Duyên Dáng Việt Nam

Ca sĩ Giang Trang, một tiếng hát nhạc Trịnh mất ngủ

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 04-03-2022 • Lượt xem: 1054
Ca sĩ Giang Trang, một tiếng hát nhạc Trịnh mất ngủ

Tôi vẫn thường viết về các tiếng hát của các ca sĩ trẻ. Phải nói rằng, không phải bài nào cũng đúng với thực tế, mơ ước của mình. Đa phần cuộc sống chứng minh ngược lại hay phản bội điều đó. Nhưng chính vì vậy mới thấy con đường làm nghệ thuật là đầy cam go và khó khăn. Hoa hồng rất ít và chông gai rất nhiều. Chỉ thi thoảng niềm hy vọng đó đúng. Giang Trang là một ca sĩ như vậy!... 

Tin và bài liên quan: 

Saxophone Xuân Hiếu, 'Chỉ còn ánh mắt' bởi 'Vì yêu'

Họa sĩ Đinh Cường, Chiêu Ê và tôi: Một kỷ niệm khó quên

Tình khúc 24, thi sĩ Dương Tường và Dương cầm lạnh

Dương Tường gửi Nguyễn Hữu Hồng Minh, 'Ngóc ngách bí ẩn của ngôn ngữ...'

Thi phẩm 'Vỉa từ' của Nguyễn Hữu Hồng Minh: Những sáng tạo mới Thi ca

Chỉ trong vòng một tháng nữa là sẽ đến ngày tưởng niệm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1/4), tôi bỗng nhớ đến ca sĩ trẻ Giang Trang, cô gái trẻ xinh tươi hát nhạc Trịnh như hâm nóng dòng âm nhạc lãng mạn nhiều màu sắc...

Trung tâm văn hóa & trao đổi Pháp kết hợp với Viện Idecaf TPHCM từng giới thiệu một số chương trình nhạc Trịnh Công Sơn chủ đề “Chiều qua vẫn qua” do ca sĩ Giang Trang (Hà Nội). Sinh năm 1981, được xem như một giọng ca mới phát hiện đầy quyến rũ và độc đáo khi hát nhạc Trịnh. Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh đã có một cuộc trao đổi với ca sĩ.

Báo Công luận

Ca sĩ Giang Trang hát "Chiều qua vẫn qua" những tình khúc Trịnh Công Sơn lần đầu tiên ờ Sài Gòn sau hai lần ở Hà Nội (Ảnh: Đông Dương)

*Chương trình đêm nhạc Trịnh lần này mang chủ đề khá lạ “Chiều qua vẫn qua". Cô có thể cho biết đây là tên một ca khúc, lời nhạc hay chỉ một ý tưởng trích ra từ sáng tạo ngôn ngữ Trịnh?

Ca sĩ Giang Trang: Vẫn là chữ từ thế giới âm nhạc Trịnh Công Sơn. Tôi chọn ra khi muốn kể về một buổi chiều của ngày và chiều của đời. Bám vào màu không gian chiều. Chiều có thực và chiều mộng mị. Nói thêm là “Chiều qua vẫn qua” còn là phần âm hưởng kéo dài của “Hạ huyền” - là một câu chuyện, một chương trình nhạc TCS tôi đã đi qua, đã thực hiện trước đó ở Hà Nội. Thêm một tâm trạng khác, cộng hưởng vào cùng một không gian, thời đại.

Báo Công luận

 Một bức ảnh vừa tìm thấy của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ độc giả 

*“Cộng hưởng” nhưng liệu có lặp lại “mô-típ chết” những đơn điệu? Tôi thường thấy sự tẻ nhạt trong những đêm nhạc Trịnh bởi âm nhạc ông vốn không nghiêng về tìm kiếm, đột phá giai điệu mà chỉ là những âm giai chuyên chở ca từ?

- Có nhiều tìm tòi về phối khí của nghệ sĩ Trần Đức Minh về guitar và Ngô Hồng Quang trên Kalimba và các nhạc cụ khác. Nhưng khác “Hạ huyền”, “Chiều qua vẫn qua” có phần thanh thản hơn, dịu dàng với đời sống hơn. Hơn thế nữa, trong những những cảm giác thú vị nho nhỏ khi đưa ra lối trình diễn kết hợp với các nhạc cụ dân tộc (tranh, tính, nhị bass, sáo mũi…) đi cùng keyboard, guitar điện, guitar sắt, tương tác với nhau trong một lối chơi gọn gàng, hiện đại, mang hơi hưởng của đời sống dân dã, có thể tạm gọi là một chút “màu sắc đồng dao” trong âm nhạc TCS. Giọng hát nhẹ nhàng, mảnh mai như góp một lời kể được bao bọc trong không gian âm thanh của các nhạc cụ.

Báo Công luận

 Với Giang Trang, nhạc Trịnh Công Sơn là một tình cờ duyên mệnh...

*Có nhiều nhận xét về giọng hát Giang Trang. Như một giọng ca trẻ có phong cách bên những tên tuổi anh chị hát nhạc Trịnh từ trước đến nay…

- Tôi chưa bao giờ cho rằng mình hát xuất sắc nhạc Trịnh. Bản thân, vì mê âm nhạc, mà thành ra một người hát tình cờ. Chưa bao giờ nghĩ mình là ca sỹ, và biết rằng còn phải cố gắng rất nhiều.

