ĐỜI SỐNG

Dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người?

Hoài Nhung • 21-12-2023 • Lượt xem: 1092
Dịch cúm gia cầm có nguy cơ lây nhiễm sang người?

Trước tình hình dịch cúm bùng phát ở Campuchia, Bộ Y tế đã đưa ra nhận định và cảnh báo về nguy cơ cúm gia cầm xâm nhập vào nước ta và lây nhiễm sang người.

Theo thông tin từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 23/11 đến nay, đất nước này đã ghi nhận thêm 2 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1 tại tỉnh Kampot. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, Campuchia đã ghi nhận tổng cộng 6 trường hợp nhiễm cúm A/H5N1, trong đó có 3 trường hợp tử vong. Tỉnh Kampot, Campuchia là tỉnh giáp với biên giới phía Tây Nam của Việt Nam. Với các hoạt động giao lưu thương mại ngày càng mở rộng thì nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào trong nước và lây nhiễm sang người là rất lớn.


Cúm gia cầm (avian influenza hay bird flu) gây ra bởi các chủng cúm A, thường chỉ lây nhiễm cho các loài chim hoang dã và gia cầm nuôi, một số chủng trong số đó có thể lây nhiễm cho người như H5, H7 và H9. Hầu hết các trường hợp cúm gia cầm ở người là do các chủng Châu Á H5N1 và H7N9 gây ra. Ở người, tỷ lệ tử vong do nhiễm các phân tuýp A (H5N1), A (H5N6) và A (H7N9) cao hơn nhiều so với nhiễm virus cúm mùa A và B.

Ở nước ta, dịch cúm trên gia cầm vẫn xảy ra rải rác tại các địa phương, theo thông tin ghi nhận từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm gia cầm phát triển mạnh. Thêm vào đó, người dân cũng có xu hướng tăng nuôi gia cầm để chuẩn bị phục vụ dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Chính vì vậy, hoạt động vận chuyển và mua bán gia cầm có thể tăng nhanh. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch cúm sang người.


Hầu hết các trường hợp con người nhiễm cúm gia cầm là do lây truyền từ động vật (điển hình là gia cầm) do hít phải hoặc tiếp xúc trực tiếp với chất tiết (nước bọt, chất nhầy hoặc phân) của động vật bị nhiễm bệnh. Tỷ lệ lây nhiễm trực tiếp từ người sang người rất hạn chế, tuy nhiên virus cúm cũng tiềm ẩn nguy cơ đột biến gen nhanh chóng, do đó có thể dẫn đến có khả năng lây nhiễm từ người sang người, gây ra đại dịch cúm.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Theo đó, Cục Y tế Dự phòng đề nghị các tỉnh tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, kịp thời lấy mẫu xét nghiệm; quản lý ca bệnh (nếu có) và xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng. Song song đó, các địa phương nên tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do virus và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1). Trong khi đó, các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời.

Các địa phương cũng nên tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan y tế, cơ quan thú y và chính quyền địa phương trong việc giám sát phát hiện dịch cúm trên gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ gia cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin và xử lý triệt để ổ dịch. Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao. Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.