ĐỜI SỐNG

Cách giảm tiếp xúc với hạt vi nhựa

Anh Tuấn • 12-07-2023 • Lượt xem: 974
Cách giảm tiếp xúc với hạt vi nhựa

Không nơi nào trên hành tinh này không có những bao bì nhựa, hàng dệt may hoặc đồ dùng bằng nhựa cực nhỏ. Nhưng liệu chúng ta có nên lo lắng và có cách nào giảm thiểu sự tiếp xúc này không?

Những hạt vi nhựa đang dần trở nên phổ biến trong cuộc sống này, có ở khắp nơi từ bàn chải đánh răng không còn sử dụng, bao bì kẹo ngọt đến thú nhồi bông… Chúng có trong máy giặt, bề mặt vật dụng hoặc thậm chí là đang chảy trong các mạch máu, bởi lẽ chúng có kích thước đủ nhỏ để xâm nhập vào các rào cản sinh học như ruột hay da con người.

Stephanie Wright, Giáo sư môi trường tại Đại học Hoàng gia London cho biết, hiện tại việc thiếu dữ liệu dịch tễ học và dữ liệu về mối tương quan giữa người với hạt vi nhựa cũng có nghĩa là chúng ta chưa biết tác hại thật sự của vật chất này. Nhưng có thể nói “việc làm giảm phơi nhiễm các loại hạt nói chung có nhiều lợi ích”. Nhưng để tránh chúng một cách hoàn toàn là điều bất khả, vì chúng ở trong “không khí, nước uống, bụi và thức ăn chúng ta tiếp xúc hàng ngày”.

Những cách phòng tránh

Theo đó thực phẩm và đồ uống được bọc kín trong nhựa từ lâu đã được quan niệm là sạch sẽ, tinh khiết và được bảo vệ khỏi sự ô nhiễm. Thế nhưng giờ đây chúng ta biết rằng một số mức độ phơi nhiễm với hạt vi nhựa có nhiều khả năng đến từ thực phẩm cũng như đồ uống đã qua chế biến hay là đóng gói mà ta những tưởng là chúng an toàn.

Chính sự bong tróc trong quá trình vận chuyển, sự tiếp xúc với nhiệt của các đồ uống bên trong… mà nhiều phản ứng hóa học có thể xảy ra, từ đó giải phóng các hạt vi nhựa. Thói quen đựng nước trong các can nhựa hoặc túi nilon cũng có nghĩa là ta đang “giải phóng hàng tỷ các hạt kích thước vi mô và nano trong mỗi lít nước”.

Vì vậy phương án tối ưu là hạn chế dùng các đồ bằng nhựa để đựng thực phẩm có thể gây ra những sự biến chất. Cùng đó việc giữ ngôi nhà sạch sẽ cũng được khuyến khích để bất cứ ai cũng có thể làm giảm thiểu phơi nhiễm. Thảm, rèm cửa, ghế sofa… hầu hết những vật dụng này có lẽ không được làm từ vải tự nhiên mà là tổng hợp, dẫn đến chúng sẽ xuống cấp và thải ra hạt vi nhựa. Đây là lý do tại sao máy hút bụi là rất cần thiết trong các ngôi nhà của người hiện đại.

Do đó hút bụi thường xuyên cũng chính là cách làm giảm bớt đi hàm lượng vi nhựa hay các kim loại ở dạng vi lượng không tốt cho sức khỏe người, như chì, kẽm, cadmium và asen… Nếu không hành động một cách thường xuyên, bụi sẽ trở lại cũng như lắng đọng trong các vật dụng ta dùng hàng ngày, từ đó phát tán qua rất nhiều nguồn khác nhau, để đi vào trong cơ thể.

Phương án tốt nhất là sử dụng máy hút bụi robot có tính tự động, loại đi quanh sàn nhà và tiếp tục xử lý mọi lúc mọi nơi với tầm bao quát rộng khắp. Hoặc nếu sàn lát gạch không bị nhạy cảm với độ ẩm, thì việc lau ướt cũng được khuyến nghị là tương đối tốt. Với thảm, việc hút bụi không chỉ hút đi những hạt vi nhựa mà các sợi chỉ rời sẽ sớm bị bong ra do hao mòn hàng ngày… cũng được giảm thiểu một cách tối đa.

Nên phản ứng ra sao với hạt vi nhựa

Malcolm Hudson, Phó giáo sư về khoa học môi trường tại Đại học Southampton nói rằng, chúng ta không nên thấy quá sợ hãi với hạt vi nhựa. Thay vào đó, ông muốn chuyển hướng những cảnh báo này để giúp hành tinh giảm thiểu việc tích tụ nhựa. Với tốc độ sản xuất hiện tại, hơn 10 tỷ tấn chất thải nhựa được quản lý kém sẽ phát tán vào môi trường tự nhiên vào năm 2050, làm cho tình hình ngày càng tệ hơn.

Ông nói: “Chúng ta hoàn toàn có thể đã được tiến hóa để đối phó với việc hít phải và nuốt phải các loại tạp chất hàng nghìn năm nay. Đó là lý do tại sao chúng ta có hệ thống hô hấp phức tạp và đủ loại cơ quan, thành phần, vách ngăn, màn lọc… để ngăn các hạt đi thẳng vào phổi. Và đó cũng là lý do vì sao chúng ta có một hệ thống miễn dịch được thiết lập để ngăn sự thâm nhập của các dị vật nhỏ.”

Nhưng trong vài thập kỷ nữa, “nếu môi trường tiếp tục ô nhiễm nhiều hơn, thì sự tiến hóa như đã nói trên có thể không kịp kích ứng”. Điều này một phần là do khối lượng khổng lồ các hạt vi nhựa sẽ tích tụ, dẫn đến khả năng tiếp xúc với chúng ngày càng lớn hơn, từ đó mức độ rủi ro cũng gia tăng theo với tỷ lệ thuận. Theo đó từng có một nghiên cứu từ vài năm trước với đối tượng là những người làm việc trong các nhà máy dệt may ở Bangladesh tiếp xúc hàng ngày với sợi vi nhựa, kết quả là đa phần họ đều mắc các bệnh về đường hô hấp từ nhẹ đến nặng”.

Một lý do khác khiến rủi ro sức khỏe tăng lên theo thời gian là vì các hạt càng tồn tại lâu thì chúng có nhiều khả năng càng độc hại hơn. Chúng có thể chứa thêm các vi khẩu gây bệnh cũng như các kim loại nặng. “Và sau đó,” giáo sư Hudson nói, “nếu ta nuốt phải hạt vi nhựa đó, cũng có nghĩa là ta đang nuốt phải một lượng hóa chất vô cùng độc hại”. Những hóa chất này bao gồm, “hydrocacbon đa thơm, chất làm dẻo như phenol A được sử dụng trong những thứ như đồ nội thất và bao bì – chúng có thể có đặc tính bắt chước hormone hoặc chất gây ung thư. Kim loại nặng như đồng, vanadi, thủy ngân, chì...”.

Thế nhưng có một sự thật là thường rất khó và tốn thời gian để chứng minh được tác động của bất kỳ chất gây ô nhiễm nào đối với sức khỏe con người. Bởi lẽ việc tách tác động của hạt vi nhựa sao cho độc lập với tất cả các chất gây ô nhiễm khác như ô nhiễm không khí thực sự khó khăn. Nhưng thay vì ngồi đó và nói rằng không có bằng chứng chắc chắn nào về việc chúng gây hại cho con người, ta thà áp dụng phương pháp phòng ngừa trước khi mọi việc không thể cứu vãn.