ĐỜI SỐNG

Vì sao cá heo thích cứu người?

Minh Trung • 19-12-2022 • Lượt xem: 1494
Vì sao cá heo thích cứu người?

Nhiều nhận định cho rằng, cá heo là loài động vật có vú, chỉ thông minh sau con người và rất thích chơi đùa cùng người. Giải mã những sự kiện cá heo cứu người, nguyên nhân đầu tiên do chúng thông minh, vậy còn những nguyên nhân thú vị nào phía sau đó?
 

Truyền thuyết về việc cá heo cứu người 

Sự kiện cá heo cứu người được đề cập sớm nhất trong cuốn sách "Truyền thuyết về Arion" của nhà sử học Hy Lạp Lotustu. 

Theo đó, trong lần trở về Corinth (Hy Lạp), nhạc sĩ Arion bị chặn lại bởi một nhóm cướp biển. Họ ban cho ông một ân huệ, đó là tự nhảy xuống biển để giải thoát thay vì để chúng xử tử. Trước khi trầm mình xuống biển, Arion đã xin bọn cướp cho mình được chơi một bản nhạc cuối cùng, và toán cướp đồng ý. Nghe tiếng nhạc, đàn cá heo từ đâu bơi lại vây xung quanh con tàu. Và khi đã chơi xong bản nhạc, ông đã nhảy xuống biển, và bất ngờ thay, đàn cá heo đã cùng nhau nâng bổng ông lên và đưa đến một bán đảo tên là Peloponnese. 

Nhiều người cho rằng câu chuyện này chỉ là một truyền thuyết. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều sự kiện cá heo cứu người được chứng minh thực sự.

Thói quen của cá heo 

Sau nhiều lần quan sát và thực nghiệm, hành vi của cá heo được các nhà khoa học ghi lại và giải thích như sau. 

Khi thấy một vật rơi trên mặt biển, dù là bọt biển hay gỗ, cá heo sẽ nâng chúng lên. Và đây là một phản xạ có điều kiện của chúng. Và khi ngoi lên khỏi mặt nước biển, chúng sẽ mở các lỗ phun nước để thở.  

Cá heo đang chơi với các vật rơi trên mặt biển

Do đó, có thể giải thích ngắn gọn rằng, việc cá heo cứu người chỉ là phản ứng tự nhiên, vì chúng mặc định rằng con người chúng ta cũng chỉ là như những dị vật rơi trên mặt nước. Và phản ứng có điều kiện lại xảy ra một lần nữa.

Cá heo dưới góc nhìn khoa học 

Cá heo là loài động vật có vú. Do đó, phần nào sẽ bị ảnh hưởng bởi kiểu hô hấp của các loài động vật trên cạn, cụ thể là lớp thú. Theo đó, chúng sẽ không hô hấp bằng mang, mà hô hấp bằng phổi. Do vậy, chúng sẽ phải học cách ngoi lên mặt nước để điều chỉnh nhịp thở. Và đó là cách sinh tồn của những chú cá heo dưới đại dương. 

Cá heo đang thở trên mặt nước

 Với nhận định về việc loài cá heo thông minh gần với con người, hay ngang bằng với loài hắc tinh tinh, nhiều nhà khoa học cho rằng đây là nhận định chưa có căn cứ. Để có hành động cứu người, não bộ cần xử lí ba khối thông tin cơ bản: Phán đoán và dự trù tình huống nguy hiểm, trách nhiệm, xử trí đưa đến nơi an toàn. Trong nhiều thực nghiệm, các nhà khoa học chỉ thấy cá heo có thể nâng bổng một người lên mà chưa có phương án hay cách thức để đưa người đó đến nơi an toàn. Điều này lại càng khẳng định trong việc cá heo cứu người chỉ là phản xạ có điều kiện đối với hành động nâng dị vật trên mặt biển nhân lúc chúng ngoi lên mặt nước để điều hòa nhịp thở. 

Thêm vào đó, khi mới sinh ra, cá heo mẹ đã nâng con của mình lên khỏi mặt nước trong khoảng thời gian dài để con hô hấp. Và những con cá heo khác cũng sẵn sàng giúp đỡ người mẹ làm điều này. Ngoài ra, cá heo rất thích chơi đùa với nhau và sinh hoạt theo bầy. Do đó, từ hai đặc tính này, con người đã có một cái nhìn rất “người” đối với cá heo. Đó là sự thân thiện, luôn cứu giúp người gặp nạn. 

Cá heo mẹ đang nâng cá heo con trên mặt nước

Một vài con số chỉ ra rằng, não cá heo nặng trung bình 1.6 kg, não người là 1.5 kg, não tinh tinh là 0.2 kg. Ngoài ra, trong não cá heo còn chứa nhiều sulci vỏ não. Khối lượng não không phải là thước đo cho sự thông minh, vì nếu vậy thì cá voi đã thông minh hơn con người. Tuy nhiên, nó cũng phần nào chứng minh rằng, cá heo là loài động vật có tiềm năng về sự thông minh, và việc chúng có thể cứu người là một phần trong sự thông minh đó. 

Tóm lại, cá heo cứu người chỉ là bản năng của chúng. Việc nâng người lên khỏi mặt biển là một phản xạ có điều kiện. Chung tay bảo vệ môi trường biển là cách để mỗi người yêu thương loại động vật thân thiện này.