ĐỜI SỐNG

Bài học kinh nghiệm đáng ngẫm sau án phạt của Liên đoàn bóng đá VN tại giải U.21 Quốc gia Thanh Niên 2022

Huyền Hân • 27-12-2022 • Lượt xem: 315
Bài học kinh nghiệm đáng ngẫm sau án phạt của Liên đoàn bóng đá VN tại giải U.21 Quốc gia Thanh Niên 2022

Sau 26 năm tổ chức giải U21 Quốc gia Thanh Niên 2022, có thể năm 2022 sẽ là năm còn được nhắc mãi sau này, nhưng không phải là về chuyên môn mà lại câu chuyện vi phạm xử lý kỷ luật các đội bóng của Liên đoàn bóng đá Việt Nam.
 

Giải đấu U21 Quốc gia vẫn đang diễn ra với những trận đấu hay, sôi nổi khi xuất hiện hàng loạt những ngôi sao tiềm năng hy vọng cho tương lai bóng đá Việt Nam. Nhưng bên cạnh đó, lại xuất hiện quá nhiều những sai phạm vi phạm quy chế buộc Liên Đoàn Bóng Đá Việt Nam phải đưa ra án phạt.

Trước đó, ngày 22/12, Ban kỷ luật Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã ra quyết định xử thua cả 3 trận đấu đối với U21 Sông Lam Nghệ An tại vòng bảng của vòng chung kết U21 Quốc gia. Lý do là bởi U21 Sông Lam Nghệ An đã sử dụng cầu thủ Phan Bá Quyền mang áo số 99, thi đấu cho 3 đội bóng trong 1 mùa giải. Cụ thể, tiền vệ Phan Bá Quyền đã thi đấu cho Vĩnh Phúc, Bình Phước và U21 Sông Lam Nghệ An trong mùa giải 2022, điều này vi phạm quy định của VFF. U21 SLNA bị xử thua 0-3 toàn bộ các trận đấu (thua 0-3 trước U21 Đà Nẵng, thua 0-3 trước U21 Thanh Hoá, thua 0-3 trước U21 Hoàng Anh Gia Lai), đóng 4.500.000 đồng tiền phạt.

Cứ tưởng mọi chuyện sẽ dừng lại và sẽ không có bất kỳ vụ sai phạm nào nữa. Nhưng vào trưa ngày 26/12, Ban Luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam quyết định loại U21 Gia Định khỏi Giải U21 Quốc gia 2022, do đội bóng này đã vi phạm quy chế để cầu thủ thi đấu cho 3 đội bóng trong 1 mùa giải. Cụ thể, U21 Gia Định đã đưa cầu thủ Lê Văn Trường vào sân thi đấu tại một số trận, thuộc vòng loại U21 Quốc gia 2022. Được biết, Lê Văn Trường trong mùa giải 2022, đã tham gia thi đấu cho 3 câu lạc bộ là Hoàng Anh Gia Lai, Vị trí Vàng Kon Tum và U21 Gia Định. Kết thúc vòng loại, U21 Gia Định được 10 điểm, xếp nhì bảng C. Tại vòng chung kết Giải U21 Quốc gia 2022, thì U21 Gia Định đã không đăng ký Văn Trường.

Hai vụ việc của hai đội bóng dường như tương tự nhau, cho thấy sự chưa chuyên nghiệp của các đội bóng. Trước khi bước vào giải đấu, hầu như BTC cũng đã phổ biến và thông báo những quy định đến với các đội bóng tham dự. Vì vậy, trách nhiệm trước hết là ở các đội bóng cần phải nắm rõ và phát hiện những điều gì là sai, là không phù hợp. Quy chế bóng đá ngoài chuyên nghiệp quy định: “Trong một mùa giải, cầu thủ chỉ được quyền thi đấu các trận đấu chính thức cho 2 CLB, đội bóng”.

