Duyên Dáng Việt Nam

Điêu khắc Đào Châu Hải, thế giới song song hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt (Kỳ 2)

Nhà nghiên cứu Trần Đán • 01-02-2021 • Lượt xem: 2381
Điêu khắc Đào Châu Hải, thế giới song song hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt  (Kỳ 2)

Roland Barthes đã viết quyển “Cái Chết của Tác Giả” (1967) để nói khi một tác phẩm được sinh thành thì nó không còn thuộc về tác giả. Dù thế nào đi nữa thì cái thế giới song song mà Đào Châu Hải đã tạo ra, nơi hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt về cả tạo hình lẫn tạo nghĩa, cũng đáng trải nghiệm, đáng suy ngẫm không phải trong phút chốc mà trong dài lâu. Tôi tin rằng nó tạo được một bước ngoặt trong nghệ thuật Việt Nam.

Tin và bài liên quan:

Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam (Kỳ 1)

Điêu khắc gia Lê Công Thành: nhô lên một đỉnh của đột phá

Nguyễn Quang Thiều: 'Tôi không phải họa sĩ mà chỉ là kẻ bị màu sắc thống trị'

Họa sĩ Đinh Phong: 'Tôi nhìn thấy sự sụp đổ của những kiến trúc hoành tráng...'

Chủ thuyết Ý Niệm nói gì?
Tuy sau này những người  theo chủ thuyết ấy tuyên dương Marcel Duchamp là sáng lập viên với tác phẩm "Đài Phun Nước" năm 1917 nhưng mãi đến thập niên 1950 chủ thuyết ấy mới bắt rễ. Đồng thời với Tối Giản, Ý Niệm là một phản ứng chống lại Trừu Tượng Biểu Hiện. Trong khi Tối Giản chủ trương lấy vật chất làm trọng tâm thì hoàn toàn ngược lại Ý Niệm đặt ý tưởng lên hàng đầu. Trong tác phẩm "Đài Phun Nước", Duchamp bày ra một bồn tiểu thông dụng, viết lên vài chữ rồi gọi nó là tác phẩm nghệ thuật. Họ xem nhẹ việc làm ra tác phẩm nghệ thuật và chỉ tuyên dương ý tưởng đã khai sinh ra tác phẩm ấy. Nói cách khác chức năng của nghệ sĩ Ý Niệm là tạo nghĩa, không phải tạo hình.

Với thời gian một số các nghệ sĩ Ý niệm theo chân Duchamp và khinh thường kỹ năng tạo hình một cách thái quá. Trong tác phẩm của Damien Hirst "Tính Bất Khả Tín của Sự Chết trong Nhận Thức Một Người Sống", một con cá mập được bảo dưỡng trong một lồng kính bằng chất formaldehyde. Con cá mập, lồng kính là những sản phẩm có sẵn trong thiên nhiên hoặc do công nghệ dân dụng làm ra, hoàn toàn không do trí sáng tạo của tác giả. 

Càng về sau, họ càng quay trở lại phát huy kỹ năng tạo hình bởi nghệ sĩ. Hình dạng hạt đậu khổng lồ làm toàn bằng gương của tác phẩm "Cổng Mây" (còn được gọi là Hạt Đậu) hoàn toàn do tác giả Anish Kapoor thiết kế ra. "Con Nhện" của Lousie Bourgeois, "Khu Vườn" của Narcissus của Yayoi Kusama là do nghệ sĩ tư duy ra mặc dù họ đều có đội ngũ chuyên viên hùng hậu để hoàn thành tác phẩm. Rõ ràng Đào Châu Hải đã chọn khuynh hướng sau này: nhuần nhuyễn thể hiện cả hai kỹ năng tạo hình lẫn tạo nghĩa.
Vậy thì Đào Châu Hải muốn truyền tải ý tưởng gì? Tôi có hai cách để trả lời. Và trong tinh thần “hậu-hiện-đại” cả hai cách đều khả dĩ. Không có cách nào được xem là độc tôn.

Một là tôi hỏi thẳng tác giả. Và hai là tôi phải suy đoán từ tác phẩm. 

Tôi mạn phép tác giả được suy đoán trước như một người xem độc lập khỏi tác giả. Ngẫm về những gợi ý qua hình thức tạo hình của anh, về cái cảm xúc bàng hoàng, hơi bị kích động, đi đôi với tâm thức mơ hồ, tôi chỉ có thể suy diễn ra một điều. Cái ý tưởng khai sinh ra tác phẩm này phải là ý tưởng Tự Do. Tự do khai phá không gian, vật thể và ý tưởng như trong tựa đề THINH- THING-THINK.

Nhà điêu khắc Đào Châu Hải và họa sĩ Đinh Phong trước phòng triển lãm. 

Phải chăng anh đã đã tạo hình cho một cái gì vô hình là lòng khao khát tự do? Những cánh chim nhịp nhàng, những ánh sáng bay nhảy, những hình thể tự do, những thực thể cắt lớp, những phản chiếu đa chiều, và đặc sắc nhất là việc sử dụng bóng tối bao trùm để biểu tượng cho bản chất của hiện tại mà con người phải vượt lên trên.

Nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh trước một tác phẩm của nhà điêu khắc Đào Châu Hải. 

Thế thì cũng dễ hiểu vì sao lòng tôi lao xao, tư duy tôi vô định. Tôi, một con người, chỉ có thể hướng đến chứ không bao giờ biết được tự do tuyệt đối, làm sao không khỏi cảm thấy náo nức trong lạc lõng?

Tôi chưa có dịp hỏi Đào Châu Hải, nhưng mặc kệ. Có phải Roland Barthes đã viết quyển “Cái Chết của Tác Giả” (1967) để nói khi một tác phẩm được sinh thành thì nó không còn thuộc về tác giả. Cái ý nghĩa mà tác giả đặt ra cho tác phẩm chỉ là một trong nhiều ý nghĩa, đa phần do người xem suy diễn, và không có ý nghĩa nào đúng tuyệt đối. 

Dù thế nào đi nữa thì cái thế giới song song mà anh đã tạo ra, nơi hòa quyện sức sáng tạo mãnh liệt về cả tạo hình lẫn tạo nghĩa, cũng đáng trải nghiệm, đáng suy ngẫm không phải trong phút chốc mà trong dài lâu. Tôi tin rằng nó tạo được một bước ngoặt trong nghệ thuật Việt Nam.

T.Đ

Họa sĩ Thành Chương (thứ tư, từ trái qua) cùng bạn bè là các họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, Phạm An Hải, nhà quay phim Trần Hùng... đến khai mạc, xem điêu khắc chúc mừng triển lãm của Đào Châu Hải. 

 

Từ trái qua: Nhà điêu khắc Đào Châu Hải, họa sĩ Đinh Phong và nhà thơ nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hồng Minh. Ảnh chụp tại triển lãm "Thinh - Thing - Think" - Manzi  - Hà Nội, tháng 1.2021.
Ảnh: Nguyễn Anh Tuấn, Phạm Thu Ba, Nguyễn Hữu Hồng Minh