Bây giờ những người bạn của các con đã lớn khôn, trưởng thành, mỗi người mỗi công việc, mỗi dịp Tết đến là thường ghé nhà thăm ba mạ tôi kèm theo món quà nho nhỏ, khi thì chai rượu khi thì gói trà…
“Hò ơ… con chi không có chân mà đi năm rừng bảy rú. Con chi không có vú mà nuôi tám chín người con…”, chú Năm Đoàn (nhà thơ Đoàn Vị Thượng) hò đố. Không ai biết trả lời làm sao. Thấy thế mạ tủm tỉm cười hò đáp: “Hò ơ… Con rắn không có chưn mà đi năm rừng bảy rú. Con gà mái không vú mà nuôi tám chín đứa con…”. Các con vỗ tay mừng vì đã “dụ” được mạ hò. Bởi vì các con biết mạ hò rất hay và có cả một bụng ca dao hò vè. Không phải mười anh em chúng tôi lớn lên trong lời hát ru nôi hiền hoà của mạ đó sao?
Ba tôi mất đã hơn ba năm nhưng ngày nào mạ cũng cúng cơm, ngày nào bàn thờ ba cũng nghi ngút khói hương. Tôi đi xa về, nhìn lên bàn thờ ba thấy lòng ấm lại, và đôi khi cứ ngỡ còn sống trong hạnh phúc như những ngày còn ba.
Ngày giỗ lần thứ ba của ba tôi, 14.6.2003, mạ mời thầy đọc kinh. Mạ nói chừng nào mạ còn sống thì mạ còn cúng cơm cho ba hàng ngày. “Ông ơi về ăn cơm”, mạ thường khấn khe khẽ như thế khi thắp nhang cho ba, như thể ba tôi còn sống và đi chơi đâu đó về muộn. Lúc ấy, trên gương mặt mẹ tôi đọc được lòng thành kính, thương yêu của người dành cho ba. Vâng, đối với mạ ba còn sống mãi bên người.
Thân mẫu của Nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo Từ Nguyên Thạch
Hũ đựng cốt của ba tôi được thờ trong chùa Diệu Giác. Đó là một ngôi chùa nhỏ khuất trong xóm lao động nghèo đường Trần Kế Xương, phường 7, quận Phú Nhuận. Bệ thờ của ba được lót gạch men trắng lúc nào cũng sạch sẽ, trong mùi trầm hương phảng phất mùi thơm kín đáo của bông huệ trắng mạ thay hàng ngày.
Sau 1975, ba mạ gần như trắng tay. Mười đứa con đang tuổi lớn, chỉ biết ăn học, đến núi cũng lở. Sau này trưởng thành, những đứa con của mạ cũng kỹ sư nhà giáo, cũng giám đốc trưởng phòng như ai nhưng cuộc sống đạm bạc, thậm chí có phần khó khăn. Anh Hai Trinh, kỹ sư nông nghiệp, nhận xét về mấy anh em tôi: “Anh em mình bị ảnh hưởng ông già chất kẻ sĩ. Lành cho sạch, rách cho thơm”. Bởi vậy, đã ngoài bảy mươi nhưng mạ tôi ngày nào cũng xách giỏ ra ngồi ngoài chợ Tân Định mua đi bán lại những quần áo cũ kiếm tiền mua gạo qua ngày.
Mạ tôi về nhà giỏ gạo luôn kè kè một bên vai. Một chiều, làm về sớm tôi ngồi nơi bậc cửa nhìn ra đầu hẻm đợi mạ đi chùa về. Bóng mẹ từ xa đi tới, đôi vai của mạ bị lệch về bên trái, nơi ngày nào mạ cũng kè kè một giỏ gạo. Nước mắt tôi tự nhiên ứa ra. Bây giờ giỏ gạo không còn nhưng gánh nặng của thời gian làm cho vai người cứ lệch đi. Gánh nặng thời gian kia làm sao tính hết? Anh em chúng tôi có những lúc vô tâm không thấy sự hy sinh thầm lặng của người. Cuộc sống như cơn lốc cứ cuốn lấy chúng tôi, vì miếng cơm manh áo chúng tôi thật hiếm khi đến ngồi bên mạ để tâm sự, sẻ chia những vui buồn của cuộc sống thường ngày. Ôi, mạ của chúng con!
Nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà báo Từ Nguyên Thạch
Mạ bị ngã, cổ tay trái bị nứt xương, bó bột hơn tháng trời chưa bớt. Mạ ngồi một chỗ tù túng, người sút đi thấy rõ.
