Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng được nhiều người gọi là 'quái kiệt' của sân khấu cải lương. Bởi bà vừa diễn tuồng hay, vừa làm soạn giả, đạo diễn, rồi cả làm phục trang, đạo cụ cho nhiều nghệ sĩ trong và ngoài nước biểu diễn.
Bo Bo Hoàng đi hát khi mới lên 4 tuổi. Bà tên thật là Lê Thị Hoàng, đi diễn lấy nghệ danh là Thanh Hoàng. Nhưng Bo Bo Hoàng là nghệ danh gắn liền với một vai diễn để đời trong vở tuồng đặc biệt vào năm 1957.
Bo Bo kìa…
Đó là vở Tiếng trống sang canh của soạn giả Thu An. Năm đó, Bo Bo Hoàng chỉ mới 8 tuổi. Bà kể: “Tiếng trống sang canh nói về câu chuyện cuối triều nhà Lê. Vua Lê Đại Hành mất, anh em Lê Long Việt, Lê Long Đỉnh tranh ngôi báu khiến hoàng cung dậy sóng. Tôi vào vai em bé Bo Bo, là con của Thầy Lang Chàm (thầy thuốc). Lê Long Đỉnh (do cố NSƯT Hoàng Giang đóng), yêu cầu Thầy Chàm Long đưa ra loại thuốc hủy hoại nhan sắc. Ông còn dọa giết cha tôi”.
Bo Bo Hoàng năm 8 tuổi
Ngay giây phúc đó, em bé Bo Bo cất lên câu vọng cổ: “Tôi lạy ông đừng giết, đừng chém, đừng cắt cổ lột da. Để Bo Bo rút hết ruột gan ra mà đưa thuốc… cho ngài”. Đến giờ, dù 74 tuổi, vở diễn này cũng đã qua hơn 60 năm, nhưng khi nhắc tới, Bo Bo Hoàng vẫn thuộc từng câu thoại, lời vọng cổ của nhân vật mà mình hóa thân.
Có một điều khá đặc biệt, vở Tiếng trống sang canh, khi đó ngoài quy tụ nhiều tên tuổi nổi tiếng như: cố NSND Út Trà Ôn (vai Lê Long Việt), cố nghệ sĩ Thanh Thanh Hoa (vai Tuyết Vân)… thì còn một vai diễn của nhân vật “khổng lồ” cao 2,47m. Nhân vật “khổng lồ” dù ít đất diễn, chỉ có một vài câu thoại nhỏ, hoặc tiếng cười chát chúa, nhưng ấn tượng.
“Ảnh tên là Lê Văn Dữ. Khi Lê Long Đỉnh kêu bắt nó cho ta, thì anh Dữ (vai Khổng Lồ) nắm tôi lên, tôi giẫy giụa. Lúc này dù 8 tuổi, nhưng tôi đẹt ngắt, như em bé mới 4, 5 tuổi. Khán giả coi cảnh này thích lắm. Ông bầu Ba Bản của Gánh hát Thủ Đô (cũng là nơi dựng vở Tiếng hát sang canh) thích đem những điều mới lại vào trong vở diễn. Và ông đưa anh Dữ vào diễn cũng là một sáng tạo. Khi đoàn đi diễn ở Nha Trang, ông cho anh Dữ ngồi trên mui xe, rồi đi quảng cáo vở diễn, khán giả đổ xô đi coi đông lắm. Thời đó, cứ diễn vở Tiếng trống sang canh là đông khách. Rồi khán giả thấy tôi ở ngoài, kêu, chỉ Bo Bo kìa…, chứ không kêu tên thật. Vậy rồi cái tên Bo Bo Hoàng ra đời từ đó”, nghệ sĩ Bo Bo Hoàng nói.
Mẹ của nghệ sĩ Bo Bo Hoàng (phải) là một đào hát "sắc nước hương trời"
“Tính ra, tôi diễn với anh Dữ được khoảng 2, 3 năm, với khoảng 200 suất, đi lưu diễn khắp nơi, từ Bắc tới Nam. Vài năm sau thì anh Dữ mất”, soạn giả Bo Bo Hoàng nói
“Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”
Thời đi diễn tuồng, ngoài vai em bé Bo Bo thì Cám (trong vở Tấm Cám - năm 1976, tại đoàn Huỳnh Long) đã mang đến cho Bo Bo Hoàng cả sự nổi tiếng và tiền bạc. Bà kể cũng nhờ “Cám” mà bà tích góp mua được căn nhà nhỏ tại Q.1, TP.HCM. Đây cũng là nơi sinh sống của Bo Bo Hoàng và các thành viên các con các cháu (8 người).
