Duyên Dáng Việt Nam

Gạch tái chế tái hiện truyền thống Trung Thu

Quyên Hà • 21-09-2020 • Lượt xem: 1789
Gạch tái chế tái hiện truyền thống Trung Thu

Tết Trung Thu bao đời nay luôn là một trong những dịp lễ quan trọng nhất nhì trong văn hóa Việt Nam và các nước Châu Á. Rằm tháng 8 không chỉ là một dịp cúng lễ quan trọng mà còn là thời gian trao gửi yêu thương đến gia đình, bạn bè đồng nghiệp.

 

Ngoài bánh trung thu và nghi lễ rước đèn, không phải ai cũng biết ở một số nước châu Á cổ, từng tồn tại nghi lễ “đốt tháp”.

Nghi lễ xây tháp và đốt tháp cổ xưa từng được thực hành tại một số khu vực châu Á cổ vào khoảng thế kỷ 13 đến 19. Khi đó, những tòa tháp cao được xây dựng từ gạch và ngói, cùng gỗ và tre đặt bên trong. Vào đêm tổ chức nghi lễ, các tòa tháp này sẽ cháy sáng, vì người xưa tin rằng lửa mang lại may mắn và mùa màng bội thu.

Nhằm tái hiện lại nghi lễ này, một studio kiến trúc Hồng Kông mang tên Daydreamers Design đã sáng tạo một công trình kiến trúc nghệ thuật mang tên Vọng lâu Ước nguyện tại Công viên Victoria, Vịnh Causeway, Hồng Kông.

Stanley Siu Kwok-kin, kiến trúc sư sáng lập Daydreamers Design.

Stanley Siu Kwok-kin, nhà sáng lập của Daydreamers Design, đã kết hợp phong tục này với phong tục thả đèn trời ước nguyện. Theo Stanley, những ngọn tháp xưa kia thường nhỏ đến mức không ai chui vừa, nhưng anh muốn người Hồng Kông được trải nghiệm cảm giác ở bên trong ngọn tháp nên đã làm ngọn tháp rộng hơn.

Đương nhiên là ngọn tháp sẽ không bốc cháy bằng ngọn lửa thật, những quả cầu LED điều khiển bằng các lệnh lập trình trên máy tính sẽ tạo nên một ngọn lửa ánh sáng có vẻ đẹp chân thật nhất.

Siu và đội kiến trúc sư của anh đã thiết kế tòa tháp với phần đáy có đường kính 18 mét và cao 6 mét với bức tường dạng xoắn ốc để mọi người đi vòng quanh bên trong.

Ở giữa, kết nối với một ngọn lửa giả hướng thẳng lên trên giữa bầu trời rộng mở, hướng tới mặt trăng, và hàng tá chiếc đèn trời phát sáng mà mọi người có thể chạm vào khi ước nguyện.

Trong khi đó, một show ánh sáng và âm thanh sẽ được trình diễn xuyên qua cấu trúc chính của tòa tháp, xây dựng từ 5000 viên gạch nhựa nhiều hình dạng khác nhau, với hai màu cam và đỏ, nhằm tái hiện các sắc thái khác nhau của ngọn lửa.

Mô hình kiến trúc mô phỏng tòa tháp đang cháy thành này cũng gợi ra hình ảnh một con rồng đang vươn lên.

Công trình này được xây dựng trong vòng 13 ngày ngay tại thực địa. Để có thể bàn giao vọng lâu trong khoảng thời gian ngắn như vậy, đội ngũ kiến trúc sư đã tiêu chuẩn hóa thiết kế thành hệ thống các mô-đun, chia thành 56 phần và tận dụng quy trình sản xuất để hoàn thiện.

Hơn nữa, vọng lâu được xây dựng để chống chịu được thời tiết Hồng Kông, cũng như tránh gây hư hại đến sân bóng. Kết cấu của Vọng lâu Ước nguyện bao gồm khung và nền kim loại. Công trình không dùng đến móng để tránh gây hư hại nền sân bóng. Vọng lâu đứng vững được nhờ có một kết cấu nền tảng nặng khoảng 56 tấn.

Vọng lâu ước nguyện là sự hợp tác thứ hai của Siu với Cơ quan Dịch vụ Văn hóa và Giải trí Hồng Kông cho ngày lễ Trung thu. Dự án hợp tác đầu tiên vào năm 2013 là một công trình từ chai nhựa PET tái chế, cũng mang yếu tố môi trường.

Siu nói: “Chúng tôi muốn tiếp tục chủ đề dự án, nhưng gạch truyền thống không phải một chất liệu bền vững. Bên cạnh đó, tôi cũng muốn vỏ của chiếc đèn lồng khổng lồ này có vẻ ngoài sáng và bóng. Vậy nên chúng tôi đã tìm một nhà sản xuất tại lục địa sản xuất cho chúng tôi gạch từ nhựa tái chế”.

Ý định này ban đầu cũng vấp phải những trở ngại. Lý do là vì chai nhựa PET, thuộc nhựa Loại 1 trong thuật ngữ tái chế, không đủ cứng cho công trình. HDPE Loại 2 hay vật liệu nhựa dẻo nhiệt độ cao, thường dùng để sản xuất vỏ chai dầu gội thì lại đòi hỏi khả năng chịu nhiệt cao. Nhưng các nhà máy sản xuất tại đại lục mà Siu tìm tới lại không quen làm việc với loại vật liệu này.

Để tạo ra những viên gạch từ nhựa tái chế, trước tiên nguyên liệu thô sẽ được nung chảy và sau đó định hình lại bằng khuôn. Vài nhà thầu đã đưa ra các nguyên mẫu hoặc quá dày hoặc trong mờ, có nhà thầu tạo ra được sản phẩm thủ công có vẻ ngoài bắt mắt nhưng lại quá đắt. Cuối cùng, một nhà thầu sản xuất được vật liệu trong ngân sách đã được chọn.

Siu tin rằng tòa tháp này sẽ là bằng chứng thực tế cho giá trị sử dụng tiềm năng của polythylene trong thiết kế nội thất, và sau đó là xây dựng.

Theo Siu, đồ nội thất là một trong những lĩnh vực đang phát triển. Ví dụ, thương hiệu Châu Âu ecoBirdy đang sản xuất đồ nội thất trẻ em từ đồ chơi nhựa. Siu tin rằng các nhà sản xuất Đại Lục cũng có thể sử dụng vật liệu này theo cách thích hợp.

Tuy nhiên, để ứng dụng vào ngoại thất sẽ cần đến những nghiên cứu sâu hơn, đảm bảo nhựa tái chế có thể chịu được ánh nắng mặt trời.

Nhưng Su tin rằng, với sự phát triển của các nghiên cứu và sự có mặt của một loại chất hóa học hay chất gia cố, nhựa tái chế một ngày không xa có thể trở thành vật liệu nhẹ, cứng, và bền vững cho bề mặt các công trình.