VĂN HÓA

Cách người Nhật, Do Thái, Bắc Âu tạo ra những đứa trẻ ‘hạnh phúc’

Cẩm Chi • 05-03-2023 • Lượt xem: 1030
Cách người Nhật, Do Thái, Bắc Âu tạo ra những đứa trẻ ‘hạnh phúc’

Để tạo ra những công dân toàn cầu hạnh phúc, người Nhật đã luôn dạy con tự lập, chú trọng nhân cách; người Do Thái thường dạy tư duy và kỹ năng quản lý tiền bạc; trong khi người Bắc Âu lại coi trọng sự tự do, và thoải mái để con phát huy hết tiềm năng.

Lối giáo dục phương Đông: trọng lễ nghĩa

Người Nhật từ lâu nổi tiếng là đất nước coi trọng lễ nghĩa, đối nhân xử thế và mang tính truyền thống rất cao. Vì vậy, họ chú ý việc giáo dục con cái kỷ luật và nghiêm khắc.

Điều đầu tiên là họ dạy con tự lập từ sớm, độc lập và tự chủ: tự chơi, tự ngủ, tự ăn ngay từ trong những năm đầu đời. Khi trẻ lớn, các bậc cha mẹ dạy con chủ động chăm sóc, phục vụ bản thân như dậy sớm, học tập, dọn dẹp và làm những công việc phụ giúp phù hợp như chuẩn bị bữa ăn, gấp quần áo,…Ở độ tuổi đi học, các em có thể đi bộ đến trường, học cách tự bắt xe buýt và tự đi chợ.

Trẻ em ở Nhật luôn tự giác làm mọi việc, kể cả tự phục vụ bữa ăn, dọn dẹp hay đi học đến trường

Khi trẻ đã quen dần với công việc của mình cha mẹ sẽ nâng cao độ khó của công việc lên một mức độ cao hơn. Nhờ được tập luyện từ nhỏ, trẻ luôn tự tin trong các hoạt động hàng ngày. Thêm nữa, trường học Nhật, các thầy cô luôn đối xử một cách bình đẳng với tất cả kỹ năng giải quyết vấn đề

Bài học lớn thứ hai mà người Nhật chú trọng dạy con chính là bài học biết cách trân trọng và bày tỏ lòng biết ơn. Với mỗi đứa trẻ, gia đình là một trong những điều quan trọng nhất. Trẻ học cách biết ơn cha mẹ, hiểu những khó khăn của cha mẹ và trả lại cho cha mẹ bằng tình yêu thương. Các trẻ cũng được dạy cách quan tâm tới những người trong gia đình. Mọi người luôn hỗ trợ và bảo vệ lẫn nhau.

Một hành động đẹp mà trẻ em ở Nhật thường làm là cúi đầu cảm ơn với mọi người

Không chỉ yêu thương trong gia đình, trẻ em Nhật cũng được truyền dạy về việc sống tôn trọng và công bằng với mọi đối tượng, mọi ngành nghề, biết cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ mình. Các trường học ở Nhật cũng rất ít khi thuê lao công bởi họ cho rằng: Trẻ nhỏ cần tự làm sạch môi trường học, hiểu và trân trọng công việc của những người lao động trong xã hội. Phụ huynh đều phải dạy dỗ con mình không nên làm phiền người khác, luôn giữ thái độ ôn hòa, hành động phù hợp, đặc biệt ở chỗ công cộng, không được làm ồn ào ảnh hưởng đến mọi người. 

Do Thái: dung nạp kiến thức và kỹ năng tài chính

Người Do Thái từ lâu đã luôn tạo ra những cá nhân ưu việt trong mọi lĩnh vực, những doanh nhân thành đạt, những nhà khoa học xuất chúng, cho đến mỗi người dân có tư duy sắc bén. Tất cả nằm ở bí quyết “trao niềm tin tự khai mở”.  

Với người Do Thái, họ luôn tin tưởng con khi họ giao cho bé làm một việc nào đó trong khả năng, họ tin rằng con mình sẽ hoàn thành chúng một cách thật xuất sắc. Họ cũng ghi nhận mọi nỗ lực của trẻ dù lớn hay nhỏ đều được động viên, trao thưởng.

Người Do Thái coi trọng kiến thức và những trang sách nên họ dạy con ham đọc sách từ sớm

Khác với cha mẹ Việt Nam hay các nước châu Á, khi con họ đạt điểm cao hoặc dành chiến thắng trong một cuộc thi nào đó, họ thường chọn vật chất để thưởng (cho con bánh kẹo hoặc một món đồ chơi mà con yêu thích). Tuy nhiên người Do Thái tin rằng sự tin tưởng con mình chính là phần thưởng giá trị nhất, từ đó con họ sẽ tự tin là mình làm được, đã trưởng thành hơn. Người Do Thái cho rằng, cách giáo dục này sẽ giúp con cảm thấy vui vẻ về những thành quả mà con làm ra. Sau này, con sẽ cố gắng nhiều hơn, phát triển tích cực và đạt thành tích cao hơn.