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng cùng Cát Phượng
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng và NSƯT Ngọc Huyền
Đặc biệt, hoạt động ở môi trường nào bà cũng tạo được ấn tượng. Khi hát ở đoàn Sông Hương (Huế), bà dấn thân viết kịch bản hoặc chuyển thể tác phẩm. Bà nói: “Khi đó, mời soạn giả ở Sài Gòn khó lắm. Tôi xung phong làm, viết mà không cần lợi nhuận. Vở đầu tiên tôi viết, chuyển thể là Mùa Tôm - một vở tuồng chèo. Quan trọng là tôi làm hợp “gu” với từng khu vực mà đoàn mình đi biểu diễn. Cứ hợp gu số đông khán giả, vở sẽ thành công”. “Đặc sản” của soạn giả Bo Bo Hoàng là thể loại thần thoại, các vở có thể kể tới như: Nữ chúa rắn và phò mã cùi, Long vương kén rể…
Nghệ sĩ Bo Bo Hoàng và nghệ sĩ Mạc Can
Trước đây, khi còn khỏe mạnh, cả chục năm liền, Bo Bo Hoàng xuống Trà Vinh để đạo diễn nhiều vở cho loại hình sân khấu Dù Kê (ca, múa đặc trưng của người Khmer).
Ảnh kỷ niệm giữa nghệ sĩ Bo Bo Hoàng và nghệ sĩ của sân khấu Dù Kê, trong lần bà làm đạo diễn các vở tuồng ở tỉnh Trà Vinh
Ở tuổi xế chiều Bo Bo Hoàng có khi cả năm không ra khỏi nhà, bà hầu như tập trung toàn bộ thời gian làm mũ mão, phục trang cho các nghệ sĩ biểu diễn trong và ngoài nước. Nhiều nghệ sĩ “đặt hàng” bà có thể kể đến như: NSƯT Ngọc Huyền, NSƯT Tú Xương, Bình Tinh… Đặc biệt bà làm giá cao gấp 5-10 lần của người khác. Bà nói, ở ngoài chợ, có thể bán 1 triệu đồng/mũ. Nhưng khi bà làm, giá mỗi cái từ 10 - 15 triệu đồng, tùy loại.
Sản phẩm của nghệ sĩ Bo Bo Hoàng thường kỳ công và mất nhiều thời gian
“Sợi, hạt ngoài chợ rẻ. Ai làm phục trang, cũng từ các nguyên liệu đó mà ra. Nhưng mỗi người có một cách làm riêng. Mỗi chiếc nón, tôi lên mẫu, rồi làm cho nó độc đáo. Ví dụ người ta để nguyên các phụ kiện, dán lại với nhau, tôi thì đục khoét cho có lỗ, các kết dính cũng tạo ra những hình thù đặc biệt, có ý nghĩa, nhìn vào đã thấy sự kỳ công, từ đường chỉ, dây, tóc…”, Bo Bo Hoàng chia sẻ.
Cái dị của Bo Bo Hoàng là thời gian bà làm mỗi cái mũ chỉ khoảng 10 ngày xong, nhưng bà thường báo với khách 15 ngày mới hoàn thành. “10 ngày tôi làm xong. 5 ngày còn lại tôi ngồi một mình ngắm, thưởng thức sản phẩm mình làm ra. Xong tôi mới giao cho khách. Mình làm sản phẩm, mình phải thích, phải sướng, thì mới mong khách hài lòng được”.
Cha của nghệ sĩ Bo Bo Hoàng là “phượng hoàng” Lê Thành Các
Nhiều người đặt hàng bà nhưng bà không nhận cọc. Chỉ khi nào hoàn thành, giao đồ thì mới nhận tiền. Nhiều người sợ bà không nhận cọc sẽ không giao hàng đúng hẹn, hoặc không “chắc ăn”. “Bo Bo Hoàng nay đã 74 tuổi, chưa bao giờ thiếu nợ và thất hứa với bất kỳ ai”, bà nói.
Bo Bo Hoàng cho biết bà sống ung dung, khỏe mạnh, không có mưu cầu gì lớn lao, cũng chẳng tiêu xài bao nhiêu. “Cà phê có sẵn, pha rồi ngồi nhà uống. Ăn uống thì có con cái nấu nướng, lo lắng. Tôi không giàu sang, nhưng cảm thấy mình đầy đủ và hạnh phúc”, bà chia sẻ.
Mẹ của nghệ sĩ Bo Bo Hoàng cũng là nghệ sĩ, trong khi cha bà là “phượng hoàng” Lê Thành Các, một cua rơ nổi tiếng, từng lên ngôi vô địch tại cuộc đua xuyên Đông Dương lần 1 (diễn ra từ ngày 29.12.1942 đến ngày 4.2.1943; tổng chiều dài cuộc đua lên đến gần 3.000km). Cha mẹ bà Bo Bo Hoàng là chủ gánh hát Bông Mai. Năm 1965 bà đoạt giải Thanh Tâm khi vào vai cô gái điếm trong vở Tiếng súng một giờ khuya.
Theo Minh Luân/Thanhnien.vn