GIẢI TRÍ

Sự ‘độc tôn’ của Hoàng Thùy Linh

Bùi Tuấn • 16-06-2022 • Lượt xem: 1487
Sự ‘độc tôn’ của Hoàng Thùy Linh

So với 10 năm về trước, Hoàng Thùy Linh của hiện tại đã khác rất nhiều về danh tiếng đến cả địa vị. Dám thử nghiệm, dám sáng tạo, dám thách thức bản thân – đó là ba điều khiến âm nhạc của cô luôn đặc biệt trong lòng công chúng.

Thành công với chất liệu dân gian

Trước khi vụt sáng sự nghiệp với “Hoàng”, Hoàng Thùy Linh khá chật vật trong con đường âm nhạc. Nữ ca sĩ luôn dốc sức đầu tư, thử nghiệm ở nhiều dòng nhạc khác nhau nhưng có lẽ thời vẫn chưa tới. Trong giai đoạn này, điểm sáng duy nhất của cô nhờ vào hiệu ứng của sản phẩm “Bánh trôi nước”. Một ca khúc phổ nhạc từ thơ chỉ với 4 câu hát, qua bàn tay “phù thủy âm nhạc” Hồ Hoài Anh cùng producer Triple D, đã tạo nên một tuyệt tác mang đậm hơi thở dân gian đương đại. 


Bắt đầu từ “Bánh trôi nước”, Hoàng Thùy Linh đã thành công trong việc sử dụng chất liệu dân gian áp dụng vào âm nhạc đương đại. Từ đây, nữ ca sĩ đã tìm ra chiếc chìa khóa thành công dẫn đến kết quả như hiện tại. 

Những sản phẩm sau “Bánh trôi nước” không thành công như mong đợi, Hoàng Thùy Linh đã mất một khoảng thời gian đủ lâu đi tìm định hướng âm nhạc trong tương lai. Trên hành trình tìm câu trả lời, cô gặp gỡ DTAP – một nhóm producer trẻ tuổi thuộc thế hệ gen Z đầy nhiệt huyết. Cuộc gặp gỡ định mệnh đã tạo nên một khởi đầu hoàn hảo, “Để Mị nói cho mà nghe” khép lại chuỗi ngày loay hoay không thành công với một Hoàng Thùy Linh gợi cảm, quyến rũ. 

Đòn bẩy từ “Để Mị nói cho mà nghe” giúp Linh tìm ra màu sắc âm nhạc cá nhân. Đó là một Hoàng Thùy Linh khác biệt, mạo hiểm với chất liệu dân gian kết hợp cùng âm nhạc đương đại. Vẫn là những giai điệu thời thượng của EDM nhưng cô đã mang đến một làn gió mới với âm hưởng Tây Bắc của điệu khèn, đàn tính, sáo dọc. Giữa hàng loạt các sản phẩm âm nhạc na ná nhau, “Để Mị nói cho mà nghe” vụt sáng trở thành hiện tượng trong năm 2019. 


“Để Mị nói cho mà nghe” là sản phẩm “mở bát” thời kì hoàng kim của Hoàng Thùy Linh. Chất liệu dân gian bắt đầu trở thành trào lưu nhưng không ai chinh phục thành công như nữ ca sĩ. 

Khi sự thử nghiệm thành công cũng là lúc những cú nổ lớn sẽ xuất hiện. Sự khởi đầu hơn cả mong đợi đã tạo đà cho sự bùng nổ của nữ ca sĩ “Bánh trôi nước”. Hoàng Thùy Linh tiếp tục khai phá chất liệu dân gian trở thành dự án dài hơi bằng album vật lý. Cô cùng các cộng sự đã dành thời gian 9 tháng “thai nghén” đứa con này. Kết quả, album “Hoàng” trở thành cơn sốt lớn trong làng nhạc Việt. 9 track nhạc như một cuộc hành trình văn hóa đưa người nghe phiêu du đến những miền đất âm nhạc do chính Hoàng Thùy Linh tạo ra.

