ĐỜI SỐNG

Top 5 nhà giáo ưu tú nhất trong sử sách Việt Nam

Thanh Toàn • 18-11-2022 • Lượt xem: 368
Top 5 nhà giáo ưu tú nhất trong sử sách Việt Nam

Ngày Nhà giáo Việt Nam còn được gọi là ngày Hiến chương Nhà giáo được tổ chức vào 20/11 hàng năm. Đây là dịp để những người học trò thể hiện tinh thần 'tôn sư trọng đạo' đối với những người có công và những người hoạt động trong ngành giáo dục. Hãy cùng Duyên dáng Việt Nam nhìn lại 5 bậc thầy vĩ đại, ưu tú nhất trong sử sách Việt Nam!

Xem thêm: 

Nhà giáo Lại Cao Nguyện - một trong “Tứ trụ” thư pháp Việt qua đời ở tuổi 93 

Nhà giáo cần giữ sự tôn nghiêm của nghề

Chu Văn An - người thầy chuẩn mực mọi thời đại Việt

Chu Văn An (1292 - 1379) tên thật là Chu An, hiệu là Tiều Ẩn, tên chữ là Linh Triệt, là một nhà giáo, thầy thuốc, quan viên Đại Việt cuối thời Trần, và là một "danh nhân văn hóa thế giới". Ông được "Đại Việt sử ký toàn thư" đánh giá là "ông tổ" của các nhà nho nước Việt. 

Chu Văn An là một người thầy, nhà giáo lỗi lạc của Việt Nam mọi thời đại. Ông là người chính trực, từng đỗ "Thái học sinh" nhưng không làm quan mà mở trường mở lớp dạy học bên dòng sông Tô Lịch. Dưới thời vua Trần Minh Tông, ông được mời làm tư nghiệp "Quốc tử giám" để dạy cho Thái tử Trần Vượng, tức vua Trần Hiến Tông. Nhưng đến đời vua Dụ Tông, chứng kiến nhiều quyền thần làm điều vô đạo, ông dâng sớ xin chém bảy tên gian thần nhưng không thành. Ông chán nản nên lui về ở ẩn, dạy học, trao truyền kiến thức cho đến khi mất.


Cuộc đời thanh bạch và tiết tháo của Chu Văn An là tấm gương sáng của thời phong kiến Việt Nam. (Ảnh: internet)

Nguyễn Bỉnh Khiêm - người thầy vĩ đại và huyền bí bậc nhất Việt Nam

Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân am cư sĩ. Ông được các môn sinh tôn là "Tuyết Giang phu tử" và là một trong những nhân vật có sức ảnh hưởng nhất lịch sử và văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI. 

Từ bé, ông đã có tướng mạo khôi ngô tuấn tú, trí khôn hơn người và đặc biệt là tài thơ văn xuất chúng. Như nhiều vị hiền nhân khác trong lịch sử, thời thế loạn lạc đã khiến ông không hứng thú với chốn quan trường. Dưới thời vua Mạc Đăng Doanh, Nguyễn Bỉnh Khiêm đỗ Trạng nguyên khi đã hơn 40 tuổi và quyết định phò vua giúp nước. Nhưng sau đó, vì không chịu được bao điều thị phi chốn quan trường, ông dâng sớ hạch tội 18 tên gian thần và cũng bị vua từ chối. Từ đó, ông lui về ở ẩn và trở thành một nhà giáo lỗi lạc thời bấy giờ. 

Nguyễn Bình Khiêm đã giáo dục cho nhân dân và học trò rất nhiều về đạo làm người, ở đời, sự học và cách học. Ông coi việc giáo dục phải thực hiện được vai trò định hướng ý chí và hành động cho người học, đặc biệt là lý tưởng cống hiến hết mình cho đất nước. Ông đặc biệt đề cao trách nhiệm cống hiến xã hội và cho rằng tác dụng cao nhất của giáo dục là cứu nhân độ thế, hướng con người đến triết lý "thiện là dòng dõi của giáo dục".


Trạng Trình - Nguyễn Bỉnh Khiêm được nhiều người mến phục nhờ tài tiên tri và triết lý "thiện là dòng dõi của giáo dục". (Ảnh: internet)

Nguyễn Thiếp - nhà sư phạm quyết tâm cải cách giáo dục

Nguyễn Thiếp (1723 - 1804) vốn có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau vì kiêng húy vua chúa nên đổi là Thiếp. Khi 26 tuổi, ông đỗ giải Hương, đi thi Hội vào tam trường. Vì bất mãn với lối học hành khiên cưỡng nên ông đã quyết không màng đến thi cử.

Sau khi vua Quang Trung đánh đuổi giặc Thanh, ông trở thành một trong những vị học giả được vua tin tưởng nhất. Quang Trung đặc biệt gia cho ông việc tổ chức nền giáo dục mới và phong ông là "La Sơn phu tử". Ông cũng là người đề nghị mở rộng ngành sư phạm một cách toàn diện, việc học phải bao gồm học văn và học võ. 


"La Sơn phu tử" Nguyễn Thiếp - nhà sư phạm quyết tâm cải cách giáo dục. (Ảnh: internet)

Lê Quý Đôn - túi khôn của thời đại

Lê Quý Đôn (1726 - 1784) tên thật là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu Quế Đường. Ông là nhà thơ được mệnh danh là "nhà bác học lớn của Việt Nam trong thời phong kiến""túi khôn của thời đại". Với kiến thức uyên thâm, tài đức hơn người, ông đã để lại cho nhân loại nhiều bộ sách giá trị ở đa dạng các lĩnh vực khác nhau. 

Không chỉ là nhà bác học, ông còn là người thầy xuất sắc nhất trong các thầy ở nước ta lúc bấy giờ. Ông chính là người thầy lỗi lạc, phê phán lối học phục vụ thi cử. Khác với những bậc thầy khác, Lê Quý Đôn còn là người biên soạn sách giáo khoa và nhà lý luận về giáo dục. Ông thấy được cái hạn chế của cách giáo dục phục vụ thi cử với mục đích để ra làm quan và chỉ đào tạo ra những người thiếu bản lĩnh.


Từng đỗ đầu ba kỳ thi, Lê Quý Đôn phê phán lối học phục vụ thi cử, đề cao việc "học là để hành". (Ảnh: internet)

Nguyễn Đình Chiểu - bậc tôn sư đất phương Nam

Nguyễn Đình Chiểu (1822 - 1888) tự Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ, Hối Trai (sau khi bị mù), là một nhà thơ lớn của Nam Kỳ trong nửa cuối thế kỷ XIX. Ông còn được gọi với cái tên thân mật là cụ đồ Chiểu.

Là một người có cuộc đời bất hạnh, ông xuất thân trong một gia đình nhà nho và có một tương lai tương sáng trên con đương khoa cử. Tuy nhiên, cuộc đời ông đã gặp phải một biến cố lớn khi mẹ ông mất. Vì quá thương mẹ nên ông khóc đến mù hai mắt và tiếp theo là chuỗi ngày bệnh tật, hôn thê bội ước, gia cảnh sa sút... Sau ba năm chịu tang mẹ, ông mở trường dạy học và bốc thuốc cho nhân dân ở quê hương Gia Định. Trải qua nhiều biến cố và sống vào thời điểm dất nước loạn lạc, ông vẫn giữ lòng trung kiên quyết không hợp tác với kẻ thù và tiếp tục tận tụy với giáo dục, truyền trao kiến thức đến thế hệ sau. 


Nguyễn Đình Chiểu là con người tài hoa nhưng có số phận bất hạnh. (Ảnh: internet)