VĂN HÓA

Đọc Triết lý tiếng Việt, 'vỡ vạc' được nhiều điều

Ngọc Thủy • 07-11-2022 • Lượt xem: 881
Đọc Triết lý tiếng Việt, 'vỡ vạc' được nhiều điều

Triết lý tiếng Việt - Tựa sách mở ra nhiều sự tò mò và được tác giả, tiến sĩ Nguyễn Đức Dân kiến giải khá cặn kẽ. Đây là cuốn sách với những sự phân tích về tầm quan trọng, cách nhìn của tư duy đọc và hiểu tiếng Việt, từ đó ứng dụng vào đời sống như thế nào. Không chỉ vậy, sách còn đưa ra những ví dụ tưởng như sự nghịch lý của tục ngữ, ca dao và biện chứng đầy thuyết phục của tác giả.

Tin, bài khác:

Câu chuyện cảm động chạm tới trái tim mỗi người

Bức tranh siêu thực của trí tưởng tượng

Hiểu thêm về những 'thâm cung bí sử' trong gian bếp

Một khi sự tìm hiểu và đam mê tiếng Việt được nâng cấp, chúng ta sẽ thêm trân quý ngôn ngữ mẹ đẻ và yêu thêm tiếng Việt.

Đọc cuốn sách này cũng là cách thức giúp bạn đọc vận dụng được tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày. Điều quan trọng hơn giúp việc viết lách, tư duy ngôn ngữ thêm sinh động và đa dạng hơn. Riêng học sinh, sinh viên, các tác giả theo nghề viết thì đây là cuốn sách khá bổ ích cho công việc cũng như học tập của họ. Nó giúp cho việc dùng ngôn ngữ trở nên linh hoạt hơn, nhiều ứng biến hơn.

Sách với nhiều chương thú vị, khiến bạn đọc được mở rộng tầm nhìn về ngôn ngữ như: Nước - Một từ đặc Việt, Cái bụng chứa tinh thần, Phạm trù tôn ti trong tiếng Việt, Triết lý trong thành ngữ và tục ngữ...

DDVN trích dẫn một chương khá thú vị trong cuốn sách Triết lý tiếng Việt của tác giả Nguyễn Đức Dân

 Nước – một từ đặc Việt

“Tôi yêu tiếng nước tôi/ Từ khi mới ra đời” (Phạm Duy)

Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống. Trong đời sống canh tác lúa nước của người Việt, nước có tầm quan trọng đặc biệt.

Nơi ở của người Việt gắn chặt với nguồn nước. Nhất cận thị, nhị cận giang (tục ngữ). Phần lớn các đô thị Việt Nam trong lịch sử đều nằm bên sông, bên biển. Từ đây dẫn đến một đặc điểm là đặt địa danh gắn liền với sông nước. Tên người, tên đất gắn với những từ mang ý nghĩa sông nước: thủy, giang, hải, hồ, hà, vịnh, vàm, vũng, bến...

1 Mở rộng bài đăng trên TT ngày 28.12.2009

Tên đất: Bến Thành, Bến Tre, Bến Nghé, Bến Dược, Bến Thủy, Bến Hải, Hà Nội có làng Láng, chùa Láng, phố Láng Thượng, Láng Hạ,... Miền Nam có Vàm Vòng, Vàm Cỏ, Vàm Cống, Vũng Tàu, Vũng Liêm, Vĩnh Long, Long Hải,... Miền Bắc có Hải Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hải Hậu, Tiên Hải, Hải Thụy, Cửa Tùng, Cửa Đại, Cửa Lò, Hà Giang, Lạng Giang, v.v..

Nhà triết học cổ đại Hy Lạp Thales quan niệm toàn bộ thế giới của chúng ta được khởi nguồn từ nước. Nước là bản chất chung của tất cả mọi vật, mọi hiện tượng trong thế giới. Mọi cái trên thế gian đều khởi nguồn từ nước và khi bị phân hủy lại biến thành nước. Đối với Thales, thế giới này không gì khác hơn đó là những trạng thái khác nhau của nước. Bao bọc xung quanh chúng ta là các đại dương. Động đất chẳng qua chỉ là sự va chạm giữa trái đất và sóng biển trong bão.

Cội nguồn quê hương đất nước là cảm hứng cho biết bao sáng tác thơ văn, họa nhạc, kịch và còn là những đề tài nghiên cứu về tâm linh của những công trình khoa học.

“Đất này mọc lên từ nước mắt.” (Văn Cao)

Nước là cái gì lỏng chảy được. 