Lần lượt từ “Khởi đầu”, “Để Mị nói cho mà nghe”, … đến “Kẻ cắp gặp bà già”, kết thúc với “Giải kết” đã tạo ra một sự liền mạch, nhất quán trong con đường âm nhạc của nữ ca sĩ. Mỗi ca khúc đều tuân thủ công thức gồm câu chuyện văn hóa, âm hưởng dân gian, màu sắc tươi vui, ma mị, chất nhạc lãng đãng cùng thông điệp đậm chất nữ quyền. Sản phẩm trên đã khắc họa rõ nét hình ảnh mới trong âm nhạc của Hoàng Thùy Linh. 

Giọng ca “Bánh trôi nước” đã xây dựng hướng đi cực kỳ thông minh khi thị trường V-Pop đang ngày một bão hòa. Concept dân gian cũng nhanh chóng trở thành trào lưu nhưng cuối cùng vẫn không ai vượt mặt nữ ca sĩ. Cô không chỉ chịu khó tìm tòi, sáng tạo chất liệu mà còn chịu chi đầu tư tiền tỉ vào những MV minh họa cho ca khúc. 


Năm 2019 là một năm không thể nào quên đối với Hoàng Thùy Linh. Cô đã có tất cả mọi thứ từ âm nhạc, giải thưởng, danh tiếng, … chỉ trong một thời gian ngắn.

Từ những thành quả đạt được từ “Hoàng”, Hoàng Thùy Linh bắt đầu có sự chuyển mình vượt bậc trong sự nghiệp âm nhạc. Nữ ca sĩ tạo được thương hiệu cá nhân riêng trên thị trường bằng những sản phẩm mang đậm màu sắc dân gian. Có thể thấy, sự quyết liệt của Linh đang rất lớn và hiếm có ai lựa chọn sự “độc tôn” như Linh đang làm. Nhưng chính nhờ vậy, Hoàng Thùy Linh mới tìm được chiếc chìa khóa của sự thành công, đưa cô một bước lên đỉnh vinh quang sau 10 năm lận đận.

Không lùi bước trước vinh quang

Thành công từ chất liệu dân gian đã đặt ra nhiều thách thức dành cho Hoàng Thùy Linh. Sau 2 năm chờ đợi, dự án tiếp theo của nữ ca sĩ đã bắt đầu manh nha giới thiệu trước công chúng. “Gieo quẻ” là phát súng mở màn từ album phòng thu thứ tư. Trung thành phong cách âm nhạc từ “Hoàng”, “Gieo quẻ” vẫn mang chất nhạc dân gian đương đại pha trộn nhạc cụ, âm thanh điện tử, đem đến cảm giác vui tươi, hứng khởi đúng như thời điểm phát hành. 

Với sản phẩm thứ hai “See tình”, không còn chu du ở vùng núi Tây Bắc, Hoàng Thùy Linh đưa người nghe ngược về miền Tây Nam Bộ. Cởi bỏ cái chất ma mị của “Gieo quẻ”, “See tình” là một bản nhạc Disco Pop bắt tai ngay từ lần nghe đầu tiên. Vẫn mang âm hưởng ngũ cung như “Để Mị nói cho mà nghe” nhưng “See tình” mang nhiều sự mới mẻ hơn do sự hiện đại, tiết chế bớt các sound dân gian.

Với đĩa đơn mới nhất mang tên “Đánh đố”, Hoàng Thùy Linh đã tự đặt thách thức lớn dành cho chính mình. Kết hợp cùng 2 giọng ca “lão luyện” Thanh Lam và Tùng Dương, sự lệch pha với nữ ca sĩ là điều mà ai cũng nhìn thấy. Cái khó của Hoàng Thùy Linh làm sao hòa hợp giữa 3 nhân tố trong cùng một ca khúc, chưa bàn đến việc cô sẽ phải ngự trị trước 2 vị tiền bối. 

