Duyên Dáng Việt Nam

Bạn nên biết cách dùng đồ nhựa như thế nào để tránh gây hại cho sức khỏe

H.H • 24-10-2020 • Lượt xem: 870
Bạn nên biết cách dùng đồ nhựa như thế nào để tránh gây hại cho sức khỏe

Các vật dụng bằng nhựa như cốc chén, hộp, thìa, đĩa... được sử dụng một cách rộng rãi và vô cùng tiện lợi trong đời sống con người. Tưởng tượng rằng thiếu những vật dụng này trong cuộc sống của chúng ta là điều không thể. Thế nhưng, nếu không biết sử dụng đúng cách, đồ nhựa sẽ gây ra hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho sức khỏe con người.

DDVN xin chỉ ra những sai lầm thường gặp khi sử dụng đồ nhựa cũng như đưa ra các gợi ý cho việc sử dụng chúng đúng cách.

Lựa chọn đồ nhựa kém chất lượng

Lựa chọn đồ nhựa kém chất lượng tức là đồ nhựa không rõ nguồn gốc xuất xứ, được sản xuất thủ công, không qua kiểm định. Những loại này thường gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng cho người sử dụng do trong quá trình sản xuất chúng được sử dụng nhiều chất phụ gia, chất tạo màu độc hại.

Theo lời khuyên của các chuyên gia, nên chọn những hộp nhựa vô cơ, có độ bóng cao, cứng, không màu (màu trắng). Những loại này thường ít gây độc hại hơn nhựa hữu cơ, dẻo, có màu sắc sặc sỡ. Do trong quá trình sử dụng, nhựa dẻo dễ bị biến dạng, hoặc thôi nhiễm hóa chất, chất tạo màu ở nhiệt độ cao, gây các căn bệnh nguy hiểm.

Để phân biệt nhựa vô cơ và nhựa hữu cơ, hãy soi chúng dưới ánh mặt trời. Nếu là nhựa vô cơ sẽ không cho ánh nắng đi qua còn nhựa hữu cơ chúng ta vẫn nhìn thấy ánh nắng.

Mấy năm gần đây, các bà nội trợ thường chọn hộp đựng thực phẩm của Tupperware. Mặc dù giá thành khá đắt đỏ, nhưng Tupperware nên là một lựa chọn cho người tiêu dùng vì với thành phần là nhựa nguyên sinh nên rất an toàn cho người sử dụng.

Dùng đồ nhựa đựng thức ăn nóng

Các nhà khoa học Đức đã cảnh báo người tiêu dùng không nên sử dụng hộp nhựa để đựng thức ăn nóng trên trên 70°C. Vì với nhiệt độ nóng, nhựa sẽ phân hủy và sản sinh ra chất oligomer – một chất độc hại. Chất này khi hấp thụ vào thức ăn, có thẩy gây ra các bệnh về gan và tuyến giáp, gây ung thư, vô sinh.

Viện Đánh giá Rủi ro Đức sau nhiều khảo sát, nghiên cứu đã rút ra kết luận rằng chỉ cần ăn một lượng nhỏ chất oligomer - 90 microgam, là đã nguy hiểm cho sức khỏe của một người nặng tới 60kg.

Theo các nhà nghiên cứu từ viện Silent Spring Institute ở Newton (Mỹ), những người thường xuyên ăn đồ ăn mang về được đựng trong các hộp nhựa sẽ có lượng PFA trong máu cao. Lượng PFA có trong túi nilon và hộp đựng có thể gây vô sinh, ung thư, bệnh tuyến giáp và cholesterol cao.

Chỉ nên sử dụng túi nilon làm từ nhựa PP để đựng thực phẩm, đặc biệt không nên dùng bất cứ loại túi nilon nào để đựng đồ nóng. Các chuyên gia cũng cho biết thêm: “Các loại túi nilon có màu thì càng độc hại bởi ngoài thành phần nhựa, còn có phẩm màu có thể ngấm vào thực phẩm”.

Để an toàn cho sức khỏe, chúng ta nên sử dụng các sản phẩm thay thế để đựng đồ nóng như các sản phẩm thủy tinh chịu nhiệt, đồ sành, sứ.

