Có hơn 30 năm gắn bó với nghệ thuật hát bội, Đông Hồ gây bất ngờ khi tham gia cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022. Nam nghệ sĩ mong muốn được thử thách bản thân ở bộ môn không phải sở trường, thỏa mãn niềm đam mê ấp ủ từ thời niên thiếu.
Nghệ sĩ Đông Hồ tại buổi chia sẻ về cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022
‘Tôi muốn thỏa đam mê với cải lương’
Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang vốn là đấu trường dành cho những nghệ sĩ có thâm niên trong nghề song Đông Hồ lại là “kẻ ngoại đạo” hiếm hoi tham gia tranh tài tại cuộc đua năm nay và xuất sắc tiến vào vòng chung kết. Trước khi quyết tâm chinh phục sân khấu cải lương, anh đã có hơn 30 năm với nghệ thuật hát bội và là nghệ sĩ kỳ cựu của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM. Nam nghệ sĩ chia sẻ thời niên thiếu anh đã rất đam mê cải lương nhưng sau này nhờ sự động viên của ba là nghệ sĩ Hoàng Thung mà anh quyết định theo đuổi nghệ thuật hát bội. Thời gian rảnh, nam nghệ sĩ tham gia các câu lạc bộ về cải lương, góp mặt trong các tiết mục bên ngoài để phần nào thỏa niềm đam mê thời trẻ.
Đông Hồ đóng vai Tử Trình trong vở San hậu
Đông Hồ trong tạo hình nhân vật Ô Lợi Hắc trong vở Thần nữ
Đông Hồ thừa nhận bản thân không có nhiều trải nghiệm về bộ môn cải lương như người trong nghề nên khi thử thách bản thân tại cuộc thi, nam nghệ sĩ sinh năm 1970 cũng gặp chút khó khăn. “Khó khăn chủ yếu đến từ việc tôi đã gắn bó với hát bội hơn 30 năm, những gì liên quan đến hát bội đã ăn sâu vào máu mình rồi. Vì hát bội dây rất cao nên làn hơi của mình bị hạn chế so với những nghệ sĩ cải lương. Cùng với đó, phần nội tâm và vũ đạo bên hát bội rất nặng, cường điệu nên qua cải lương mình cần tiết chế lại”, anh chia sẻ.
Đông Hồ đóng Lê Văn Duyệt trong vở Lê công kỳ án
Đông Hồ vai Hồng Hiến trong vở Tử hình không án trại
Tại vòng chung kết cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang 2022 diễn ra cuối tháng 10 tới, Đông Hồ tham gia tranh tài với vai kép lão. Nam nghệ sĩ 52 tuổi lựa chọn vào vai An Dương Vương (Thục Phán) trong trích đoạn Chiếc áo thiên nga của tác giả Lê Duy Hạnh. Tiết mục được dàn dựng bởi NSƯT Xuân Quang và có sự tham gia hỗ trợ của hai đồng nghiệp. Đông Hồ “nhá hàng”: “Tiết mục lần này có một phân đoạn mà trước đây NSƯT Hoa Hạ dàn dựng có đưa chút làn điệu của hát bội vào trong đó để lột tả được nỗi oán hận, giận dữ của An Dương Vương. Do tôi là nghệ sĩ hát bội nên đã lấy phân đoạn đó vào trong tiết mục của mình để thể hiện tốt nhất đồng thời tạo điểm nhấn riêng”.
Nghệ sĩ Đông Hồ chia sẻ anh quyết định tham gia cuộc thi về cải lương để thử thách bản thân đồng thời thỏa mãn niềm đam mê bấy lâu với môn nghệ thuật truyền thống này. Anh bộc bạch: “Mục tiêu lớn nhất của tôi khi tham gia tranh tài tại giải Trần Hữu Trang là được sống với những vai diễn mình thích, thỏa mãn niềm đam mê với môn nghệ thuật mà hồi trẻ mình từng rất yêu nhưng chưa đủ duyên để theo đuổi. Được tập luyện, được biểu diễn cải lương khiến tôi thấy được thỏa đam mê”. Ngôi sao của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM tâm sự anh muốn thử thách bản thân tại cuộc thi về cải lương khi còn có đủ sức lực, nhiệt huyết. “Tôi thấy cuộc thi phù hợp với tuổi của mình, tôi muốn cố gắng khi sức lực còn có chứ để vài năm nữa mình yếu hơn thì lại bỏ lỡ… Cuộc thi năm nay toàn những anh chị em tâm huyết với nghề và có thâm niên hoạt động trên sân khấu, kể cả những gương mặt trẻ cũng có ít nhất 5 năm làm nghề trở lên. Khả năng ca diễn của các tất cả thí sinh đều rất tốt nên tôi cũng chỉ biết cố gắng hết mình”, nam nghệ sĩ bộc bạch.