Ngược lại, khi con mắc lỗi, hành động sai, họ luôn dạy con họ phải chịu trách nhiệm trước những hành vi mình gây ra vì việc này sẽ dạy bé có trách nhiệm, ý thức được những hành động, lỗi lầm và sửa đổi hành vi về sau. Trước mặt con, cha mẹ Do Thái luôn hành động thận trọng và tỏ ra nghiêm túc với mọi hoạt động, quyết định. Họ luôn làm gương cho con học hỏi, noi theo.

Trẻ em từ 5 tuổi ở Do Thái được dạy kiếm tiền và biết giá trị của đồng tiền bằng những việc làm vừa sức

Có một điều khác biệt lớn trong tư duy của người Do Thái là dạy con từ sớm về tài chính. Từ 3-6 tuổi, trẻ đã nhận biết về tiền; “có làm mới có ăn”; thay vì cho tiền tiêu vặt họ sẽ trả tiền cho những việc bé đã hoàn thành tốt. Trẻ được học nhiều về kỹ năng sống, học toán tư duy, quản lý thời gian, tiền bạc, tiết kiệm, đầu tư, đọc sách… Vì thế, không ngạc nhiên khi người gốc Do Thái luôn là những người kiếm tiền giỏi nhất thế giới suốt nhiều thế kỷ.

Bắc Âu: Cho con sự tự do, riêng tư

Cùng chung tư tưởng giáo dục con, những bậc cha mẹ Bắc Âu cũng thoải mái tạo điều kiện để con sống đúng với độ tuổi của mình, được thỏa sức chơi đùa, khám phá mọi thứ xung quanh.

Khác với cha mẹ Phương Đông, phụ huynh phương Tây ít khi bắt con phải theo khuôn khổ nào.Trẻ em Bắc Âu được dành nhiều thời gian vận động hơn là việc thúc ép học hành. Những buổi trải nghiệm ngoài thiên nhiên, dã ngoại, chơi thể thao, leo núi, cắm trại, …thường xuyên được diễn ra hàng tuần. Họ cố gắng sắp xếp thời gian để chơi cùng con.

Cha mẹ Bắc Âu luôn đồng hành cùng con khám phá thế giới

Điều đặc biệt, cha mẹ Bắc Âu rất kiên nhẫn trong mọi tình huống. Họ sẵn sàng để con bày bừa, lộn xộn, dơ bẩn để con được chơi tự do. Nhờ đó, trẻ sẽ hình thành được các kỹ năng, phản xạ và phát triển tư duy. Khi con nghịch ngợm hay mắc lỗi, họ không quát mắng, đánh đập mà nhẹ nhàng khuyên nhủ, giải thích để con hiểu vấn đề.

Cha mẹ Bắc Âu thường khuyến khích trẻ thể hiện, khám phá bản thân, không ngại đưa ra những thử thách cho con và động viên chúng khi cần. Tuy nhiên, họ không đặt nặng vấn đề thành tích, điểm số. Quan trọng là trẻ có thể phát triển các kỹ năng quan trọng, biết cách quản lý cảm xúc và mở rộng trí tưởng tượng. Những đứa trẻ cũng hạn chế sự chiều chuộng quá mức và không đòi hỏi những gì không cần thiết.

Cha mẹ ở Bắc Âu sẵn sàng để con lấm bẩn nếu con thấy vui vì điều đó

Triết lý giáo dục của hầu hết người Bắc Âu là không đòn roi, không xâm phạm cơ thể và quyền riêng tư của trẻ. Luật pháp tại đây khá nghiêm minh khi bảo vệ sự an toàn của những đứa trẻ một cách tuyệt đối. Nhiều nước đã cấm hình phạt thể xác ở cả nhà và trường học. Khi mọi người xung quanh nhìn thấy người nào đó đánh con, họ sẽ lập tức gọi cảnh sát và can thiệp kịp thời. Nếu tòa án chứng minh được hành vi đánh con xảy ra thường xuyên, cha mẹ sẽ bị kết án lên đến 1,5 năm tù.

Nhờ những điều đó, trẻ em phương Tây cảm thấy được thoải mái phát triển bản thân để phù hợp với tư duy, năng lực của chính mình. Từ đó, những đất nước này đã tạo ra những đứa trẻ hạnh phúc thực sự chứ không phải sống vì ước mơ của cha mẹ.