ĐỜI SỐNG

Vì sao các tổ chức giáo dục toàn cầu xem Việt Nam là 'điểm nóng' du học?

Bá Phúc • 20-08-2023 • Lượt xem: 2013
Vì sao các tổ chức giáo dục toàn cầu xem Việt Nam là 'điểm nóng' du học?

Trong năm 2023, Việt Nam vẫn tiếp tục là tâm điểm tuyển sinh gây chú ý với các tổ chức giáo dục Quốc tế. Hiện nay đã xuất hiện nhiều xu hướng nổi bật trong lĩnh vực du học, song song với sự lựa chọn học tại các trường đại học nước ngoài.

Vào năm 2023, việc đưa con du học của người Việt vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Trước đó, sự tập trung chủ yếu vào các nước phương Tây như Mỹ, Úc và Canada do lợi thế tiếng Anh giúp sinh viên có nhiều cơ hội trong việc tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, với sự chuyển dịch của sức mạnh kinh tế toàn cầu về phía Đông, các "điểm đến" ở châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan đang ngày càng thu hút sự quan tâm của học sinh Việt Nam.

Theo sơ bộ thống kê của năm 2023, nhu cầu của phụ huynh Việt Nam có mong muốn đưa con du học nước ngoài đang có chiều hướng phát triển mạnh mẽ. Các nước chọn du học cho con mà phụ huynh đang hướng đến thường tập trung chủ yếu ở các nước như Mỹ, Úc, Canada,… vì có thể giúp sinh viên nâng cao trình độ tiếng Anh cũng như tạo cơ hội dễ dàng trong nhu cầu tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, do sự chuyển dịch mạnh mẽ của kinh tế toàn cầu về phía Đông, nên các điểm nóng du học giờ đây đang ngày càng thu hút sự quan tâm của học sinh Việt Nam, đó là các nước trong khu vực châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan,…

Anh, Úc, Mỹ tuy đang là địa điểm du học nhiều phụ huynh hướng đến cho con em nhưng Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc,... mới là sự quan tâm hàng đầu của học sinh Việt Nam.

Theo ghi nhận từ trang ICEF Monitor trùng khớp với số liệu thống kê của Cục Hợp tác Quốc tế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong năm học 2019 – 2020, đã có khoảng 190.000 du học sinh Việt theo học và nghiên cứu ở nước ngoài. Chính vì vậy, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu về số lượng du học sinh tại khắp các Quốc gia như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc, Mỹ,…. Từ những ghi nhận và thống kê này cho thấy, Việt Nam đang trở thành tâm điểm trong việc tuyển sinh cho các tổ chức giáo dục trên toàn cầu.

Do đâu mà Việt Nam trở thành cơn sốt mạnh mẽ trong việc tuyển sinh du học? Theo một số báo cáo và nghiên cứu của tổ chức HSBC và Ngân hàng Thế giới, đã tìm ra hàng loạt nguyên nhân, đó là phần lớn đều là từ tâm lý của phụ huynh và sự phát triển toàn cầu của nền kinh tế.

Ngoài ra, một trong những nguyên nhân cốt yếu, đó chính là tầm quan trọng của gia đình Việt đối với ngành giáo dục. Theo thống kê từ HSBC của năm 2018 cho thấy, mức chi tiêu cho giáo dục chiếm đến 47% so với tổng chi tiêu của mỗi hộ gia đình. Năm 2021, tổ chức UNICEF đã báo cáo về tỉ lệ hoàn thành bậc trung học phổ thông tùy theo từng khu vực và thu nhập đã có sự thay đổi đáng kể, cho nền giáo dục bị hạn chế chất lượng ở một vài nơi. Điều này thúc đẩy nhiều phụ huynh và học sinh tìm học tại các thành phố lớn hoặc lựa chọn giải pháp du học.  