Đúng như cái tên “Đánh đố”, ca khúc này mang đến cho người nghe sự rối rắm, căng thẳng hơn so với 2 đĩa đơn trước. Giai điệu là một trong những thế mạnh của Linh nhưng “Đánh đố” không sở hữu sự bắt tai như thường lệ. Thay vào đó, Triple D đã giúp nữ ca sĩ giải bài toán một cách tốt nhất cho cả chính chủ cùng các khách mời. Sự phân chia line hát, sắp xếp các vòng hòa âm sao cho mượt mà, đẩy cao trào tiết tấu, … nhưng trên hết vẫn phải giữ cái hồn, cái chất dân gian đương đại vốn đã thành thương hiệu của Hoàng Thùy Linh. 

Khác với “Gieo quẻ”, phân đoạn rap trong “Đánh đố” xuất hiện một cách hợp lý, và chính là sự kết nối cho toàn bài. Phân đoạn này do chính Hoàng Thùy Linh thể hiện, nó như một bài thơ hơn là một bài rap nhưng đây lại là điểm nhấn của “Đánh đố”. Mặt khác, phân đoạn này rất đắc giá khi thấm thoát những hình ảnh nổi tiếng trong văn học, điện ảnh thế giới. 

Với chiếc bánh dâu, những ai yêu mến nhà văn Haruki Murakami dễ dàng liên tưởng đến đoạn hội thoại về tình yêu của Midori trong tiểu thuyết Rừng Na Uy. Chi tiết “túy sinh mộng tử, một hớp sầu”, gợi nhớ đến nhân vật Âu Dương Phong trong Đông Tà Tây Độc của đạo diễn Vương Gia Vệ. Từ hai hình ảnh trên, Hoàng Thùy Linh cho thấy sự giao thoa giữa các nền văn hóa, đưa chất liệu dân gian vượt xa khỏi vùng an toàn.


Với 3 sản phẩm liên tiếp gồm “Gieo quẻ”, “See tình”, “Đánh đố”, Hoàng Thùy Linh đang bước vào kỷ nguyên mới về dòng nhạc dân gian đương đại mà nữ ca sĩ đã xây dựng từ “Hoàng”. 

Nhìn chung, sự đánh đố của Linh chí ít đã thành công. Cô không trở thành nạn nhân trước 2 vị tiền bối. Tuy không sở hữu vocal nổi bật, nhưng giọng hát của nữ ca sĩ đã có sự kiểm soát tốt, hòa quyện cùng các khách mời. Nhắc đến Thanh Lam và Tùng Dương, âm nhạc của họ luôn gắn liền với sự độc đáo. Kết hợp cùng hậu bối Hoàng Thùy Linh, “Đánh đố” tạo nên một cuộc chiến giữa 2 thế hệ với trường phái dân gian đương đại giữa quá khứ và tương lai. Qua đó, khắc họa rõ nét hơn con đường mà nữ ca sĩ đang theo đuổi cũng như nâng tầm thương hiệu cá nhân của cô.


Dù rất nỗ lực, trung thành với màu sắc cá nhân nhưng phải thừa nhận Hoàng Thùy Linh của hiện tại đang có vẻ hơi “đuối sức”. Cô đầu tư hình ảnh, kể chuyện rất sáng tạo nhưng phần âm nhạc vẫn không có gì khác trước, thậm chí có phần hơi thụt lùi. 

Hậu thành công của “Hoàng”, Hoàng Thùy Linh đang ngày càng nỗ lực mạo hiểm hơn với chất liệu dân gian. Thành quả hiện tại đã phần nào cho thấy ít nhiều sự khác biệt so với giai đoạn 3 năm về trước. Tuy nhiên, bước tiến này chưa thực sự để lại ấn tượng mạnh như “Để Mị nói cho mà nghe” hay “Tứ phủ” mang lại. Về mặt hình ảnh, nữ ca sĩ đang làm rất tốt, về phần âm nhạc thì vẫn còn rất nhiều rủi ro. Truyền tải văn hóa dân gian vào âm nhạc hiện đại vốn đã không hề dễ, để bản thân đột phá thành công trước đó lại càng khó hơn rất nhiều. Có lẽ, đó là hệ quả của sự “độc tôn”, nhưng nếu vượt qua thử thách, “độc đắc” lần nữa sẽ đến với Hoàng Thùy Linh.