Đông Hồ nói thêm: “Với tâm thế là thí sinh, tôi sẽ cố gắng hết sức mình để đạt hiệu quả tốt nhất trong đêm chung kết. Cho dù kết quả thế nào tôi vẫn vui và mãn nguyện”.
Từng muốn bỏ nghề vì nhiều năm chỉ đứng sau cánh gà
Nghệ sĩ Đông Hồ sinh năm 1970 tại TP.HCM trong gia đình có cha là nghệ sĩ hát bội Hoàng Thung và chị gái là nghệ sĩ hát bội Kim Chi. Tuy xuất thân trong gia đình có truyền thống theo hát bội nhưng từ thời niên thiếu, anh lại dành tình yêu đặc biệt cho cải lương. “Lúc tôi tầm 17, 18 tuổi, tôi đã rất đam mê với bộ môn cải lương và tham gia các câu lạc bộ, có thời gian tìm tòi, học hỏi khoảng 2 năm nên cũng rành một chút. Ba tôi vốn là nghệ sĩ hát bội và muốn con trai theo nghề nên động viên tôi tham gia khóa đào tạo nghệ sĩ hát bội vào năm 1987. Nhờ có dịp tiếp xúc, tôi thấy bộ môn nghệ thuật này cũng thú vị rồi bắt đầu ấn tượng, yêu thích sau đó tôi chính thức gia nhập sân khấu hát bội rồi gắn bó cho đến hiện tại”, ngôi sao vở Lê công kỳ án kể.
Hai nghệ sĩ Đông Hồ và Ngọc Điệp kết hợp với nhau trong vở "Người đẹp đất Giang Đông" (trước năm 2000)
Đông Hồ đóng Triệu Đà trong vở "Chiếc áo thiên nga"
Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu nghệ thuật hát bội, Đông Hồ ghi dấu ấn với những vai tính cách đa dạng: từ tướng, lão, độc, mùi, cho đến trung thần, gian nịnh... Những năm 2000, anh nhận được sự yêu thích của khán giả khi hóa thân thành Trương Phi trong vở Về đất Kinh Châu. Những vai diễn như: Tử Trình trong vở San hậu, Bao Công trong vở Bích Vân Cung kỳ án, Đàm Phục Hổ trong vở Tứ linh hội, Hồng Hiến trong vở Tử hình không án trại, vai Lê Văn Duyệt trong Lê Công kỳ án, vai Triệu Đà trong Chiếc áo thiên nga… góp phần đưa nam nghệ sĩ tài năng này đến gần hơn với khán giả yêu bộ môn hát bội đồng thời giúp anh được vinh danh tại các sân khấu chuyên nghiệp trong nước. Cùng với đó, Đông Hồ cũng đảm nhận vai trò đạo diễn, phụ trách dàn dựng nhiều vở diễn đáng chú ý: Trần Quốc Tuấn, Bông hồng núi nưa, Tấm cám… và gần đây là vở Chiếc áo thiên nga.
Trước khi trở thành một trong những diễn viên lâu năm của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM và có được vị trí nhất định trong nghề, Đông Hồ Từng trải qua quãng thời gian khó khăn đến mức muốn từ bỏ. Anh tâm sự khi ở tuổi nhiệt huyết, sung sức nhất, bản thân lại còn quá trẻ để được giao những vai quan trọng trên sân khấu. Trong khi những người bạn cùng trang lứa theo cải lương đã có nhiều cơ hội tỏa sáng và bắt đầu được nhiều khán giả biết đến thì Đông Hồ vẫn lặng lẽ ngồi sau cánh gà đợi làm nền cho những diễn viên chính trên sân khấu hay đảm nhận những công việc vặt suốt vài năm. “Những lúc đó tôi buồn nhiều vì mình không có cơ hội diễn để thỏa đam mê. Có giai đoạn tôi chán nản muốn bỏ nghề nhưng lúc đó còn ba… ba không muốn mình bỏ”, nam nghệ sĩ nghẹn ngào khi nhắc đến ba ruột. Anh chia sẻ chính ba là nguồn động lực lớn nhất để bản thân kiên trì bám trụ với nghề và không ngừng nỗ lực để tỏa sáng trên sân khấu.
