GIẢI TRÍ

Sự 'hồi sinh' của xu hướng nghe nhạc phòng trà ở Tp.HCM

Phong Châu • 15-10-2023 • Lượt xem: 2348
Sự 'hồi sinh' của xu hướng nghe nhạc phòng trà ở Tp.HCM

Người nghe được tiếp xúc gần với thần tượng, ca sĩ có cơ hội rèn luyện nghề… là những yếu tố giúp xu hướng nghe nhạc ở phòng trà dần hồi sinh.

Phòng trà "hồi sinh" sau đại dịch

Phòng trà ở TP.HCM từng được xem là “thánh đường", nơi các nghệ sĩ có dịp được thăng hoa trong âm nhạc và được khán giả đón nhận. Song sau thời hoàng kim, trước sự phát triển của các xu hướng nghe nhạc mới, điển hình là xu hướng nghe nhạc online, âm nhạc ở phòng trà mất dần vị thế. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ khi nhiều chủ phòng trà phải chịu cảnh thua lỗ, cầm cự vì không có nguồn thu.

Song ở hiện tại, tình trạng này đã được cải thiện phần nào. Không khó để có thể tìm kiếm một địa điểm nghe nhạc vào những dịp cuối tuần, trong đó phải kể đến Đồng Dao, We, Không tên… Ghi nhận trên Fanpage của phòng trà Đồng Dao, lịch biểu diễn trong tháng 6 gần như được phủ đầy bởi sự xuất hiện của dàn nghệ sĩ như Uyên Linh, Lân Nhã, Đức Tuấn, Trung Quân Idol, Võ Hạ Trâm…

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những cái tên mới cũng được xem là tín hiệu đáng mừng cho sự hồi sinh của các phòng trà ở TP.HCM sau đại dịch. Điển hình là hồi tháng 11.2022, phòng trà Bến Thành chính thức sáng đèn, theo đuổi phong cách retro với những hình ảnh phảng phất một Sài Gòn rất xưa. Anh Hà Thanh Phúc cho biết dù mô hình phòng trà bão hòa nhưng vẫn nuôi hy vọng làm được một sân khấu chỉn chu, là điểm hẹn âm nhạc cho anh em nghệ sĩ".

Chuyên gia trang điểm Phi Phi cũng vừa ra mắt một phòng trà - KV Lounge, là nơi để các nghệ sĩ, đặc biệt là giọng ca trẻ có sân chơi, biểu diễn mỗi đêm. Anh thừa nhận việc mở phòng trà trong thời điểm hiện tại là mạo hiểm nhưng “mình đã cố gắng làm tốt nhất mọi thứ rồi, còn lại là hên xui thôi”. Cũng theo ghi nhận, dù chỉ là cái tên mới song phòng trà của chuyên gia trang điểm Phi Phi vẫn quy tụ sự góp mặt của nhiều nghệ sĩ như Quang Hà, Hiền Thục, Lệ Quyên, Thanh Hà…

Nắm bắt thị hiếu, nhu cầu của khán giả ở hiện tại, các chủ phòng trà dần chú trọng “thay da đổi thịt" để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho người nghe. Chính điều đó giúp họ thoát khỏi cảnh ế vé, gồng gánh vì thua lỗ. Khi mà khán giả mong muốn tìm về những điều đã cũ thì Bến Thành xuất hiện như cách để “giải tỏa" cơn khát của nhiều người. Hay phòng trà Vừng cũng được đầu tư về mặt không gian đậm chất cổ điển, mời những giọng ca trẻ được khán giả yêu mến về biểu diễn…


Ca sĩ Ngọc Mai

Quốc Thiên và Văn Mai Hương

Thêm một tín hiệu đáng mừng cho thấy sự vực dậy của các phòng trà chính là sự xuất hiện của những ngôi sao hạng A. Dàn ca sĩ như Đàm Vĩnh Hưng, Lệ Quyên - những tên tuổi nổi tiếng của phòng trà TP.HCM trước đây giờ cũng nhận lời biểu diễn bên cạnh việc tham gia các show ở sân khấu lớn. Trong không gian ấm cúng, họ không chỉ hát mà gần như kể một câu chuyện bằng âm nhạc, bộc bạch nỗi lòng với người nghe tạo nên sự kết nối đặc biệt trong âm nhạc. 


