ĐỜI SỐNG

Chủ động phòng ngừa trước hiện tượng học sinh ngất tập thể

Lan Hương • 01-12-2022 • Lượt xem: 278
Chủ động phòng ngừa trước hiện tượng học sinh ngất tập thể

Việc 18 em học sinh ở Cao Bằng tự nhiên ngất, có biểu hiện co cứng chân tay, khóc thét, sợ hãi, cào cấu, kích động… đang làm dấy lên lo lắng trong cộng đồng về hội chứng lạ. Hiện tượng này được các chuyên gia xác định là chứng rối loạn phân ly tập thể. Để hạn chế tình trạng trên, đòi hỏi sự chung tay góp sức rất lớn của nhà trường và xã hội.

Theo thông tin ghi nhận, 18 em học sinh gồm có 2 nam và 16 nữ tại đểm trường Nà Rại thuộc trường tiểu học Cốc Pàng. Các em có biểu hiện khóc lóc vô cớ, co cứng chân tay, đánh người, gọi không trả lời… Các đợt xảy ra từ 3 – 5 phút rồi tăng dần lên 10 – 30 phút. Sau cơn, các em ngủ lịm khoảng 20 phút rồi tỉnh lại thì tiếp xúc bình thường. Triệu chứng chỉ xảy ra ở nơi đông người, khởi phát ở 1 em học sinh và lan truyền sang nhiều bạn khác.

Rối loạn phân ly tập thể được hiểu như thế nào

Theo phân loại bệnh của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, rối loạn phân ly là nhóm các bệnh lý tâm thần thường gặp (khoảng 0,3 – 0,5% dân số), phổ biến ở người trẻ và đặc biệt ở phụ nữ. Đây là hiện tượng mất một phần hoặc hoàn toàn sự hợp nhất giữa ý thức, trí nhớ trong quá khứ với những cảm giác trực tiếp cũng như không thể kiểm soát hành vi vận động.

Bệnh thường xảy ra ở những người dễ bị ám thị hay tự ám thị khi gặp điều kiện ngoại cảnh tác động. Môi trường thuận lợi có thể là sau một sáng chấn tâm lý, áp lực học hành quá lớn, sau một mối quan hệ không thể giải quyết được…

Rối loạn phân ly thường xảy ra trong một nhóm tập thể hoặc đám đông như trường học, đây không phải bệnh truyền nhiễm tuy nhiên lại có xu hướng lây lan. Khi một người có biểu hiện bệnh và lan truyền cho những người khác xung quanh.

Trên thế giới cũng đã ghi nhận nhiều trường hợp xảy ra hiện tượng này. Ví dụ điển hình là dịch nhảy múa ở Strasbourg - Alsace vào tháng 7/1518, nhiều người đã nhảy múa không nghỉ trong nhiều ngày liền. Và sau khoảng một tháng, một số người đã tử vong do tai biến, nhồi máu hoặc kiệt sức do nhảy múa.

Năm 1892, một nữ sinh 10 tuổi tại Gross - tinz bị rung lắc bàn tay phải, sau đó cả người co giật và lây truyền cho 19 học sinh khác. Hiện tượng tương tự cũng xảy ra trong năm này với 20 học sinh tại Basel - Thụy Sĩ. 12 năm sau đó, cũng tại Basel lại lặp lại hiện tượng rung tay, co giật tập thể với 27 học sinh.

Trong các vụ rối loạn phân ly gần đây tại trường học,thường biểu hiện dưới 3 dạng phổ biến gồm ngất, co giật và la hét. Theo ThS.BS Nguyễn Mai Hương (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết, việc điều trị chủ yếu bằng liệu pháp tâm lý, bồi dưỡng nhân cách và nâng cao thể trạng. Quá trình điều trị cần nhiều thời gian, sự kiên trì của nhà trường và gia đình.

Với cá nhân, tránh tình trạng lo lắng thái quá, trầm trọng hóa vấn đề hoặc là thái độ xem đây là bệnh giả vờ sẽ làm bệnh thêm nặng. Hướng dẫn cho các em những bài tập thư giãn, các kỹ năng giải quyết vấn đề nhằm nâng đỡ tinh thần, nhân cách người bệnh.

Với tập thể, cần nhanh chóng tách riêng các em khi phát hiện bệnh nhằm tránh sự lan truyền sang nhiều người khác, đồng thời trấn an các trẻ để lấy lại bình tĩnh và ổn định trong tập thể. Cần tổ chức nhiều hoạt động tham vấn tâm lý học đường để phát hiện sớm những cá nhân có biểu hiện tâm lý bất ổn để có biện pháp hỗ trợ kịp thời.

Chủ động phòng ngừa cho trẻ là điều cần thiết

ThS.BS Nguyễn Mai Hương cho biết thêm về cách phòng ngừa rối loạn phân ly chính là rèn luyện tính cách cho trẻ ngay từ nhỏ. Cần hướng trẻ biết về sự chia sẻ, thương yêu và đương đầu với khó khăn.

Giảm áp lực học hành

Hãy cho trẻ cảm thấy học hành là đam mê và mỗi ngày đến trường sẽ là một ngày vui. Giảm áp lực học tập không có nghĩa là giảm khối lượng học, nhưng hãy làm sao để các em không thấy áp lực trong việc đánh giá kết quả theo tiêu chí điểm số. Bởi lẽ không ai là hoàn hảo mọi mặt, có những bạn học kém nhưng có khi lại tháo vát trong các hoạt động khác. Việc tuyên dương thái quá những bạn thành tích học tập tốt hoặc phê phán quá mức các trẻ chưa giỏi sẽ mang đến áp lực nặng nề thậm chí là tâm lý chán nản hay tiêu cực cho nhiều bạn.

Tăng cường hoạt động ngoại khóa

Các hoạt động ngoại khóa như dã ngoại, ca múa nhạc, bơi hay các môn thể thao tập thể… Các hoạt động chân tay giúp rèn luyện sức khỏe, thư giãn tinh thần và gia tăng các mối liên hệ rất tốt.

Có thể nhận thấy trong các vụ rối loạn phân ly tập thể phần lớn xảy ra ở các bạn nữ, vì thế nên bố trí trong lớp có tỷ lệ nam nữ hài hòa. Vì nếu tình huống xảy ra trong lớp khiến các bạn gái hoảng sợ, các bạn nam có thể trấn an tinh thần và hạn chế được tình trạng lan truyền ra tập thể.

Đồng thời nhà trường, gia đình và xã hội hãy giúp con em mình xây dựng lối sống lành mạnh, tăng tính đoàn kết tập thể, tránh stress trong học tập và đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ cũng như nghỉ ngơi hợp lý nhằm mang đến sự hỗ trợ tốt nhất về thể chất lẫn tinh thần cho con em mình.