Bên cạnh đó, tháng 4/2023, theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam đang dần có sự chuyển biến từ một quốc gia nghèo trở thành nền kinh tế có thu nhập trung bình chỉ sau một thế hệ, đồng thời mở rộng tần lớn trung lưu. Sự thay đổi thực tế này đã dẫn đến quyết định việc tăng học phí tại nhiều trường đại học trong nước, khiến nhiều gia đình phải xem xét lựa chọn các tổ chức giáo dục ở nước ngoài.

Ngoài những yếu tố trên, có nhiều điểm ảnh hưởng khác tới quyết định du học. Theo một nghiên cứu từ tổ chức giáo dục INTO vào năm 2022, với sự tham gia của 1.000 sinh viên thế hệ Gen Z và 500 phụ huynh tại Việt Nam, việc cải thiện khả năng tiếng Anh và tăng cường triển vọng nghề nghiệp đã được xác định là ưu tiên hàng đầu của các sinh viên khi xem xét lựa chọn đại học ở nước ngoài.

Hơn nữa, việc lựa chọn Quốc gia là điểm đến du học phải dựa trên 4 yếu tố quan trọng và được sắp xếp theo mức độ ưu tiên như: thứ nhất, quan trọng nhất là có cơ hội trải nghiệm phù hợp với lĩnh vực học mà sinh viên đang theo đuổi; thứ hai, yếu tố chất lượng giáo dục đóng vai trò quan trọng, và độ chênh lệch vượt trội so với mức trung bình về năng lực học tập; thứ ba, khả năng tạo ra cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp là một yếu tố quyết định; thứ tư, khả năng kết hợp học tập và làm việc đồng thời cũng được xem xét.

Theo một nghiên cứu của INTO, mặc dù các quốc gia nói tiếng Anh đang là sự lựa chọn phổ biến đối vớ thế hệ Gen Z tại Việt Nam, tuy nhiên hơn một nửa trong số họ lại chọn trường Đại học tại châu Á vào danh sách 3 lựa chọn hàng đầu của mình. Và cứ mỗi 5 sinh viên, thì có tới 4 người cho biết phụ huynh là người có sức ảnh hưởng quan trọng đối với quyết định du học của họ, bởi mối quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh thường tập trung vào vấn đề chi phí và an toàn.

Trong thời gian gần đây, sự gia tăng vượt trội trong nhu cầu du học phổ thông đang là xu hướng đáng quan tâm. Theo khảo sát trong năm 2022 từ cơ quan tư vấn du học IDP cho thấy, các chương trình cử nhân và sau Đại học vẫn là sự lựa chọn phổ biến nhất dành cho du học sinh Việt, bởi các chương trình trung học đang có tốc độ phát triển nhanh nhất. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều trường Quốc tế ở Việt Nam có mức học phí cao từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm.  

Hình thức du học tại chỗ thông qua chương trình liên kết Quốc tế cũng đang thu hút sự chú ý lớn đối với phụ huynh và học sinh. Trong tháng 4/2023 của tổ chức Acumen, theo khảo sát với 1.005 phụ huynh, có đến 85% cho biết họ sẵn sàng đăng ký con em mình vào các chương trình liên kết Quốc tế. Trái lại, chỉ có 34% mong muốn cho con học chương trình Việt Nam tại các trường Đại học trong nước.

Có 85% phụ huynh cho con em học chương trình liên kết Quốc tế, nhưng còn 34% mong muốn cho con học chương trình Việt Nam tại các trường Đại học.

Bên cạnh đó, tổ chức Acumen cho biết thêm, hiện đã có hơn 400 chương trình liên kết giữa các tổ chức giáo dục Việt Nam và Quốc tế. Ngoài ra, còn có 5 cơ sở Đại học có vốn đầu tư nước ngoài như RMIT và Đại học Anh Quốc tại Việt Nam với ít nhất là 15.000 sinh viên đang tham gia chương trình giáo dục của Úc, Anh, Mỹ và New Zealand cung cấp.