Ngày giỗ ba, sư Nhân- một nhà sư đã hoàn tục, nay chạy xe ôm- đọc bài thơ mừng thọ ba tôi. Bài thơ này anh viết cách đây ba năm, có ý định tặng ba tôi nhưng bài thơ chưa xong thì ba tôi đã ra người thiên cổ. Bây giờ sư Nhân vừa đọc vừa khóc thút thít. Người ngoài tuổi năm mươi, râu tóc bạc phết, khi khóc khuôn mặt giống hệt trẻ thơ. “Tấm lòng ba rộng mở chân trời. Bóng hình ba bóng mát muôn nơi…” Nghe xong mạ tôi ngồi khóc ngon lành, còn chúng tôi lảng đi chỗ khác để kịp giấu những đôi mắt đỏ hoe.
Chuyện gì cũng có đầu đuôi của nó. Gần mười năm trước, nhà ba mạ tôi ở số 68/10 Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận. Nhà nhỏ nhưng bạn bè của con cái đông vậy mà ba mạ tôi mở vòng tay đón hết. Dân miền Trung hiếu học nhưng nghèo khó, cơ nhỡ cũng nhiều thường ghé nhà ba mạ tôi tá túc, ăn học. Tính từ năm 1975 đến gần những năm 1990 cũng có cả trăm người trọ chứ ít gì. Ba tôi sáng sớm cắp cái bàn gỗ đi bộ ra tận đường Võ Thị Sáu ngồi bán vé số. Mạ tôi xách giỏ cuốc bộ ra chợ Tân Định ngồi mua bán áo quần cũ.
Mười anh em tôi đứa đi dạy, đứa đi học, đứa bán thuốc lá, con gái thì may hoặc đan đác lá buông hợp tác xã. Dạo đó toàn thành phố ăn bo bo, riêng nhà tôi bo bo cũng không có mà ăn, phải ăn khoai mì trừ bữa. Đói đến vàng mắt. Dẫu vậy, ba mạ tôi đều coi bạn bè của con như con cháu trong nhà, gặp bữa có gì ăn đó, mỗi người nhín một chút mà vui. Tôi nhớ có kỳ nghỉ tết, tôi từ Phước Long về mang theo một ba lô gạo, chú Đoàn bốc một nắm cho vào miệng ăn ngon lành. Bây giờ những người bạn của các con đã lớn khôn, trưởng thành , mỗi người mỗi công việc, mỗi dịp Tết đến là thường ghé nhà thăm ba mạ tôi kèm theo món quà nho nhỏ, khi thì chai rượu khi thì gói trà…
Có những hôm vui, mạ và các con ngồi chuyện trò. Các con nói mạ hò đi mạ. Mạ cất giọng hò. Tiếng mạ vẫn còn hay. Mạ có thể ngồi hò cả buổi mà không hết “cả bụng” ca dao hò vè. Mạ kể: Hồi nhỏ, ông ngoại kêu mấy chị em ra sân tập hò vào những đêm trăng sáng. Đứa nào hò dở hoặc không thuộc thì bị roi mây vào đít. Mạ là người hò khá nhất trong mấy chị em. Một hôm, làng mở hội thi hò nam nữ đối đáp. Dân làng tụ tập trước sân đình lớp trong lớp ngoài. Mấy chị em muốn đi coi nhưng ông ngoại bắt nằm ngủ vì… còn con nít.
Năm đó mạ mới 12 tuổi. Mạ nằm trằn trọc không ngủ được vì những tiếng hò theo gió từ sân đình vọng về. Ông ngoại kêu dậy hỏi có thích đi nghe hò không. Mạ nói thích. Ông ngoại ra điều kiện: Tới đó thì phải hò mới cho đi. Mạ gật đầu đại. Tới sân đình , gặp lúc người làng quê mạ hò thua làng bên, ông ngoại tức khí kêu mạ ra hò. Mạ còn… con nít, ông ngoại phải đỡ lên ngồi trên vai để mọi người thấy. Tiếng mạ thanh mà lanh lãnh, nhưng điều quan trọng nhất là tài ứng khẩu đối đáp ngay với bên kia, nếu chậm thì coi như thua. Những hội thi hò như thế thường kéo dài đến quá nửa đêm và phần thắng luôn nghiêng về phía làng mạ. Thế rồi, trong những chàng trai mếm mộ giọng hò của mạ có ba tôi.
(2003).
Tác giả Từ Nguyên Thạch là một tác giả quen thuộc của những bài thơ, truyện ngắn in trên các báo, tạp chí TP.HCM và cả nước từ sau 1975. |