VĂN HÓA

Bánh Trung Thu - Hương vị ngọt ngào cho ngày Tết Đoàn Viên thêm ý nghĩa

HaoKhanh • 11-09-2024 • Lượt xem: 423
Bánh Trung Thu - Hương vị ngọt ngào cho ngày Tết Đoàn Viên thêm ý nghĩa

Mỗi khi đến rằm tháng Tám, mọi người đều hân hoan, vui mừng và háo hức hòa chung không khí chờ đón Tết Trung Thu. Đây là cơ hội để các em nhỏ thỏa sức vui chơi, rước đèn, phá cỗ, là dịp các thành viên trong gia đình cùng sum họp, tận hưởng khoảng thời gian yên bình, hạnh phúc.

Tết Trung thu một lễ hội truyền thống phổ biến của nhiều nước châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Hàn Quốc,... Và một trong những biểu tượng đặc trưng, một món ăn ý nghĩa không thể không nhắc đến là bánh Trung thu. Mỗi một quốc gia đều có những loại bánh khác nhau mang hình dáng, màu sắc, hương vị đậm nét văn hóa dân tộc.

 Bánh Trung thu Việt Nam

Thông thường bánh Trung Thu Việt Nam có hình tròn (đường kính khoảng 10 cm) hoặc hình vuông (chiều dài cạnh khoảng 7-8cm), cao khoảng 4-5cm.

Bánh hình tròn biểu tượng cho vầng trăng tròn trịa trong đêm rằm tháng Tám, thể hiện sự vẹn nguyên, đầy đủ, viên mãn trong cuộc sống. Bánh Trung thu hình vuông đại diện cho hình dáng trời đất, sự tự do, hạnh phúc của con người.

Bánh Trung thu tượng trưng cho sự đoàn tụ, gắn kết tình thân, sự may mắn. Vì vậy vào dịp Rằm tháng Tám, bánh được nhiều người ưa chuộng mua về để thắp hương dâng lên bàn thờ ông bà tổ tiên thay cho lòng nhớ ơn, thành kính. Hoặc làm quà để tặng người thân, bạn bè như một cách trao đi sự yêu thương, trân trọng.

Nguồn gốc Bánh Trung thu

Bánh Trung Thu bắt nguồn từ Trung Quốc nhưng trong chiều dài lịch sử giao thoa, sự ảnh hưởng và tiếp diễn văn hóa đã lan tỏa ra nhiều quốc gia khác, trong đó có Việt Nam. Theo truyền thuyết, vào cuối thời Nguyên, trong một cuộc khởi nghĩa nông dân do Chu Nguyên Chương và Lưu Bá Ôn lãnh đạo, để có thể truyền thông tin và mệnh lệnh một cách bí mật, người dân đã làm ra chiếc bánh hình tròn. Họ giấu tờ giấy ghi thời gian khởi nghĩa vào trong bánh, hẹn vào rằm tháng 8 khi trăng sáng nhất. Những chiếc bánh này được truyền đi khắp nơi và trở thành một phương tiện liên lạc an toàn, hiệu quả. Từ đó, bánh Trung thu trở thành biểu tượng kỷ niệm cuộc khởi nghĩa và là món ăn truyền thống vào dịp Trung Thu.

Sự tích bánh Trung Thu ở Việt Nam

Cứ đến Tết Trung thu, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh quen thuộc, các cháu nhỏ quây quần bên mâm cỗ nghe bà kể chuyện chị Hằng, chú Cuội. Hay những câu chuyện dân gian Việt Nam lại vang lên thật ý nghĩa và ấm áp làm các bé nhỏ háo hức muốn nghe đi nghe lại hoài mà không chán.

Đó là câu chuyện kể về nàng tiên tên Hằng Nga rất xinh đẹp sống ở cung trăng. Nàng rất yêu trẻ con nhưng không thể xuống trần gian.Vào dịp Rằm tháng Tám, Ngọc Hoàng tổ chức cuộc thi “Làm bánh ngày rằm”, ai làm bánh ngon và đẹp sẽ được trọng thưởng. Nàng xuống trần gian gặp Cuội và cùng làm ra bánh từ các nguyên liệu như trứng, hạt dưa, thịt, mè, hạt sen, lạp xưởng,...Những chiếc bánh được hoàn thành tỏa mùi thơm phức, được các em nhỏ đều yêu thích. Những chiếc bánh rất ngon vì thế đã giành giải nhất và được đặt tên là "bánh Trung thu". Hằng Nga ước mỗi rằm tháng Tám được xuống trần gian vui chơi và tặng bánh cho trẻ em. Và từ đó, Tết Trung thu trở thành lễ hội truyền thống, chị Hằng và chú Cuội mang niềm vui và bánh ngon đến cho mọi người.

Ý nghĩa các loại bánh Trung Thu

Bánh Trung Thu tượng trưng cho sự tròn vẹn, sung túc, đoàn tụ, thể hiện niềm vui của mọi người trong gia đình khi được sum họp cùng nhau. Việc ăn bánh Trung thu mang ý nghĩa cầu mong sự bình an, hạnh phúc và bền vững trong cuộc sống.

