ĐỜI SỐNG

Văn hóa, ẩm thực Việt đang được lan tỏa nhiều hơn tại Trung Quốc

Nguyễn Hậu • 09-12-2023 • Lượt xem: 1133
Văn hóa, ẩm thực Việt đang được lan tỏa nhiều hơn tại Trung Quốc

Ngày càng nhiều người dân Trung Quốc biết đến văn hóa, ẩm thực Việt Nam nhờ các sự kiện quảng bá văn hóa ẩm thực, hoạt động du lịch giữa hai nước và cộng đồng người Việt đang làm việc và sinh sống tại Trung Quốc.

Thời gian gần đây, các quán ăn Việt Nam dần có chỗ đứng trong lòng thực khách Trung Quốc góp phần lan tỏa văn hóa ẩm thực Việt tại đất nước tỷ dân này. Những yếu tố góp phần đưa ẩm thực Việt Nam lan tỏa và có chỗ đứng vững chắc tại Trung Quốc là: giao thương kinh tế giữa hai nước ngày càng tăng mạnh, trao đổi lưu học sinh, giao lưu du lịch sau khi mở cửa sau đại dịch, cộng đồng người Việt tại Trung Quốc...

Thầy Nguyễn Xuân Diện, giáo viên Đại học ngoại ngữ Tứ Xuyên tại Trung Quốc

Thầy Nguyễn Xuân Diện, quê ở Hưng Yên, giáo viên Đại học ngoại ngữ Tứ Xuyên, hiện đang dạy tiếng Việt và văn hóa Việt cho các thế hệ sinh viên tại đây. Thầy đã chứng kiến sự thay đổi về nhận thức của người trẻ Trung Quốc với tiếng Việt và Việt Nam. Thầy Nguyễn Xuân Diện chia sẻ: "Trong 14 năm giảng dạy tại trường cảm nhận sâu sắc của tôi là ấn tượng về Việt Nam của sinh viên Trung Quốc đã thay đổi rất nhiều. Từ chỗ các em sinh viên hầu như không biết gì về Việt Nam giờ đây các em hoàn toàn tự nguyện thi vào chuyên ngành tiếng Việt”.

Ngoài các giờ học chính khóa, sinh viên chuyên ngành tiếng Việt còn được vừa học vừa trải nghiệm ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam qua các hoạt động như: diễn thuyết, diễn kịch, múa hát, ngâm thơ, xem phim Việt, biểu diễn trang phục truyền thống Việt Nam, viết thư pháp tiếng Việt... Nấu các món ăn truyền thống Việt Nam được các bạn sinh viên Trung Quốc đặc biệt trông đợi.

Phở - Một trong những món ăn được thực khách nước ngoài yêu thích tại các sự kiện văn hóa, ẩm thực

Các món ăn Việt như phở, bún chả, nem, gỏi cuốn là những món được giới thiệu nhiều nhất với bạn bè Trung Quốc tại các sự kiện văn hóa ẩm thực. Vì vậy nhiều người Trung Quốc giờ đây đã không còn xa lạ với các món ăn đặc trưng của Việt Nam. Món ăn Việt, văn hóa Việt có nhiều nét tương đồng với Trung Quốc và các nước châu Á do đó đã dần dần chinh phục được người dân Trung Quốc. Các thực khách Trung Quốc rất thích thú thưởng thức và khám phá ẩm thực Việt nhiều người còn tham gia vào các lớp học nấu các món ăn Việt. Các nguyên liệu, gia vị chế biến món Việt cũng rất dễ dàng mua được trên các sàn thương mại điện tử của Trung Quốc.

Người dân Trung Quốc học nấu món ăn Việt

Nếu tìm kiếm trên các ứng dụng tìm kiếm phổ biến ở Trung Quốc như Gaode, Dazhongdianping, Baidu người ta dễ dàng tìm thấy hàng chục các quán kinh doanh đồ ăn Việt Nam, với đủ các món ăn 3 miền bắc, trung, nam. Ngay trên ứng dụng đặt đồ ăn trực tuyến Waimai, có tới hàng chục cửa hàng “online” bán đồ ăn Việt Nam. Trong đó, nổi bật và giành được nhiều yêu thích hơn cả, có lẽ là chuỗi cửa hàng SuSu và quán Việt Xá (Yueshe).

Không gian tại một quán ăn Việt ở Trung Quốc

Món bánh cuốn tại một nhà hàng Việt ở Trung Quốc

Món chả giò tại một nhà hàng Việt ở Trung Quốc

Chị Vương Hiểu Tuệ, thực khách tại quán Việt Xá cho biết: "Tôi thích đồ ăn Việt Nam bởi các món ăn ít dầu mỡ, giữ được hương vị của nguyên liệu, rất tốt cho sức khỏe. Tôi sẽ giới thiệu người thân, bạn bè đến đây để thưởng thức các món ăn Việt Nam".

Bà Phan Đông Mai, thực khách đến từ quận Triều Dương, Bắc Kinh cho biết: "Có rất nhiều người Bắc Kinh yêu thích đồ ăn Việt Nam, song tìm được một cửa hàng "chính tông" để thưởng thức các món ăn chuẩn vị Việt Nam không phải dễ, nên rất cần xây dựng các thương hiệu và thống nhất tiêu chuẩn chất lượng để nâng cao mức độ nhận biết cho ẩm thực Việt".

Anh Trương Tự, người dân Bắc Kinh, Trung Quốc

Anh Trương Tự, thực khách đến từ thành phố Bắc Kinh cho biết: "Tại khu thương mại CBD có nhiều quán phở Việt Nam. Món phở đường tàu, nhiều người Trung Quốc cũng ngày càng thích. Quán phở mở ra nhiều vì nó ngon, đông khách".

Sự lan tỏa văn hóa, ẩm thực Việt tại Trung Quốc giúp người dân Trung Quốc hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam, cũng như góp phần vào sự hợp tác, giao lưu, thúc đẩy phát triển kinh tế giữa hai nước.