Hội họa

Ý nghĩa của hoa mai trong ngày Tết

Thảo Trang • 29-01-2018 • Lượt xem: 12820
Ý nghĩa của hoa mai trong ngày Tết

Ngày Tết ở miền Bắc thì chơi hoa đào, miền Nam thì chơi hoa mai. Vui nhất là ở Đà Nẵng, nghe nhiều người nói ngày Tết họ có thể chơi cả mai lẫn đào vì khí hậu khá tuyệt vời, vừa lạnh vừa nóng, có thể chưng được cả hai loại hoa này. Đào hay mai, đều là loài hoa khởi sắc của mùa xuân được bày chơi trang trọng trong mỗi gia đình dịp Tết.

Hoa mai  hẳn là hoa của quyền quý, thanh sang. Hoa mai với màu vàng tươi, rực lên vào dịp gần Tết và đẹp lung linh khi vào chính Tết. Ở miền Nam, nhất là ở Sài Gòn, chỉ giữa tháng chạp, giữa các con đường như Phạm Văn Đồng (Kha Vạn Cân cũ) hay đi về phía quận 7, quận 8 hoặc hướng Hóc Môn, hoa mai rợp cả trời. Những chậu mai to nhỏ nườm nượp được bày bán hai bên đường, pha sắc vàng trong dịp cuối năm, khiến lòng người nôn nao nhớ Tết. Có cả những người thèm có một cành mai hay một chậu mai nhỏ thôi cũng được, để đem lên máy bay mang ra ngoài Bắc chơi Tết. Hoa mai chỉ yêu màu nắng phương Nam, yêu khí hậu nhiệt đới nồng ấm cho nên dịp Tết ở miền Bắc, loài hoa này cứ e ấp vàng tươi như sợ cái lạnh giá của mùa đông. Và cũng thế, nó trở nên hiếm hoi bởi chính sự độc đáo của mình.

Màu của hoa mai tượng trưng cho sự giàu có, phú quý. Khi chưng hoa mai, ai cũng mong có một năm phát tài và giàu sang. Hoa mai nở càng nhiều thì có nghĩa là gia chủ ấy sẽ có một năm càng phú quý.

Thiền Sư Mãn Giác từng viết về mai: Đình tiền tạc dạ nhất chi mai. Câu thơ như bay lên, tả về sự tinh túy và cao quý của loài hoa này. Loài hoa của các tao nhân mặc khách, đầy thi vị và thường không bao giờ nghiêng bóng trước kẻ phàm phu. Chính vì vậy mà hoa mai là biểu tượng của sự kiên gan, nhẫn nại và cao thượng.

Nhìn mai nở, biết một năm sắp qua, năm mới sắp tới và mùa xuân đang về. Nhìn mai, biết lòng vẫn có thể vui cho một năm mới sung túc. Hoa mai có khí chất và năng lượng đặc biệt, vô hình nhưng sẽ thổi vào lòng người sức sống vui vẻ.

Vì sao loài cây này có tên là Hoa Mai? Khởi nguyên từ câu chuyện của một cô gái, đã bảo vệ dân làng tiêu diệt yêu tinh và khi cô chết, hóa thân thành cây mai. Trước khi chết, vì quá thương cô ông Táo đã xin Ngọc Hoàng cho cô sống lại trong 9 ngày để trở về bên gia đình, bắt đầu từ ngày 28 Tết. Mỗi năm cô đều trở về như vậy. Khi người thân cô mất đi, cô không trở về nhà nữa mà hóa thân thành cây mai bên miếu. Mai trổ những cánh vàng rực xua đi tà khí và người dân cứ chiết cành về trồng ở khắp nơi.

Vậy mới biết, mai không chỉ là loài hoa đẹp, nhiều khí tiết, sự cứng cỏi, dũng mãnh mà còn có thể là loài hoa phong thủy trừ tà, mang lại may mắn dịp Tết.

Trên đây là một trong nhiều lý do để loài hoa này sống mãi trong tâm hồn người Việt Nam.