ĐỜI SỐNG

Bí kíp ngủ ngon: Vén màn 11 sự thật bất ngờ về giấc ngủ

Lưu Đan • 02-08-2024 • Lượt xem: 1354
Bí kíp ngủ ngon: Vén màn 11 sự thật bất ngờ về giấc ngủ

Dù chúng ta dành một phần ba cuộc đời để ngủ, nhưng giấc ngủ vẫn còn là điều bí ẩn. Chúng ta không nhớ gì về phần lớn thời gian ngủ của mình, và dành nhiều thời gian trong lúc tỉnh táo để truyền tải thông tin (có đúng, có sai) về cách để ngủ ngon hơn. Dưới đây là 11 lầm tưởng phổ biến nhất về giấc ngủ. Đã đến lúc để chúng ta xóa bỏ chúng.

1. Lầm tưởng: Bạn là “cao thủ ngủ” khi có thể đụng đâu ngủ đó

Việc ngủ ở bất cứ đâu không phải là điều tốt. Nếu bạn ngủ đủ giấc một cách thường xuyên và duy trì lịch trình phù hợp với nhịp sinh học của mình, bạn sẽ không cảm thấy buồn ngủ mỗi khi bước vào không gian có ánh sáng dịu nhẹ đến tối ngòm như trong rạp hoặc khi giáo viên yoga hướng dẫn thư giãn savasana vào cuối buổi tập (tư thế nằm ngửa, dang rộng tay chân). Nếu bạn ngủ gật hay nhiều giấc ngắn trong ngày, đã đến lúc cần ngủ sâu hơn vào ban đêm.

2. Lầm tưởng: Ai cũng ngáy khi ngủ

Thỉnh thoảng ngáy nhẹ? Chắc chắn rồi, ai mà chẳng vậy? Nhưng nếu nói đến việc ngáy thường xuyên, vang cả nhà, thì điều đó không bình thường. Tổ chức Giấc ngủ (The Sleep Foundation) khuyên nên nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia về giấc ngủ nếu bạn ngáy hơn ba đêm mỗi tuần, hoặc nếu âm thanh ngáy đặc biệt lớn hoặc giống như ngạt thở, hô hấp một cách gấp gáp hoặc khịt mũi. Trong trường hợp đó, nó có thể là dấu hiệu của chứng ngưng thở khi ngủ do tắc nghẽn, đặc biệt nếu kèm theo buồn ngủ hoặc mệt mỏi vào ban ngày.

3. Lầm tưởng: Uống rượu giúp ngủ ngon

Một ly rượu trước khi ngủ có thể khiến bạn cảm thấy buồn ngủ, nhưng mặt khác của đồng xu là: rượu thường làm gián đoạn giấc ngủ của bạn. Bạn sẽ trải qua ít giấc ngủ REM* hơn, và các nghiên cứu cho thấy cơ thể bạn sẽ không sản xuất nhiều hormone tăng trưởng như bình thường nếu bạn đã uống rượu trước khi đi ngủ. Vì vậy, ngay cả khi bạn ngủ đủ tám tiếng, bạn có thể sẽ không cảm thấy nghỉ ngơi tốt như khi không uống rượu trước lúc ngủ.

(*) Giấc ngủ REM (Rapid Eye Movement) hay giấc ngủ mắt chuyển động nhanh là một giai đoạn quan trọng trong chu kỳ ngủ của con người. Trong giai đoạn này, mắt chuyển động nhanh dưới mí mắt, nhịp tim và nhịp thở tăng lên, và não bộ hoạt động rất tích cực.
Giấc ngủ REM đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh cảm xúc, giảm căng thẳng và lo âu. Bên cạnh đó còn giúp củng cố thông tin đã học, cải thiện khả năng học tập và ghi nhớ.

4. Lầm tưởng: Bạn có thể quen với việc ngủ năm tiếng một đêm nếu thực sự quyết tâm

Đây là một trong những lời nói dối mà những người thiếu ngủ thích tự nhủ với mình. Hầu hết người trưởng thành cần từ bảy đến chín giờ ngủ mỗi đêm, với một chút biến động — vì vậy có thể có một vài người ngủ năm giờ khỏe mạnh ngoài kia. Nhưng họ rất hiếm, và không có bằng chứng cho thấy con người có thể tự khiến mình cần ít giấc ngủ hơn. Những người nói rằng họ thường xuyên ngủ ít hơn so với hướng dẫn thường là đang nói dối, nhầm lẫn, hoặc đơn giản là thiếu ngủ.