Đàm Vĩnh Hưng

Lệ Quyên - Bằng Kiều

Vì sao xu hướng nghe nhạc phòng trà tại TP.HCM trở lại mạnh mẽ?

Dù chưa thể so sánh với thời hoàng kim song có thể thấy, xu hướng nghe nhạc ở phòng trà đang dần trở lại và thu hút không chỉ đối tượng khán giả lớn tuổi mà cả những người trẻ. Không thể phủ nhận rằng khi chất lượng cuộc sống được nâng cao, việc nghe nhạc thông qua các nền tảng online chưa thể đáp hết nhu cầu thư giãn, thưởng thức nghệ thuật của mọi người. Xu hướng hoài niệm, tìm về những điều xưa cũ, điển hình là xu hướng nghe nhạc phòng trà dần thịnh hành trở lại vì tạo nên sự kết nối đặc biệt giữa người nghe và nghệ sĩ. 


Lân Nhã

Không thể phủ nhận rằng sự trở lại của các phòng trà là cơ hội để các nghệ sĩ, đặc biệt là những gương mặt trẻ được thử thách, rèn luyện kỹ năng nghề để hoàn thiện hơn. Hơn hết, đây cũng là nơi nghệ sĩ có thể tương tác trực tiếp, đến gần với khán giả. Thực tế không phải nghệ sĩ nào cũng có đất diễn. Vì tính chất chương trình, nhiều khi họ không được thể hiện những ca khúc mình tâm huyết. Và phòng trà vô tình trở thành địa điểm lý tưởng để họ được hát, được trút nỗi lòng và được cảm thông, chia sẻ. 
Đó cũng là lý do nhiều ngôi sao sân khấu như Đàm Vĩnh Hưng, Đan Trường, Lệ Quyên… dù show diễn dày đặc nhưng vẫn “nặng lòng" với các chương trình biểu diễn ở phòng trà… dù mức cát sê không quá cao hay số lượng khán giả tiếp cận không nhiều.

Ca sĩ Yến Xuân - gương mặt quen thuộc của các phòng trà từng chia sẻ: “Cái hay là khi hát, giống như mình đang tâm sự với khán giả. Khi mình buồn hay có tâm sự, mình thả vào bài hát và người nghe có thể cảm nhận được nên khi trở về đó cảm giác ấm cúng, vui vẻ". Cũng theo nữ ca sĩ, những người biểu diễn tại phòng trà thường nghĩ rằng sân khấu lớn hay không không quan trọng bằng việc họ có khán giả của riêng mình và được hát những loại nhạc yêu thích. 


Gần 25 năm nổi tiếng, cái tên Đan Trường vẫn thu hút khán giả trong mỗi đêm nhạc tại phòng trà

Nếu trước đây, phòng trà thường dành cho những khán giả có kinh tế thì ở hiện tại, mức giá vé của các phòng trà dường như cũng “dễ thở" hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất để “níu chân" công chúng vẫn là chất lượng chương trình. Sẽ khó để một ai đó chấp nhận bỏ tiền đến theo dõi một chương trình kém chất lượng. Vì vậy, phần “nội dung" luôn được các chủ phòng trà chú trọng, điển hình là việc mời ca sĩ, ban nhạc chơi như thế nào hay chủ đề mỗi đêm diễn ra sao. Giải được những bài toán này, âm nhạc phòng trà mới tìm được một vị trí xứng đáng giữa rất nhiều xu hướng nghe nhạc hiện nay.