn được Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc) đánh giá rất cao.


Nhân vật bà Tám (Phi Phụng) được khen ngợi hết lời khi Anh trai yêu quái ra mắt

Khán giả dần nhàm chán?

Sang năm 2020 - 2022, dòng phim remake tiếp tục được tận dụng, song, đều gặp thất bại nặng nề. “Em là của “em”” (“Tie a Yellow Ribbon” của Hàn Quốc) chiếu năm ngoái gây chú ý bởi quy tụ dàn sao Việt đình đám gồm Ngô Kiến Huy, Maya, Hoàng Phi… . Đáng tiếc, phim hứng “gạch đá” bởi nội dung lỗi thời, yếu tố giả gái nhàm chán và các tình huống phi thực tế.

Thực chất, bản gốc “Em là của “em”” đã ra mắt lần đầu từ tận năm 1998. Ê kíp “Em là của “em”” hoàn toàn thất bại trong việc làm lại một dự án đã công chiếu từ hơn 10 năm. Đồng thời, độ hào hứng của khán giả đối với bản gốc lẫn remake đều không còn vì pim đã quá lâu.


“Em là của “em”” không thể làm mới một kịch bản đã ra mắt từ quá lâu

Gần đây nhất, “Chìa khoá trăm tỷ” của đạo diễn Võ Thanh Hoà remake từ “Key Of Life” của Nhật Bản, có sự góp mặt của hai ngôi sao hút khách của điện ảnh Việt Nam là Kiều Minh Tuấn và Thu Trang. Tác phẩm ra mắt đúng dịp Tết, được công chúng dự đoán sẽ sớm đạt trăm tỉ như đúng tên phim hoặc ít nhất cũng có thể kéo lại doanh thu phòng vé sau 1 năm ảm đạm vì dịch Covid-19.


Cách casting diễn viên bừa bãi, chẳng hợp vai cũng góp phần phá hoại cả một bộ phim remake

Tuy nhiên, “Chìa khoá trăm tỷ” với một kịch bản gốc đã ra mắt từ 10 năm trước, đã không đủ sức thúc đẩy khán giả ra rạp qua một mùa dịch bệnh. Chưa kể, “Key Of Life” từng có một phiên bản làm lại cũng rất thành công là “Xin lỗi anh chỉ là sát thủ” (“Luck-Key”) chiếu năm 2016. Trước một bản gốc đỉnh cao và bản remake cũng bùng nổ không kém, “Chìa khoá trăm tỷ” bị rơi vào tình huống yếu thế hơn hẳn. Việc người xem Việt Nam chưa có thói quen ra rạp trở lại sau mùa dịch dài kinh khủng cũng là yếu tố lớn khiến “Chìa khoá trăm tỷ” mất cơ hội toả sáng dù chất lượng được đánh giá cao.


“Chìa khoá trăm tỷ” đạt 63 tỉ đồng sau nửa tháng công chiếu

Có thành công và thất bại, dòng phim remake vẫn đang chiếm ưu thế không nhỏ tại nền điện ảnh Việt Nam hiện nay. Chẳng thể phủ nhận sự ảnh hưởng lớn của các loại phim remake, nhưng cũng không thể để phim remake lấn lượt các bản gốc thuần Việt. Bài toán cân đối chính là điều mà những nhà làm phim cần cân nhắc trong thời gian tới.