5. Lầm tưởng: Bạn có thể dùng thiết bị điện tử có kính chắn ánh sáng xanh hoặc màn hình chắn ánh sáng xanh trước khi ngủ

Việc tiếp xúc với ánh sáng ngay trước khi đi ngủ có thể làm rối loạn phần não báo hiệu đã đến đêm (hay đến giờ đi ngủ), vì vậy người ta thường khuyến nghị hãy đặt màn hình điện thoại sang một bên để có giấc ngủ tốt hơn. Ánh sáng xanh là một phần lý do tại sao màn hình gây nhiễu hơn so với ánh sáng từ chiếc đèn ngủ của bạn. Hơn nữa, kính chắn ánh sáng xanh hoặc màn chắn ánh sáng xanh không làm cho màn hình trở nên an toàn; thực tế, chúng chặn được rất ít ánh sáng xanh.

6. Lầm tưởng: Tập thể dục buổi tối khiến bạn khó ngủ hơn

Bạn có thể cảm thấy rằng khó ngủ hơn sau khi tập thể dục buổi tối. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc do tập thể dục buổi tối. Rốt cuộc, tập thể dục thường cải thiện chất lượng giấc ngủ của bạn. Thủ phạm thực sự có thể là những gì xảy ra trong phần còn lại của thói quen buổi tối của bạn: Cơ thể chúng ta lấy gợi ý về thời điểm ngủ từ thời điểm ăn uống của chúng ta, vì vậy bữa ăn hoặc thức uống sau khi tập luyện có thể là điều khiến bạn khó đi ngủ đúng giờ.

7.Lầm tưởng: Một số người không bao giờ mơ

Chúng ta thường có bốn đến sáu giấc mơ mỗi đêm, và quên sạch sẽ khi thức dậy. (Mặc dù giấc ngủ REM được coi là giai đoạn mà giấc mơ xảy ra, chúng ta cũng trải qua một số hoạt động não giống như mơ ở tất cả các giai đoạn của giấc ngủ.) Bộ não của chúng ta chỉ thực sự giỏi trong việc xóa sạch giấc mơ vào buổi sáng, vì vậy trừ khi bạn bị đánh thức khi đang trong một giấc mơ, nếu không, rất có thể bạn đã trải qua một loạt giấc mơ nhưng không biết.

8. Lầm tưởng: Lứa tuổi teen sẽ không mệt mỏi nếu không thức khuya 

Có thể trẻ tuổi teen thức quá khuya thì không tốt, nhưng lứa tuổi này đang ở trong giai đoạn phát triển mà hai điều sau đây đồng thời đúng: các em cần ngủ nhiều và đồng hồ sinh học thì dịch chuyển theo hướng trở thành cú đêm. Viện Nhi khoa Mỹ đã chỉ ra rằng đơn giản là không bắt các thanh thiếu niên thức dậy quá sớm, điều này giúp trẻ ngủ nhiều hơn cũng như tốt cho sức khỏe tinh thần và thể chất hơn so với việc cấm cản, không cho thức khuya.

9. Lầm tưởng: Đánh thức người mộng du rất nguy hiểm

Mộng du tự nó không nguy hiểm và việc đánh thức người mộng du không gây chết người hay vấn đề nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là nó là một ý kiến hay: người mộng du thường ở trong trạng thái tâm trí kỳ lạ và việc đánh thức họ hoàn toàn có thể rất khó hoặc thậm chí không thể. Nếu bạn cố gắng đánh thức họ, họ có thể bị bối rối, xấu hổ hoặc tức giận. Vì vậy, nếu có thể, tốt nhất là chỉ cần điều hướng họ quay trở lại giường.

10. Lầm tưởng: Bạn cần ngủ ngon trước một sự kiện lớn

Lý tưởng nhất là bạn có giấc ngủ ngon trước bài kiểm tra quan trọng, cuộc đua, hoặc buổi thuyết trình tại nơi làm việc. Nhưng đôi khi bạn quá phấn khích hoặc lo lắng đến mức không ngủ được. Tin tốt là: một đêm ngủ chập chờn chỉ có tác động nhỏ đến thể chất và tinh thần của bạn, và hiệu ứng đó có thể không đáng chú ý nếu bạn đã ngủ ngon trước đêm khó khăn đó.

11. Lầm tưởng: Bạn có thể tỉnh táo khi lái xe bằng cách...

Làm thế nào để bạn tỉnh táo khi lái xe vào đêm khuya? Bật điều hòa thật mạnh? Mở nhạc thật to? Hay ăn kẹo bạc hà?

Nếu bạn đang tìm đủ mọi cách để chống buồn ngủ như thế thì bạn buồn ngủ quá rồi đấy! Tổ chức Giấc ngủ ghi nhận, “Nếu bạn cảm thấy mệt mỏi khi lái xe, điều tốt nhất và an toàn nhất là dừng xe ở nơi an toàn để ngủ ngắn 15-30 phút hoặc đơn giản tìm chỗ nghỉ lại qua đêm.” Nếu bạn chỉ thấy hơi mệt, bạn có thể làm một cốc cà phê đậm và chợp mắt nhanh trong khi chờ cà phê có tác dụng. Còn không thì tốt nhất là nên đi ngủ thôi.