ĐỜI SỐNG

Tái chế vải dệt may – hiện thực hóa thời trang bền vững

Cẩm Chi • 22-03-2023 • Lượt xem: 882
Tái chế vải dệt may – hiện thực hóa thời trang bền vững

Nhà máy tái chế dệt may quy mô thương mại đầu tiên trên thế giới ở Thụy Điển đánh dấu quan trọng trong việc giải quyết vấn đề rác thải khổng lồ của ngành thời trang. Nhiều nước khác cũng đang thúc đẩy nỗ lực việc tái chế để tái sử dụng hiệu quả nguyên liệu và bảo vệ môi trường.

Xử lý 120.000 tấn chất thải dệt may hàng năm

Tại thành phố Sundsvall, Thụy Điển, nhà máy bột giấy tái chế hóa chất từ ​​dệt may sang dệt may quy mô thương mại đầu tiên trên thế giới vừa ra mắt sau 10 năm phát triển công nghệ. Với tham vọng tái chế số lượng tương đương hơn 1,4 tỷ áo mỗi năm vào năm 2030, nhà máy mới đánh dấu sự khởi đầu của một bước chuyển đáng kể trong khả năng tái chế quần áo đã qua sử dụng trên quy mô lớn của ngành thời trang.

Đại diện của nhà máy cho biết: "Chúng ta không thể làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên của Trái đất bằng cách bơm dầu để sản xuất polyester (vải tổng hợp), chặt cây để sản xuất viscose (sợi tổng hợp), sau đó chỉ sử dụng những loại sợi này một lần rồi bị ném ra đại dương, bãi rác hoặc lò đốt rác. Chúng ta cần tạo ra vòng tròn tuần hoàn cho thời trang". Điều này có nghĩa là chúng ta hạn chế chất thải thời trang và ô nhiễm đồng thời giữ cho hàng may mặc được sử dụng và tái sử dụng càng lâu càng tốt bằng cách phát triển các kế hoạch thu gom hoặc công nghệ để biến hàng dệt may thành nguyên liệu thô mới.

Renewcell là nhà máy thương mại đầu tiên sử dụng phương pháp tái chế hóa học, giúp tăng chất lượng và quy mô sản xuất.

Bằng cách sử dụng 100% chất thải dệt may - chủ yếu là áo thun và quần jean cũ, nhà máy Renewcell tạo ra bột giấy cellulose có thể phân hủy sinh học là Circulose. Đầu tiên, hàng dệt được cắt nhỏ và loại bỏ các nút, khóa kéo và màu. Sau đó, chúng trải qua cả quá trình xử lý cơ học và hóa học giúp nhẹ nhàng tách các sợi bông ra khỏi nhau. Những gì còn lại là cellulose tinh khiết. Sau khi khô, tấm bột giấy có cảm giác như giấy dày và kéo thành vải viscose mới.

Renewcell cho biết họ cung cấp năng lượng cho quy trình của mình bằng cách sử dụng 100% năng lượng tái tạo, được tạo ra bằng thủy điện từ sông Indalsälven gần đó. Công nghệ của Renewcell không chỉ giúp hạn chế phá rừng mà còn tạo ra năng suất bột giấy cao hơn. Tất cả bông phế thải mà nhà máy sử dụng đều được biến thành bột giấy.

Phương pháp biến đồ cũ thành bột giấy cellulose có thể phân hủy sinh học để tạo ra quần áo mới

Nhà máy này đang liên kết với các nhà máy sản xuất lớn ở Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và nhiều thương hiệu thời trang nổi tiếng như H&M, Zara. Nhà máy hy vọng có thể tái chế 600 triệu áo trong 1 năm – tương đương với 120.000 tấn chất thải dệt may và tăng công suất 360.000 tấn vào năm 2030.

Chiến lược phát triển thời trang bền vững

Nhiều nước trên thế giới cũng đang nỗ lực xây dựng nhiều nhà máy tái chế. Tại Anh, Thụy Sĩ, các tổ chức đang phát triển một quy trình để được cấp phép cho các nhà điều hành nhà máy quy mô lớn trên khắp thế giới, dự kiến ​​ra mắt vào năm 2024. Tại Mỹ, nhóm gồm 30 công ty đang định hướng công nghệ trong tái chế hỗn hợp, hướng tới việc giảm khối lượng viscose và chuyển sang các lựa chọn thay thế sử dụng các nguồn sợi tái chế, tái tạo vào năm 2025. Họ đang bắt đầu với việc tái chế giày, áo len, áo khoác và vải denim.

Theo Rhoades, mục tiêu là có 40 nhà máy được cấp phép vào năm 2040, mỗi nhà máy hoạt động với sản lượng 50.000 tấn mỗi năm, tương đương với hai triệu tấn nguyên liệu polyester và xenlulô quay trở lại chuỗi cung ứng để sản xuất hàng dệt mới như viscose và tái chế polyester.

Nỗ lực tái chế đồ cũ đến từ sản phẩm handmade của những cá nhân sáng tạo

Theo Liên Hợp Quốc, ngành công nghiệp thời trang được ước tính chịu trách nhiệm cho 8-10% lượng khí thải carbon toàn cầu. Mỗi năm, hơn 100 tỷ mặt hàng quần áo được sản xuất trên toàn cầu, với 65% trong số này sẽ bị đưa vào bãi rác trong vòng 12 tháng. Các bãi chôn lấp giải phóng các phần carbon dioxide và metan – loại khí nhà kính gây biến đổi khí hậu mạnh hơn 28 lần so với trước đây.

Sự thật đáng buồn là chỉ 1% quần áo tái chế được biến thành quần áo mới. Nhiều cửa hàng hiện có kế hoạch thu hồi, vận hành một hệ thống ba hướng: bán lại, tái sử dụng hoặc tái chế. Tuy vậy, khả năng tái chế quần áo khi hết hạn sử dụng hiện vẫn đang bị hạn chế trong khi các nguồn nguyên liệu để sản xuất ra quần áo đều là những thứ đang khan hiếm.

Vải vóc cần tới hàng trăm năm để phân hủy, lại chứa nhiều hóa chất độc hại và giải phóng khí nhà kính

Một khó khăn trong việc tái chế quần áo cũ thành quần áo mới là do thành phần của chúng. Phần lớn quần áo được làm từ hỗn hợp vải dệt, trong đó polyester là loại sợi được sản xuất rộng rãi nhất, chiếm 54% tổng sản lượng sợi toàn cầu. Sự phổ biến của polyester là do chi phí thấp (polyester có giá bằng một nửa so với bông), khiến chúng trở thành lựa chọn phổ biến cho các thương hiệu thời trang nhanh, ưu tiên giá rẻ.

Nhiều chuyên gia cho biết, để mở rộng quy mô các mô hình thời trang tuần hoàn, cần phải có cơ sở hạ tầng và dịch vụ phù hợp hỗ trợ các kế hoạch tái chế và thu hồi. Chiến lược của EU về Dệt may tuần hoàn và bền vững sẽ kêu gọi tất cả hàng dệt may trên thị trường EU phải "có tuổi thọ cao và có thể tái chế, được làm từ sợi tái chế càng nhiều càng tốt" vào năm 2030. Ngoài ra, EU sẽ yêu cầu thu gom rác thải dệt may riêng biệt, như giấy hoặc thủy tinh, vào năm 2025.

Nguồn: BBC