Ai cũng biết, sân chơi U21 là sân chơi khá quan trọng giúp cho các cầu thủ trẻ thể hiện mình, tích lũy thêm kinh nghiệm và sẵn sàng bước lên sân chơi chuyên nghiệp. Những sai phạm như thế này là điều thật đáng trách với những người có trách nhiệm trong vấn đề này. Cái sai của họ kéo theo quá nhiều ảnh hưởng, trước nhất là với những cầu thủ trẻ đang khao khát được thi đấu, được chơi bóng và hy vọng gắn bó lâu dài với nghiệp cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp. Các cầu thủ đang hào hứng phấn khởi, thì những quyết định đến từ những sai phạm của cấp trên như thế như cú tát vào họ, khiến các cầu thủ phải rời cuộc chơi một cách đầy đáng tiếc. Thứ hai, những sai phạm như thế này thật sự rất mất đi hình ảnh của Câu lạc bộ. Một câu lạc bộ thật sự chuyên nghiệp thì bất cứ điều gì cũng phải chuyên nghiệp và rõ ràng. Bóng đá Việt Nam luôn muốn chuyên nghiệp thì không phải chỉ Liên Đoàn mà tất các các Câu lạc bộ cũng phải làm việc một cách nghiêm túc, tránh những sai phạm nghiêm trọng như thế này.

Nhưng cũng phải nói thêm, sự phát hiện của Phòng Pháp lý kiểm tra tư cách cầu thủ của VFF làm việc quá chậm. Danh sách các cầu thủ trước giải đấu đều đã nộp cho Liên Đoàn, nhưng đến khi U21 Sông Lam Nghệ An thi đấu hết cả ba trận ở Vòng chung kết thì mới được phát hiện. Đáng nói hơn là với trường hợp cầu thủ U21 Gia Định, từ vòng loại tháng 11 đến tận trận tứ kết 2 của vòng chung kết mới xử lý thông qua nguồn tin của các câu lạc bộ khác. Và trong vòng chung kết đội Gia Định đã không đăng ký cầu thủ Lê Văn Trường thi đấu. Nếu phát hiện sớm thì U21 Gia Định sẽ không góp mặt được tại vòng chung kết.

Vụ việc thì đã xảy ra, việc cần làm cho các câu lạc bộ chính là cần chấn chỉnh là bộ máy, những người làm việc trong các giải trẻ cần phải nghiêm túc với nghề và tìm hiểu thật kỹ quy chế các giải đấu mà câu lạc mình phải tham dự. Ban quản lý và ban điều hành CLB cần theo dõi sát, cập nhật kỹ từng cầu thủ ở câu lạc bộ. Các câu lạc bộ cần đào tạo hướng dẫn đội ngũ nhân viên có chuyên môn, tâm huyết. Và trong chính các cầu thủ, đây là bài học để các cầu thủ cũng phải biết tìm hiểu và báo cáo ngay cho câu lạc bộ trong những
trường hợp như thế này.

Đây cũng là bài học với Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Phòng Pháp lý kiểm tra tư cách cầu thủ của VFF kiểm tra và phát hiện một cách quá chậm. Nếu phát hiện từ ngay khâu kiểm tra duyệt danh sách thì mọi thứ có thể đã khác.

Vụ việc này cũng đưa đến một vấn đề, đó chính là các giải trẻ của Việt Nam còn quá ít, hầu như tất cả các cầu thủ trẻ được đào tạo ở các câu lạc bộ đều hầu như được cho mượn ở các giải hạng nhất, hạng nhì, hạng 3 trong năm nhằm để được cọ xát tích lũy kinh nghiệm tạo lực lượng kế thừa tốt nhất cho Việt Nam. Vì vậy, việc một số cầu thủ trong một năm thi đấu cho nhiều câu lạc bộ là hoàn toàn có thể. Cho nên có lẽ là đây là bài toán cho Liên Đoàn bóng đá Việt Nam. Muốn bóng đá Việt Nam bay xa, nguồn lực cầu thủ trẻ là quan trọng nhất cần tạo sân chơi nhiều hơn, tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ có thể thi đấu nhiều nhất có thể.