VĂN HÓA

Đi qua Buôn Đôn

Khuê Việt Trường • 29-09-2022 • Lượt xem: 555
Đi qua Buôn Đôn

Khi tôi tới khu nhà mồ Buôn Đôn thì gặp một nhóm người đang đào đất để chuẩn bị chôn người chết. Đây là những người trong làng cùng mang dụng cụ ra dọn dẹp gò mối, cây cỏ rồi chung sức đào huyệt. 

Đến Đắk Lắk ai cũng nghĩ ngay có một lần tìm đến Buôn Đôn. Buôn Đôn là địa danh riêng thuộc huyện Buôn Đôn, gộp lại ba buôn: Buôn Trí, Buôn Yang Lành và Buôn Đôn mà thành. Cuộc hành trình tìm tới của khách du lịch đã biến khu du lịch Buôn Đôn thành một nơi mua bán thuần túy hơn là một nơi của tộc người Ê Đê sinh sống, để khách cùng hòa cùng hơi thở cuộc sống nơi này. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của Buôn Đôn không phải là khu du lịch đã thương mại hóa kia, mà chính là Buôn Trí với những ngôi nhà dân tộc với những con người chất phát, hay vượt ra buôn Yang Lành để thấy những hàng cây che bóng, những em học trò hồn nhiên đi học trên đường. 

Sự trải nghiệm của chuyến đi này chính là đến khu nhà mồ, nhìn những bọt bèo cuộc sống trong lễ bỏ mả. Trong cộng đồng dân tộc ở Đắk Lắk, thì dân tộc Ê Đê gần như còn giữ nguyên những lễ hội rất riêng, như lễ đâm trâu, lễ mừng lúa mới... Ngay cả khi bạn đến vào dịp họ làm đám cưới, sẽ thấy những ché rượu cần xếp dọc, những điệu nhảy theo tiếng cồng chiêng rộn ràng. Còn chuyện lễ bỏ mả lại là một nghi lễ rất riêng, để dẫu ít nhất bốn lần vào khu nhà mồ Buôn Đôn, tôi cũng không khỏi bùi ngùi trước những ngôi mộ hoang tàn sau lể bỏ cái mả đó, và người chết mãi mãi trở về cát bụi.

Lễ bỏ mả (Pthi Atau, Brư, Muk Ata) của các dân tộc Tây Nguyên (Ê Đê, Giarai, Bana,…) là một lễ hội lớn mang tính tang lễ mà người sống tổ chức ra để sau đó chia tay vĩnh viễn người đã chết, để người sống trở về cuộc sống cơm áo hàng ngày của mình. Dẫu trên thực tế thì mộ của người chết cách nhà của người sống không xa, tỉ dụ như con đường đi xuống bến nước dòng sông Sê Rê Pốc người sống vẫn qua lại nơi đó, ngôi mộ cách họ khoảng vài chục thước, nhưng không ai buồn ghé qua, chứ nói chi là thắp một nén hương, vì họ đã “bỏ mả”.


Để thể hiện nghĩa tình sâu nặng, người Gia Rai vào rừng lấy gỗ, tre, mây, song, cỏ tranh mang về dựng nhà mồ và phân chia tài sản, đồ vật quý cho người đã mất (Ảnh sưu tầm: dangcongsan.vn)

Khi tôi tới khu nhà mồ Buôn Đôn thì gặp một nhóm người đang đào đất để chuẩn bị chôn người chết. Đây là những người trong làng cùng mang dụng cụ ra dọn dẹp gò mối, cây cỏ rồi chung sức đào huyệt. Việc chọn nơi chôn lệ thuộc vào già làng chứ không cần mua đất, vì đất nhà mồ là đất rừng. Người quá cố khi chôn đầu quay về hướng mặt trời mọc. Việc đưa tiễn người chết ra khu nhà mồ cũng có chiêng, cồng, cũng bịt khăn tang…nói chung là nghi lễ khá ồn ào. Trên lý thuyết thì quan tài của người chết là một khúc cây, đục bên trong, nhưng giờ đây gỗ rừng cạn kiệt, một thân cây như thế kiếm không ra nên họ được bỏ trong quan tài. Chen trong khu nhà mồ đã bỏ mả là những ngôi nhà mồ tạm. Nhìn nhận ra rất dễ dàng bởi đây chỉ là một nắm đát vun cao, có bốn cây cột chống, bên trên che mái ngói hay mái tole. Khi chưa làm lễ bỏ mả, mộ được dọn dẹp sạch sẽ, có cơm thịt cúng vào mổi nửa tháng, như cho biết họ vẫn còn quanh quất bên cạnh người sống.


Già làng Ak là người có uy tín với làng bản, am hiểu luật tục, có vai trò dẫn dắt, điều hành trong buổi lễ (Ảnh sưu tầm: dangcongsan.vn).

Già làng thực hiện nghi lễ (Ảnh sưu tầm: dangcongsan.vn).

Cồng chiêng bắt đầu nổi lên thì tất cả mọi người tham dự lễ đứng dậy và bắt đầu trình diễn dân gian tiễn đưa người đã khuất (Ảnh sưu tầm: dangcongsan.vn).

Và đây, những ngôi nhà mồ đã qua lễ bỏ mả. Không có quy định bao lâu khi người chết thì làm lễ bỏ mả. Một, hai, ba năm tùy kinh tế gia đình. Bởi làm lễ giống như ngày hội, kéo dài tới mấy ngày, rượu thịt bày ra ăn uống. Họ bắt đầu xây dựng nhà mồ mới như quà tặng của người sống cho người chết lần cuối. Trong khu nhà mồ, nhiều nhà mồ cho thấy sự ảnh hưởng của văn hóa đô thị khiến cho những nhà mồ có cả bê tông, có hàng rào, có cây cối trồng chung quanh cũng như bia mộ khắc tên và hình ảnh.

Trong khu nhà mồ Buôn Đôn, dường như nhằm muốn thu hút khách du lịch tìm tới, người ra đã xây dựng nhà mồ của ông Ama Công huyền thoại. Trước nhà mồ Ama Công là bốn con chim trĩ, ngà voi tạc bằng gỗ, còn ngôi mộ khá vững chắc lát đá hoa cương.

So với mộ Ama Công thì ngang dọc trong khu nhà mồ là dấu tích hoang phế của Lễ bỏ mả, làm cho ai đến nơi này cũng không khỏi buồn về cuộc sống biển dâu. Có ngôi mộ vừa làm Lễ bỏ mả, những vật dụng của người chết được chia đem ra để trên mộ như gối, chăn. Còn ngôi mộ chỉ còn mái che ngã nghiêng như chỉ đợi một cơn gió mạnh là sụp xuống, sự hoang tàn bởi tượng nhà mồ thường làm bằng gỗ tạp, sau vài mùa mưa nắng đã hư hỏng, màu thời gian xám xịt, khiến cho không gian thêm u ám. Có ngôi nhà mồ bị mối xông lên thành ụ, nhà mồ đã để cỏ cây chen xanh…


Những nhà mồ bị bỏ hoang sau lễ bỏ mả (Ảnh: Khuê Việt Trường)

Tôi đi qua khu nhà mồ Buôn Đôn trong một buổi trưa nắng ran, màu đất đỏ, nắng vàng chói. Đi qua lễ bỏ mả, thời gian cứ lần lượt phủ lên sự lãng quên, bỗng nghĩ về những phận người.