Lấy nơi sinh sống đặt tên cho lãnh địa dân tộc mình là lẽ thường tình. Nhiều nước có tên gọi gắn với đất (land). Xcốtlen (Scotland) là “đất của những người nói tiếng Gaelic”; Phần Lan (Finland) là “đất của những người nói tiếng Finnic”; Hà Lan (Holland) là “vùng đất cây cối rậm rạp”, và cũng là “những vùng đất thấp” (Netherlands); Ba Lan (Poland) là “đất của dân tộc Poles”.

Trong tiếng Việt, từ nước thân thương gắn bó với từng nhà, từng tế bào xã hội. Ấy thế nên mới có từ nước nhà, nợ nước thù nhà. Và “Nhớ nước đau lòng con quốc quốc/ Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.” (Bà Huyện Thanh Quan)

Rồi làng nước để chỉ những người cùng làng. Gặp hiểm nguy người ta kêu “Ối làng nước ơi!”. Thú vị là từ làng cũng gắn với “những dải nước lớn”, vì người Việt cổ “quần cư quanh những dải nước lớn (cũng như đồng bào miền núi thường quần cư bên bờ suối, bờ sông) mà ngày xưa gọi là lang và sau này khi tiếng Việt đã có thanh điệu, cơ sở quần cư ấy được gọi là làng” (Nguyễn Kim Thản). Khi xâm lược nước ta, người Hán gọi dải nước rộng lớn, chạy dài suốt từ Yên Lãng, Đông Anh lên Từ Sơn, v.v. là Lãng Bạc. Theo mặt chữ, lãng là sóng, bạc là hồ nước lớn chung quanh có núi. Chữ lãng ở đây dùng để phiên âm từ láng mà người Việt Nam dùng để gọi dải nước này. Từ láng, theo Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê), có nghĩa là đầm, đìa. Hiện vẫn còn nhiều địa danh mang chữ láng: làng Láng (ở Hà Nội, Dưa La cà Láng), Láng Le, Láng Thé, Láng Cò, Láng Thờ (dưới Đền Hùng), v.v..

Nơi ở của người Việt gắn chặt với nguồn nước nên tổ tiên ta đã dùng từ nước (water) đặt tên cho đơn vị hành chính lớn nhất của mình, nước là quốc gia (state). Nước Việt Nam chỉ lãnh thổ dân tộc Việt Nam. Điều này gắn với huyền sử Việt, số con của bà Âu Cơ nửa lên núi, nửa xuống biển nên nước, non nước, đất nước cũng là quốc gia, đồng nghĩa với một số từ ghép liên hợp: đất nước, nước non, non nước, sông núi, núi sông, giang sơn, sơn hà... Rõ ràng từ nước – quốc gia với nước – chất lỏng không màu, không mùi vị là một.

Theo quy luật lấy con người làm trung tâm và lấy những sự vật gần gũi nhất quanh ta để đặt tên, từ nước được dùng rất nhiều để nói về những hiện tượng khác. Trong tiếng Việt, xét theo tần số từ nước là một trong 10 thực từ được dùng nhiều nhất và rộng rãi nhất. Về hạng nó chỉ kém các từ người, đi, ra, tôi, anh, làm, nó, con, như. Nếu kể cả các từ hư thì nước xếp hạng 331. Trong tiếng Việt, từ nước có tính độc lập cao, nó kết hợp được với tính từ, động từ, danh từ theo những trật tự khác nhau. Hãy so sánh với tiếng Anh: Tiếng Việt có 117 cụm từ trong đó có yếu tố nước, sông, trong số này có 97 cụm mà tiếng Anh lại diễn đạt bằng những từ khác, chứ không phải là nước, sông (water, river), tuy tiếng Anh cũng có 19 cụm từ chứa water, river nhưng ở cách nói tương ứng trong tiếng Việt lại không dùng hai từ sông, nước. (theo luận văn thạc sĩ của Nguyễn Thị Thanh Phượng).

Bắt đầu một ngày, mặt trời nhô lên khỏi biển được người Việt gọi là “mặt trời mọc” giống như cây mọc từ đất, hoa sen, hoa súng mọc từ nước. Chuyển từ ngày sang đêm, mặt trời buông xuống rồi biến mất tăm, giống như khi ta lặn xuống nước không ai thấy nữa. Vậy là người Việt nói “mặt trời lặn”. Trong khi các dân tộc Anh, Nga, Pháp nói là to rise, podnimatsja, se lever (“mặt trời đi lên”, “trở dậy”) và to set, zakhodit, se coucher (“mặt trời đi xuống, đi vào, đi ngủ”). Câu thơ Hôm nay lạnh mặt trời đi ngủ sớm hẳn là chịu ảnh hưởng từ tiếng Pháp.

1 Nguyễn Đức Dân, Dictionnaire de fréquence du Vietnamien, 326 p., Ed. Université de Paris VII, 1980

TiếNg ViệT dùng rất nhiều từ nước và những từ ngầm chứa yếu tố nước. 