Với nhạc Trịnh, là một sự tình cờ “duyên nợ”. Trước khi biết đến âm nhạc TCS - thời sinh viên, thú thực tôi ít khi nghe nhạc Việt. Cho đến khi nhạc Trịnh tình cờ chạm vào và ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống tinh thần tôi…

Báo Công luận Bút tích và chữ ký của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về một bài hát

*Rất nhiều người hát nhạc Trịnh và thành công, Giang Trang đi tìm cho mình một con đường riêng để len lỏi vào chốn đông người chật đất này như thế nào?

-Mỗi người có một quan niệm riêng về “thành công”. Với tôi, âm nhạc TCS rất lạ. Trong rất nhiều điểm hay chung của nhạc Việt, thì âm nhạc TCS cứ đứng riêng một chỗ - không lẫn vào đâu được. Vì vậy, thật khó để trả lời câu hỏi này. Qua nhiều thế hệ, trước và sau, tôi tin rằng âm nhạc TCS còn chạm vào lòng người nghe chính vì những tâm sự phổ quát về thân phận và tình yêu. Âm nhạc TCS ít khi nói rất cụ thể và chi tiết về một vấn đề nhưng có đầy ắp những “khuôn hình rất điện ảnh” trong ca từ và luôn gợi những cảm giác bâng quơ mà bất cứ ai trong chúng ta đều có thể thấy được một phần của chính mình ở trong đó.

Tôi còn đồng cảm với âm nhạc Trịnh ở sự dung dị, chân thành - ở những nét tối giản rất duy mỹ được chắt lọc từ một đời sống với đầy rẫy những điều phức tạp, đời sống của con người.

Báo Công luận

 Nhà thơ Quốc Sinh có nhận xét, với tấm hình này, nụ cười, phong cách Giang Trang rất giống ca sĩ Khánh Ly. Nhưng tiếng hát cô với Trịnh là dòng chảy riêng. Đầy nỗi niềm...

*Cô đánh giá thế nào về những ưu điểm của các ca sĩ từng hát TCS như Khánh Ly, Trịnh Vĩnh Trinh, Hồng Nhung, Cẩm Vân và gần đây là Thanh Lam, Nguyễn Hữu Thái Hòa, Đức Tuấn…

-Với âm nhạc, tôi thích lắng nghe nhiều hơn là thích thể hiện bản thân mình. Bởi vậy, tôi luôn trân trọng và biết ơn tất cả những ca sỹ đã thể hiện các ca khúc TCS. Những giọng ca đã thành danh từ những ngày đầu với âm nhạc TCS đã làm nên một phần của lịch sử âm nhạc Việt Nam. Bản thân, đã rất đắm đuối trong nhiều bản thu của ca sỹ trước đó.

Âm nhạc TCS, như tôi nghĩ, giống một dòng nước chảy qua cõi đời này. Mỗi tâm hồn thể hiện các bài hát của Trịnh đều có cách riêng để truyền tải mỗi hình hài riêng của dòng nước ấy. Hát nhạc TCS, nói cách khác, giống như vẽ ra hình hài của chính mình, thể hiện và chia sẻ một đời sống nội tâm của chính mình. Không ai lẫn vào ai cả. Mỗi người đều đã có những chia sẻ đặc sắc, và đem lại sự thú vị riêng cho người nghe. Mỗi người đều chọn ra được cho riêng mình những ca khúc để “là mình nhất”. Trong nghệ thuật, tôn tôn trọng và yêu thích những sự “cực đoan cá nhân” - và vì thế với mỗi giọng hát, tôi đều chọn được cho riêng mình nhiều bản thu khiến tôi say đắm và thích thú vì những đặc trưng mang tính cá nhân đó.

* Được biết Trung tâm trao đổi văn hóa Pháp đã từng tổ chức thành công những đêm nhạc Giang Trang hát Trịnh tại Hà Nội. Lần này, khi biểu diễn lần đầu tiên tại TP.HCM chương trình đã có “màu sắc”gì khác?

 

-Tôi rất xúc động bởi khác Hà Nội, TPHCM là nơi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh thời đã sống và làm việc. Bạn bè và những người yêu ông phần lớn cũng ở thành phố này. Nếu mỗi chương trình nhạc Trịnh của tôi là một chuyện kể thì hai câu chuyện trước “Lênh đênh nhớ phố” và “Hạ huyền” là hai không gian khác. Lần này,“Chiều qua vẫn qua” sẽ là một sự tiếp nối mới mẻ với nhiều tự do và ngẫu hứng hơn. Những nghệ sỹ cùng biểu diễn trong chương trình đã có một quá trình hiểu nhau trước đó, nên tương đối “đồng thanh tương ứng”. Hy vọng có thể chia sẻ với khán giả TPHCM phần nào những gì mà âm nhạc Trịnh đã chạm vào đời sống tinh thần người yêu âm nhạc và nghệ sĩ.

Ca sĩ Giang Trang và nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Sài Gòn, 3.2022. 

Giang Trang sinh năm 1981 tại Hải Dương và lớn lên tại Hà Nội. Cô mang đến cho những ca khúc của Trịnh Công Sơn màu sắc của tuổi đôi mươi, với nỗi buồn ngây thơ trong trẻo, như chờ đợi điều gì đó còn chưa đặt tên. Phong cách này làm ta nhớ đến ca sĩ Khánh Ly…” (Thông cáo của Tổng lãnh sự quán Pháp)

Nguyễn Hữu Hồng Minh