ĐỜI SỐNG

Xu hướng du lịch mạo hiểm của giới siêu giàu đang bùng nổ

Lan Hương • 25-08-2023 • Lượt xem: 3325
Xu hướng du lịch mạo hiểm của giới siêu giàu đang bùng nổ

Du lịch mạo hiểm những năm gần đây đang được giới siêu giàu hưởng ứng. Họ sẵn sàng chi trả để có được những chuyến tham quan đến đỉnh núi cao nhất hay thám hiểm địa điểm sâu nhất dưới đáy đại dương, bất chấp chi phí đắt đỏ và thậm chí là sự an toàn của tính mạng.

Arthur Loibl - Một doanh nhân người Đức cho đến bây giờ vẫn cảm thấy rùng mình khi hồi tưởng về trải nghiệm cực độ của mình. Ông là một trong những hành khách đầu tiên mua vé tham gia hành trình ngắm xác tàu Titanic dưới đáy đại dương của ông ty tư nhân OceanGate vào tháng 8 năm 2021 cùng với 4 người khác.

Ông cho biết, chuyến đi đã gặp trở ngại ngay khi chưa xuất phát. Dự kiến kế hoạch bắt đầu khởi hành từ sáng sớm nhưng phải trì hoãn sau 5 tiếng vì tàu không sạc được pin. Khi đã được hạ xuống nước thì không lâu sau đó bộ ổn định phía tay phải của tàu lại gặp rắc rối.

Ông thừa nhận thẳng thắn rằng đây chính là một chuyến đi cảm tử. “Bên trong tàu chật chội đến mức không có ghế, không thể đứng, cũng không thể cúi xuống, 5 người ngồi sát bên nhau trong toàn bộ thời gian lặn. Cuộc lặn kéo dài 10 tiếng rưỡi và trong thời gian đó bạn không được sợ hãi”. Lời của Loibl kể lại.

Hoặc một vụ việc khác cách đây không lâu cũng trong hành trình thám hiểm xác tàu Titanic của tàu Titan vào 18 tháng 6, trong đó có hai tỷ phú nổi tiếng thế giới nhưng một vụ nổ lớn khiến các hành khách không qua khỏi.

Không gian bên trong tàu Titan.

Tiến bộ công nghệ đã khơi nguồn cho du lịch mạo hiểm

Theo báo cáo nghiên cứu thị trường của hãng Allied Market Research, du lịch mạo hiểm toàn cầu đạt 366,7 tỷ đô la vào năm 2022 và dự kiến vào năm 2032 sẽ tăng lên đến 4,6 tỷ đô. Khi công nghệ ngày càng tiến bộ, du lịch cũng được nâng một tầm cao mới, bất kỳ ai có dư giả tiền bạc, thời gian và được đào tạo đều có thể coi mình là nhà thám hiểm.

Trên thực tế, nơi tàu Titanic đắm chìm vẫn chưa phải là địa điểm sâu nhất mà các nhà du lịch cung cấp cho du khách. Điểm sâu nhất trong lòng đại dương được biết đến là vực sâu Challenger Deep của rãnh Mariana mà một số người siêu giàu đã đặt chân đến. Công ty du lịch EYOS Expeditions chính là đơn vị cung cấp những chuyến đi này với giá 750.000 đô từ năm 2020.

Du lịch khám phá đáy đại dương thu hút giới siêu giàu.

Không chỉ lặn xuống đáy đại dương, các đại gia cũng thích thú với những chuyến bay vào vũ trụ. Ý tưởng thám hiểm vũ trụ của giới nhà giàu đã bắt đầu tại Nga vào những năm 2000. Khi đó, cơ quan hàng không vũ trụ Nga đã đưa 7 đại gia lên không gian với mức phí 20 triệu đô mỗi người nhằm gây quỹ cho chương trình hàng không vũ trụ đang gặp khó khăn khi đó.

Đến nay du lịch vũ trụ đã đạt được nhiều bước tiến mới. Vào 2018, giá vé đi vào vũ trụ của Blue Origin ước tính khoảng 200 đến 300 ngàn đô. Công ty du lịch vũ trụ Virgin Galactic cũng thông báo đề xuất giá vé các chuyến bay vào không gian với mức 450 ngàn đô một lần mỗi người.

Những chuyến thám hiểm vũ trụ với chi phí vô cùng đắt đỏ.

Ngoài du lịch không gian hay lặn biển, những chuyến thám hiểm đến miền bí ẩn, du lịch tại Nam Cực, chinh phục đỉnh Everest hay những trải nghiệm đầy thách thức như chèo thuyền gần núi lửa đang hoạt động ở New Zealand, bơi cùng cá mập trắng ở Mexico… đều thu hút các đại gia siêu giàu.

Hành trình chinh phục Everest đầy thử thách.

Vì sao du lịch mạo hiểm nhưng vẫn được ưa chuộng?

Du lịch mạo hiểm những năm gần gần đây có xu hướng thu hút ngày càng nhiều người giàu có, và mặt khác nó cũng chính là mỏ vàng mới của các doanh nghiệp lữ hành. Hấp dẫn là vậy nhưng đi kèm với đó là những rủi ro không thể nào lường trước được.

Mặc dù được đánh giá là mô hình ẩn chứa rủi ro cao và chi phí đắt đỏ, thế nhưng tiền không phải là vấn đề với giới siêu giàu ưa mạo hiểm. Với họ, trải nghiệm mới chính là điều đáng quan tâm, họ muốn có thứ gì đó mình không bao giờ quên được. Để thỏa mãn đam mê, họ sẵn lòng chi trả một số tiền không nhỏ đồng thời chấp nhận đương đầu với những rủi ro lúc nào cũng có thể xảy ra.

Chẳng hạn như với dịch vụ tham quan xác tàu Titanic của OceanGate, ngoài việc chi trả mức giá 250 ngàn đô một người cho hành trình, du khách tham gia còn buộc phải ký vào giấy xác nhận chuyến đi có thể dẫn tới ảnh hưởng thể chất, tổn thương tinh thần hoặc nguy hiểm cho tính mạng.

Theo các chuyên gia, những cuộc phiêu lưu nguy hiểm luôn kích thích trí tò mò của giới người giàu. Họ luôn quan tâm tới những cái mới, đồng thời du lịch mạo hiểm còn là cách để họ khẳng định vị thế của bản thân hay đơn giản chỉ là muốn phá cách mà có khi cái giá đắt nhất phải trả chính là mạng sống của mình.