Những con nước lên xuống, rồi một dòng sông nước chảy đôi dòng, dẫn tới những tình huống mà con người phải xử trí hàng ngày, hoặc nói năng ngang bằng sổ thẳng hoặc theo nước đôi muốn hiểu thế nào thì hiểu. Tình huống trong cuộc đời giống như tình thế trong cuộc cờ. Vậy nên nước còn dùng để nói về nước đời, nước cờ, thế cờ, “Cờ đang dở cuộc không còn nước” (Nguyễn Khuyến). “Lạc nước hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời một tốt cũng thành công” (thơ HCT, Học đánh cờ). Nhiều lúc, dù có xoay xở hết nước thì vẫn không thoát khỏi nước bí trong cuộc cờ cũng như trong cuộc đời nếu như không có những lời mách nước; Kẻ được nước, ở vị thế cao thì lấn nước, người kia mất nước, ở vị thế thấp đành chịu nước lép, xoay hết nước mà vẫn không xong chỉ còn nước rút hoặc bí quá đành tính tới nước nói dối; Bà ta tưởng con mình cao giá lắm nên càng lên nước. Thậm chí nếu hết đường binh thì chỉ còn nước đầu hàng. Nước đời là vậy.

Dòng nước chảy gợi nên sự chuyển động, và rất nhiều hình thái chuyển động khác nhau khiến ta liên tưởng tới những cách thức đi đứng, hành xử. Kẻ mới đến còn lạ nước lạ cái, chưa tìm ra đường đi nước bước trong quan hệ và công việc; Ngựa chạy được ví như dòng nước chảy, có lúc đi nước kiệu, lúc lại phi nước đại; Về gần đích, vận động viên chạy nước rút; Cuối năm, nhà máy, xí nghiệp cũng mở cuộc thi đua nước rút hoàn thành chỉ tiêu, kế hoạch.

Chúng ta sống trong vùng sông nước, nên nước biểu trưng cho môi trường sống với những khái niệm nước dâng, nước nổi,

nước ròng, nước ngọt, nước mặn, nước lợ rồi nước độc. Có người bị bệnh vì lạ nước, bị sốt rét ngã nước.

Hệ thống sông ngòi dày đặc khiến mảng từ vựng sông nước cũng như mảng từ vựng phản ánh đời sống ăn, ở, đi lại, sinh hoạt... sông nước của người Việt hết sức phong phú. Người Việt ăn uống gắn liền với đạm thủy sản và cây lúa nước. Tiếng Việt phân biệt thóc, lúa, gạo, cơm, cháo, bỏng... Sinh hoạt, lao động, nghề nghiệp cũng gắn với những nghề sông nước săn bắt cá.

Sống cùng nước, những hành động bơi, lội, lặn, ngụp, ngâm (mình trong nước), chìm, nổi, trôi là tất yếu. Những nghề chài lưới, đánh bắt cá tôm phát triển. Sự phát triển từ nghĩa đen sang nghĩa phái sinh, những ẩn dụ của chúng cũng rất đặc biệt.

Chẳng hạn, từ những cách câu tĩnh và động, câu vút, câu chùm, câu dử (nhử) và câu dầm đã dẫn tới những chuyển nghĩa thú vị khác nhau. Câu vút để câu cá lóc, dây câu gắn qua một vòng nhỏ ở đầu cần câu để có thể ném mồi theo đường dây ra xa rồi kéo con mồi lướt trên mặt nước nhử cá đuổi theo đớp mồi. Khi ném, đường dây tạo thành hình cong. Thế là có lối nói: Câu pháo vào trận địa địch; đại bác câu trúng lô cốt. Còn câu dầm là cách câu tĩnh, thả mồi sâu để lâu ở chỗ thường có thả thính nhằm dụ cá tìm đến ăn rồi mắc câu. Nhà kinh doanh có những chiêu dụ khéo léo bằng quà tặng, giảm giá, mua nhiều tặng một... nhằm câu khách. Từ cách câu dầm dẫn tới ẩn dụ đá câu giờ; Lối làm việc câu dầm,... Rồi một chuyên mục trên TV Thả thính là dính.

Sống với nghề sông nước, người Việt chìm nổi cùng sông nước. Mà chìm, lặn dưới mặt nước thì không thấy, rồi rơi vào tĩnh lặng, quên lãng làm cơ sở cho những cách nói: của chìm của

nổi; ngập đầu trong đống giấy tờ; phong trào cơ sở này có phần chìm xuống; câu chuyện đã chìm vào dĩ vãng; vụ bê bối chìm xuồng rồi; lặn lội bên trời Tây; người xấu duyên lặn vào trong; trăng lặn; mới 4 giờ mà nó đã lặn mất rồi... Còn nổi, thì nhô lên mặt nước, thấy rõ làm cơ sở cho tên gọi chữ nổi cho người mù; nổi rôm sảy; nổi cộm; màu sắc khá nổi; nổi tiếng; chơi nổi; hàng hóa trôi nổi. Hiện ra nhanh và mạnh mẽ là nổi lên hàng đầu; nổi gió; nổi giận,...