Dùng hộp xốp đựng thức ăn và đựng đồ chua, đồ muối

Với đặc tính nhẹ, giá thành rẻ, dễ dàng sử dụng, tiện lợi, hộp xốp được các quán ăn ưa chuộng. Thế nhưng, theo các chuyên gia, việc sử dụng hộp xốp đựng thức ăn chứa rất nhiều nguy cơ tổn hại sức khỏe.

Theo TS. Trần Thị Ngọc Lan, trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM: "Nhựa làm hộp xốp là nhựa từ poly siren giãn nở, trong quá trình chế biến dù thế nào cũng còn tồn dư lại, dù là lượng nhỏ, hoạt chất siren. Khi cho đồ ăn nóng, dầu mỡ hoặc những thức ăn có tính chua vào hộp xốp, chất này sẽ thoát ra ngoài bám thức ăn. Siren bản thân là một chất độc có thể gây ung thư và các bệnh về thần kinh như: giảm trí nhớ, mất tập trung, giảm thính giác, thị giác".

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Nguyên giảng viên Viện Công nghệ Sinh học Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng khẳng định rằng hộp xốp đựng thực phẩm mang tính axit, nhiều dầu mỡ cũng có thể phơi nhiễm các chất độc hại có trong hộp xốp. Do đó, nếu thường xuyên sử dụng hộp xốp đựng thực phẩm nóng, đồ ăn nhiều dầu mỡ… thì sẽ gây tổn hại lớn cho sức khỏe.

Nếu vì điều kiện thường xuyên phải mua thực phẩm ở ngoài mang về, hãy sử dụng cặp lồng inox, hoặc các hộp chuyên dụng bằng thủy tinh... để thay thế hộp xốp dùng một lần. Phương án này vừa tốt cho sức khỏe, vừa bảo vệ môi trường.

Dùng đồ nhựa quay lò vi sóng

Không phải đồ nhựa nào cũng sử dụng được trong lò vi sóng. Thông thường, chỉ các loại hộp, đồ nhựa chuyên dụng có gắn nhãn “microwave-safe" hoặc "microwavable" mới được sử dụng trong lò vi sóng. Tuy nhiên, với những loại này cũng chỉ đảm bảo rằng sẽ không bị nứt vỡ chứ không đảm bảo sẽ không phôi nhiễm các phụ gia.

Còn với các loại nhựa thông thường, sóng ngắn từ lò vi sóng sẽ gây đứt gãy các liên kết mạch dài Polymer và làm nhiễm vào thực phẩm, gây nguy hiểm cho sức khỏe, thậm chí có thể gây bệnh ung thư.

Tái sử dụng đồ nhựa sai cách

Nhiều người nghĩ rằng có thể bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải bằng cách tái sử dụng đồ dùng. Thế nhưng, với đồ nhựa, không phải loại nào cũng có thể tái sử dụng được. Có những loại nhựa chỉ dùng được một lần, nếu chúng ta sử dụng chúng tiếp những lần nữa, sẽ vô cùng có hại cho sức khỏe.

Có lẽ các bạn đã từng nghe tới một cô bé 12 tuổi sống tại Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất. Cô bé đã mắc bệnh ung thư vì liên tiếp dùng một chai nước khoáng để đựng nước uống.

Theo tiến sĩ Phạm Thị Kim Giang, giảng viên Bộ môn Hóa học, Trường đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, để biết được các loại đồ nhựa có thể tái sử dụng được hay không và tái sử dụng cho mục đích gì, người tiêu dùng cần quan sát kí hiệu được dập dưới đáy của món đồ đó. Có những con số - được gọi là các kí hiệu được đặt trong hình tam giác cấu thành từ ba mũi tên, những con số từ 1 tới 7 này cho chúng ta biết loại đồ nhựa ấy có thể được sử dụng như thế nào là đúng.

Cụ thể theo bảng dưới đây:

Theo bảng trên: loại số 1, số 2, số 4, số 5 là có thể tái chế. Tuy nhiên, với loại số 1 có thể tái sử dụng nhiều lần nhưng tốt nhất là không nên dùng để đựng thực phẩm và tuyệt đối không được đựng đồ nóng, loại số 4 không nên dùng cho mục đích đựng đồ ăn, thức uống. Còn các số 3, số 6 và số 7 là những loại nhựa rất độc, không thể tái chế. Nếu muốn tận dụng chúng bạn có thể dùng để đựng những thứ không liên quan đến thực phẩm, một gợi ý cho bạn là tái chế thành chậu trồng cây.