Đông Hồ chia sẻ chặng đường hoạt động của mình gặp nhiều chông chênh. “Khi ở giai đoạn mình tràn trề năng lượng, ý chí vươn lên thì lớp anh chị vẫn còn trẻ, còn sung sức và có nhiều cơ hội diễn chính còn mình chỉ làm dàn quân, muốn hát lắm nhưng không được. Có nhiều lúc tôi thoái chí nhưng vì ba luôn động viên nên tôi lại cố gắng. Thế rồi tôi đóng những vai già. Tới khi đến lớp của mình lên thì lớp đàn em cũng xuất hiện và tiến tới. Lúc đó tôi đóng vai già, vai tướng, vai nịnh quen rồi nên tiếp tục đóng những vai ấy”, nghệ sĩ kỳ cựu chia sẻ. Ngôi sao vở Chiếc áo thiên nga tâm sự anh tìm thấy niềm vui trong những vai diễn của mình, thấy hạnh phúc khi được đóng những vai tính cách, đóng nhiều loại nhân vật khác nhau và xem đó là một lợi thế.
Đông Hồ khi tham gia đóng phim
Một thực trạng buồn là nghệ sĩ sân khấu ngày càng ít đất diễn mức thu nhập từ nghề khá khiêm tốn. Tuy nhiên với nghệ sĩ Đông Hồ, anh chia sẻ bản thân luôn biết thế nào đủ. “Trong thời gian gắn bó với nghề, tôi sống theo cách của mình, biết dành dụm, gói ghém làm sao để đủ lo cho cuộc sống. Nếu nói dư thì không có dư nhưng nếu nói thiếu thì cũng không đến nỗi thiếu thốn”, nam diễn viên tâm sự. Ngoài hoạt động trên sân khấu hát bội, nam nghệ sĩ còn tham gia một số chương trình biểu diễn bên ngoài, anh cũng từng nhận lời đóng những phân đoạn nhỏ trong phim. Đông Hồ tâm sự anh may mắn khi có bà xã ủng hộ, tin tưởng. “Khi theo nghề này, tôi luôn cố gắng đùm bọc, lo cho vợ con đầy đủ. Là nghệ sĩ, khi đi diễn tôi luôn ý thức được mình đã có gia đình để không bị cám dỗ, không làm vợ buồn. Bà xã không làm nghệ thuật nên dễ bị hoang mang chuyện này, chuyện kia. Tôi cố gắng làm tốt vai trò trụ cột, tạo niềm tin cho vợ… Bà xã ít đi xem tôi diễn nhưng không bao giờ nghi ngờ hay khuyên tôi bỏ nghề vì hiểu cho đam mê của chồng. Tới giờ, khi đã có tuổi, bà xã bắt đầu đi theo xem tôi diễn cho vui, cho có vợ có chồng”, Đông Hồ chia sẻ.
Sau hơn nửa đời hoạt động nghệ thuật, nghệ sĩ Đông Hồ cảm thấy tự hào khi là một nghệ sĩ hát bội, hoạt động trong loại hình nghệ thuật tuy có kén khán giả nhưng lại được nhà nước chú trọng bảo tồn và phát huy. Nam nghệ sĩ thấy lạc quan khi các cơ quan quản lý văn hóa đang nỗ lực vực dậy sân khấu nói chung và nghệ thuật hát bội nói riêng. Đông Hồ mong muốn trong tương lai hát bội sẽ có nhiều suất diễn trên sân khấu học đường để khơi dậy sự hứng thú, yêu thích của các bạn trẻ đối với loại hình truyền thống này. Anh cũng mong cơ quan quản lý văn hóa quan tâm, đầu tư kinh phí đào tạo lớp nghệ sĩ trẻ đồng thời tạo điều kiện để họ có cơ hội phát huy tài năng trên những sân khấu chuyên nghiệp.
Ảnh: NVCC