Những hình thái của nước cũng có nhiều chuyển nghĩa: cạn tức là nông – là ít – là gần hết dẫn tới hình ảnh cạn vốn; cạn tình cạn nghĩa; cạn nghĩ; ngập thì bị phủ kín, nên công việc ngập đầu, ăn uống ngập mặt ngập mũi. Sóng là có chuyển động lên xuống nên có sóng người; làn sóng đấu tranh; cuộc đời đầy sóng gió; sóng truyền hình. Dòng là một chuỗi chuyển động liên tục, kế tiếp: dòng thời gian; dòng đời; dòng chữ; dòng dõi; anh em cùng họ nhưng khác dòng; dòng văn học hiện thực; dòng kẻ...

Sự đi lại của người Việt gắn liền với giao thông đường thủy. Phương tiện giao thông và chuyên chở trên sông nước ở Việt Nam hết sức phong phú: đò, thuyền, ghe, xuồng, bè, mảng, phà, tầu, cầu... Các loại thuyền thúng, thuyền nan, thuyền mành, thuyền lươn, thuyền đinh, thuyền cóc, thuyền chài, thuyền rồng, thuyền độc mộc, thuyền tam bản,... Ghe thì có ghe bầu, ghe cửa, ghe lồng, ghe giàn, ghe be, ghe lưới, ghe đò...

Con đường chuyển nghĩa của từ ngữ chỉ phương tiện giao thông cũng rất đáng chú ý. Nghĩa cơ bản của cái cầu là phương tiện đi lại nối hai vùng đất bị ngăn cách bởi sông nước. Khái niệm vật nối này dẫn tới những danh từ cầu thang, cầu vồng, cầu nối, cầu dao, cầu chì, cầu vai, cầu thăng bằng, cầu chui, cầu hàng

không, cầu truyền hình, bắc cầu mạch vành (trong phẫu thuật mổ khi điều trị bệnh lý mạch vành). Trong ca dao còn có “Ước gì sông rộng một gang,/ Bắc cầu dải yếm để chàng sang chơi”. Ấy là chúng ta chưa nói về những từ nước xuất hiện trong thành ngữ, tục ngữ để tạo ra nghĩa bóng. Trong tiếng Việt từ nước dùng theo nghĩa bóng rất nhiều, chúng liên quan đến đất và nước, những cách dùng từ ngữ hiếm thấy ở những dân tộc khác. Ở nhiều ngôn ngữ khác nước chủ yếu dùng theo nghĩa đen.

Các bạn thử xem có thể dùng những cụm từ chứa water, eau, voda để dịch những từ nước in nghiêng dưới đây sang các thứ tiếng khác được không?

Tức nước vỡ bờ, nước cờ: nước biểu trưng cho sức mạnh và năng lực. Từ đây có những cách nói: học hành như vậy chưa nước non gì đâu; nó thì nước gì, đến nước ấy là cùng; làm thế cũng chả nước mẹ gì (xin lỗi!)... Thay vì nói ra tay, trổ tài người ta cũng nói ra nước.

Nước có bề mặt phản chiếu, nên có thể dùng từ nước để chỉ những gì trên bề mặt có màu sắc: nước da trắng hồng; nước bóng; nước mạ; nước kền; nước sơn; màu chiếc xe đã xuống nước không còn như lúc mới.

Mời các bạn suy ngẫm và dịch tiếp những từ nước dưới đây: nước chấm; nước dùng; nước lèo; nước cốt; nước hàng; nước màu; nước hoa; nước trái cây; sắc tới nước thuốc thứ hai; thêm thứ này vô sẽ mất nước; nước độc; bị sốt rét ngã nước; chị hàng nước [Trong truyện Phố, Chu Lai viết “Chị hàng nước mang hàm giảng viên đại học... còn có nhã ý bán thêm mặt hàng mía đẫn để phục vụ riêng cho Lãm”. Hàng nước đâu chỉ có bán nước, còn bán cả kẹo bột, kẹo vừng, mấy gói thuốc lào, dăm bao thuốc lá. Người uống nước có thể mua thêm cút rượu nhắm xuông kẹo lạc, kẹo vừng... Từ hàng nước đã thay cho nhiều mặt hàng ăn uống lặt vặt. Dịch thế nào?]

Như vậy, chính vì những đặc điểm kể trên mà nước, sông được dùng như yếu tố biểu trưng trong nhiều thành ngữ, tục ngữ.