 

Bánh Trung thu dẻo hình tròn biểu hiện của sự đoàn viên gia đình và tình yêu khăng khít của vợ chồng, cũng lời chúc mùa màng bội thu với người dân.

Bánh trung thu nướng mang ý nghĩa của sự bền chặt, vĩnh cửu. Vỏ bánh bao bọc lớp nhân thơm ngon bên trong thể hiện sự chở che, đoàn kết. Nhân bánh nhiều vị, mặn ngọt hài hòa thể hiện sự ấm áp, đầy đủ yêu thương.

Một số loại bánh Trung thu phổ biến

Bánh Trung Thu Truyền Thống

Bánh Trung thu cổ truyền có 2 loại tượng trưng là bánh nướng và bánh dẻo với những loại nhân đơn giản gần gũi, dễ tìm dễ mua. Bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân được làm bằng hột sen hoặc đậu xanh tán nhuyễn. Bánh có mùi thơm thoang thoảng, hương vị ngọt ngào.

Còn bánh Trung thu nướng gồm 2 phần là vỏ bánh và nhân bánh. Vỏ bánh làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu thêm nuớc đường, mạch nha, dầu ăn, nhân có thể làm bằng đậu xanh khoai môn, hạt sen tán nhuyễn. Bánh Trung thu truyền thống có nhân thập cẩm đa dạng gồm lạc, vừng, xá xíu, hạt sen, lạp xưởng, mứt bí, đường,…Bánh được nướng vàng sẫm trong lò nên mang màu sắc bắt mắt hơn, hương thơm nồng, hấp dẫn. Hương vị đậm đà, có ngọt có mặn rất ngon. Bề mặt và các viền bánh được trang trí các hoa văn cách điệu, khắc trổ các biểu tượng, chữ viết đặc biệt, mang ý nghĩa sự tốt lành, hạnh phúc, may mắn.

Bánh Trung thu hiện đại

Ngày nay, do thị hiếu, sở thích và nhu cầu tiêu dùng, thị trường cũng có nhiều loại bánh Trung Thu với hình dáng bắt mắt, màu sắc đẹp thu hút.

Bánh Trung thu hiện đại có nhân từ trứng vịt muối, gạch cua đỏ, được chia làm các loại như:

- Bánh Trung thu mặn: Bánh Trung thu nhân gà quay, Bánh Trung thu nhân tôm hùm, nhân sò điệp sốt,…

- Bánh Trung thu chay: Bánh Trung thu nhân đậu xanh sữa dừa, nhân mè đen,…

- Bánh Trung thu khác: Bánh Trung thu rau câu, Bánh Trung thu trứng chảy, bánh Lava, Bánh snow skin,...

Cách thưởng thức bánh Trung Thu

Để thưởng thức được trọn vẹn hương vị của bánh Trung thu. Chúng ta có thể cắt bánh thành từng miếng nhỏ. Việc này sẽ giúp bạn duy trì cảm giác thèm ăn, đỡ ngán vì bánh có vị rất ngọt. Cắt bánh thành miếng nhỏ, bạn có thể chia sẻ nó cùng với những người thân trong gia đình, bạn bè nhằm giúp tăng sự gắn kết tình cảm, sẻ chia và yêu thương.

Hoặc bạn có thể thưởng thức bánh cùng với trà nóng. Đây là một sự kết hợp hoàn hảo, tuyệt vời. Vị ngọt của bánh kết hợp với vị hơi đắng và chát của trà sẽ tạo hương vị thanh tao, ấm cúng, dịu vị giác. Các loại trà có vị chát nhẹ bạn có thể lựa chọn như trà xanh, trà olong, trà hoa cúc, …sẽ giúp cân bằng độ ngọt giúp bạn cảm thấy ngon miệng và thèm ăn hơn.

Đối với các bạn gái muốn giữ gìn vóc dáng, bạn có thể ăn bánh Trung thu kết hợp với một số loại trái cây tươi có vị chua nhẹ như cam, kiwi, bưởi, …sẽ tạo cảm giác tươi mát, hài hòa, kích thích vị giác.

Tùy vào khẩu vị và sở thích, mỗi người đều có cách kết hợp bánh Trung Thu với nhiều loại bánh trái, thức uống khác nhau tạo nên một món ăn đầy thú vị và hấp dẫn hơn.

Bánh Trung Thu là biểu tượng tượng trưng cho Rằm tháng Tám mang đến bình yên, hạnh phúc cho mọi người, mọi nhà. Còn gì vui hơn khi bạn cùng gia đình sum họp uống trà, ngắm trăng và thưởng thức hương vị ngọt ngào của bánh Trung Thu trong Rằm tháng Tám này. Chúc bạn và gia đình có một ngày Tết thật ý nghĩa và tràn đầy yêu thương.


Tag: