VĂN HÓA

Khánh Ly và Tự truyện

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 15-01-2020 • Lượt xem: 3613
Khánh Ly và Tự truyện

Danh ca Khánh Ly viết văn? Chắc sẽ có lắm độc giả ngạc nhiên. Và đúng thật! Nhiều điều thú vị khi bạn mở trên tay cuốn “Đằng sau những nụ cười”…

Tin, bài liên quan:

Khánh Ly ru tình trong “Người về bỗng nhớ”

Về nước tổ chức liveshow, Khánh Ly xóa tan tin đồn qua đời

Những bóng hồng trong đời cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (P.2)

Nhiều người biết chuyện còn nói có thể bà đã kể lại cho chồng là nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan viết chứ “xướng ca vô loài” thì viết gì! Thật bất ngờ khi đọc những tự sự do chính Khánh Ly thú nhận về chuyện viết lách của mình, “chua và cay” hơn hết thảy những gì bạn có thể đặt điều hay lý sự về chuyện chữ nghĩa của nữ danh ca: “Tôi vốn hèn mọn như cỏ dại, chữ nghĩa không đầy một cái lá. Nhưng bia đá còn đau thì nói gì là cỏ dại?”… “Viết, với tôi nghĩa là ghi lại những sự việc mắt thấy tai nghe. Vui buồn sướng khổ, giàu, nghèo…Chỉ là những chuyện lẩm cẩm, nhỏ nhặt của một người đàn bà bình thường… Khả năng của một người ít học như tôi chỉ cho phép tôi làm được đến thế mà thôi…”. “Tôi có hơn gì ai đâu? Đôi khi còn tệ hơn người khác nữa ấy chứ. Thế cho nên, tôi chỉ thích ghi nhận lên trên giấy những điều tôi biết rất rõ về tôi, nghĩa là những cái xấu nhất của mình. Để… may ra nó bớt xấu đi chăng?” (Thay lời tựa).

Bìa cuốn tự truyện "Đằng sau những nụ cười" của danh ca Khánh Ly

Và cũng từ những tự bạch rất thật thà ấy khó nói là có ai đó viết thay cho Khánh Ly. Còn tôi, cách đây độ 25 năm đã được đọc bài “Bỗng nhiên gặp lại nơi này” trích đăng trên tờ Tuần tin Thanh Niên. Bài viết này của bà thuật lại chuyện gặp nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Montreal – Canada sau biến cố 1975. Bối cảnh lúc bấy giờ khiến nhiều người yêu âm nhạc e dè hỏi đến số phận của Khánh Ly còn sống hay đã chết? Và trôi dạt về đâu tiếng hát ma mị, hoang hoải của “nữ hoàng chân đất” một thời? Báo Thanh Niên được yêu mến vì đã mạnh dạn đăng những bài có nhiều thông tin đến bạn đọc yêu nghệ thuật như thế! Bởi vậy, xuyên suốt 55 bài viết, rải rác từ nhiều giai đoạn, nhiều thập niên để làm nên một tập Tự truyện khá dày dặn “Đằng sau những nụ cười” là nỗ lực rất lớn của Khánh Ly vì như chính bà tự nhận “lòng tôi như chiếc bánh đã bóc ra cho mọi người thấy hết rồi, không có gì phải che đậy, giấu giếm”. Tưởng thế nhưng nào phải thế! Khi hấp lực của chữ nghĩa Khánh Ly lại nằm ở chỗ mâu thuẫn, ngấp ngứ, ngỡ bóc hết nhưng vẫn còn giữ lại cầm bằng “của tin” đâu đó: “Tất cả những điều cần nói, chính là những điều không bao giờ nói ra bằng lời” (Bỗng nhiên gặp lại nơi này).

Ca sĩ Khánh Ly và nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lúc khởi đầu hát ở Đại học Văn Khoa - Sài Gòn

Nghe Khánh Ly hát từ khi còn rất nhỏ. Qua những cái đĩa cát-xét mở đi mở lại đến nhão nhẹt từ các quán cà phê mậu dịch quốc doanh những năm 1985 – 1989. Đặc biệt trong lớp nhạc và guitar của nhạc sĩ Cao Minh Trí trên đường Trưng Nữ Vương – Đà Nẵng tôi theo học lúc 13 tuổi. Nhiều buổi chiều, giữa tiếng chuông nhà thờ, chúng tôi được nghe những ca khúc của Trịnh Công Sơn như Diễm xưa, Con mắt còn lại, Nắng thủy tinh… đặc biệt là Hạ trắng. Phải nói vào thời điểm còn nhiều rào cản, quan niệm về nhạc vàng, nhạc đỏ nhộn nhạo lúc ấy, các bài hát của Trịnh qua tiếng hát Khánh Ly như mở ra một thế giới khác của cái đẹp. Lãng đãng, phiêu hốt và âm u, tuyệt vọng đến khôn cùng! Một thời cái đẹp của tuyệt vọng là sự cấm cản! Lạ nhỉ? Tại sao? Nếu cuộc sống chỉ toàn khỏe mạnh, bất tử làm sao biết quý báu khi chứng kiến sự tan rã, hấp hối?

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cùng danh ca Khánh Ly giao lưu với khán giả trong một đêm nhạc sau khi bà hát những tình khúc nổi tiếng của ông

Trịnh Công Sơn đã viết: “Sông vẫn chảy đời sông. Suối vẫn trôi đời suối. Đời người cũng dễ sống và hãy thả trôi đi những niềm đau”. Khánh Ly dường như tiếp nối: “Tôi có thể biết vì sao tôi khóc nhưng lại không thể hiểu được vì sao tôi cười. Không có gì để cười mà lại phải cười thì thật không có gì mỉa mai hơn…”. “Giỡn chơi với cái chết cũng là một điều thú vị”. "Tôi cũng từng lãnh những cú tát trái, tát phải, những cú đấm nghìn cân, những nắm bùn vứt vào mặt tôi ở đằng sau những nụ cười…”. “Tôi cứ khóc mãi những giọt nước cay đắng mà không ai hay. Tôi cứ cười mãi, những nụ cười vô nghĩa mà không ai ngờ…” (Chưa chắc đã buồn).

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nhạc Trịnh “phù thủy” ở ca từ, còn melody rất thường, tôi nghĩ điều đó chưa hẳn đúng. Bởi lẽ cái “rất thường” của Trịnh lại sắc ngọt vào tâm hồn và văn hóa Việt. Có thể đánh thức trong tiềm thức lạ một giác quan quen. Nhưng với nhạc Trịnh Công Sơn, chỉ có Khánh Ly hát mới dựng lên, mở ra những mông mênh thánh địa, những phiêu hốt bờ bến ấy!

Danh ca Khánh Ly và cuốn Tự truyện của mình

Qua giới thiệu của nhà báo Lê Công Sơn, chúng tôi đã có được một cuộc hẹn với nữ danh ca nhân dịp bà về ra mắt tác phẩm. Thật chất, nói đó là cuộc gặp với một thần tượng cũng không có gì quá đáng. Bởi bao người từng hát nhạc Trịnh. Nhưng hình như chỉ Khánh Ly là độc bản duy nhất của Trịnh. Những phiên bản khác về sau này như Hồng Nhung, Thanh Lam… đều có vẻ ồn ào rồi nhạt nhòa. Cho dù cố tình thể hiện Trịnh ở nhiều tầng nấc khác! Nói cách khác, Trịnh Công Sơn - Khánh Ly như hình với bóng! Điều này, bà đã khẳng định trong tập sách. Những cái bóng khác đều ảo! Cho dù bóng có thơm tho, sực nức mùi son phấn, diêm dúa. Mà hình như bản chất của bóng là một màu nhung tuyền, không cần son phấn!

Mặc dù rất bận rộn nhưng bà vẫn dành ít thời gian quý báu cho chúng tôi. Vừa nói chuyện, bà vừa tranh thủ trang điểm để thu lại một số ca khúc mới. Hình như lúc nào bà cũng làm việc. Mặc dù những thị phi về bà cũng còn quanh quẩn chưa kịp lắng xuống! Đó là sự ra đi bất ngờ của nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan, chồng bà, sau chuyến cùng vợ lần đầu tiên trở về nước biểu diễn. 40 năm tiếng hát của Khánh Ly trở lại với quê hương. Để rồi xung quanh bủa vây những câu chuyện “cơm không lành canh không ngọt” về bản quyền. Chuyện này lôi thôi đến mức đã biến Phó Đức Phương, nhạc sĩ “Chảy đi sông ơi” thoáng chốc bỗng trở thành một anh đòi nợ “huyền thoại Hồ Núi Cốc”. Và tiếng hát Khánh Ly vẫn cất lên. Khi gặp chúng tôi, trong câu chuyện cởi mở bà gần như không quan tâm gì đến chuyện đó. Với bà, lúc này làm sao giữ được sự bình yên tâm hồn để hát. Như bà viết “Hình như cái gì vào lúc sắp hết cũng mạnh mẽ thêm…”.

Trong Tự truyện của mình, danh ca Khánh Ly dành nhiều trang viết về những kỷ niệm với Trịnh Công Sơn

Đọc “Đằng sau những nụ cười” để biết Khánh Ly có lúc gớm ghê như thế nào! Bà nói văn của mình chỉ là chuyện “đàn bà con gái” nhưng không phải vậy! Sòng phẳng ngay từ đầu là không có ý làm văn chương. Cách viết của Khánh Ly tạm gọi là những ghi xuống, đổ xuống vì đã từng chất ngất những bẽ bàng, ê chề, đã từng cay đắng, đã từng muốn chết. Và tất cả sự đọa đày rất người, rất “tại tôi mọi đàng” ấy đã thành nỗi ám ảnh. Tất cả những dữ kiện từ nỗi cô đơn, đi hát, bán băng đĩa, đau ốm, thèm khát, thèm chết, thèm yêu… Những ngọn gió Đông Phong. Đằng sau những nụ cười mới thấy, mới thấm thân phận đàn bà. Và ngạc nhiên khi phát hiện ra điều ngỡ bình dị đến vô lý: Đôi khi đàn bà nổi tiếng cũng chẳng ra gì, thậm chí còn thua cả phận đàn bà bình thường! Ấy, Khánh Ly hay, mạnh mẽ, và lạ lùng đến thế!

Danh ca Khánh Ly và người viết bài

Tôi thích cách viết xuyên suốt tạm gọi 55 Đoản khúc thành một Tự truyện của Khánh Ly. Tạm gọi đó là “Viết – Ảnh”. Tại sao? Bởi chữ nghĩa của bà đầy hình ảnh. Hay tất cả dữ liệu “quay tạm” gửi vào buồng tối tâm hồn trước tiên là những cảnh động, những sinh hoạt đời thường sau đó qua kết tinh mặt ngọc năm tháng mà cô thành những đoạn phim đời. Và chữ như cách thế khác của hình ảnh gọi từng câu, từng từ mà sống dậy! Nói chung, hồn vía của chữ như những nét khắc tạc ám mạnh vào tâm trí. Cái khác của Khánh Ly viết văn là bà không mượn chữ nghĩa để tôn vẽ mình như mọi người đã từng và chính bà đã từng… Cách trả lời khi đốn ngộ những câu hỏi. Ví dụ như chi tiết viết về Trầm Tử Thiêng, Khánh Ly dùng chữ “cùng ngồi xuống”. Cùng ngồi ám chỉ một sự chia sẻ về thân phận và văn hóa. Khánh Ly kể chuyện thong thả. Lạnh như có tình. Và bất ngờ. Ngay như chuyện ăn uống của Trịnh Công Sơn. Tự truyện của bà hiện lên Trịnh ăn rất ít. Uống nhiều. Gắp vài hạt cơm hay cọng rau. Đặt đũa xuống và nâng ly lên uống. Rồi nói chuyện. Ông ăn một bữa chỉ khoảng lưng chén cơm. Và vì ngồi với ông nên Khánh Ly phải giữ ý. Bà phải chế bớt rượu từ ly ông qua ly bà, cho thêm soda vào cho loãng nồng độ để Trịnh bớt say. Và sau đó là gì? Buổi tối bà đói bụng quá phải mò xuống bếp lục cơm ăn. Và gì nữa? Bà gặp luôn cả vợ chồng Thuyết em gái Trịnh cũng đã mò mẫm trong bóng tối lục cơm ăn. Tất cả cùng cười! Chi tiết này làm tôi nhớ đến truyện ngắn Con Đầm Pích của Puskin có mô tả về vẻ đẹp của các tiều thư. Ông tinh ý kể rằng, để có vẻ đẹp quý phái đoan trang, nhã nhặn và e lệ của các tiều thư bên bàn ăn thì các bà mẹ nàng ngay từ chiều đã ép các nàng ngồi vào mâm nhét đầy thức ăn vào bao tử! Hèn nào, bên mâm ăn thấy các nàng thư thả, điệu đàng quý phái sang trọng đến như thế! Ca sĩ hay người thường đói bụng thì cũng phải mò tìm cơm nguội như vậy!

Khánh Ly trong một chương trình hát nhạc Trịnh Công Sơn

Gấp lại “Đằng sau những nụ cười” sau khi biết thêm nhiều chuyện về Trịnh Công Sơn, Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng, Lam Phương, Vũ Thành An, Anh Bằng… Những vui buồn thế giới văn nghệ sĩ, sau ánh đèn màu, một mình đối diện nỗi cô đơn… Nghe lại tiếng hát Khánh Ly, tôi như thấy có ướp độ sang trọng và long lanh của những giọt nước mắt. Nước mắt đáng tin như tâm hồn người nghệ sĩ? “Có những điều rất nhỏ nhoi trong đời sống song đôi lúc, cái nhỏ nhoi đó làm ta đau đớn khôn cùng” (Khánh Ly). Và “sống trong đời sống cần có một tấm lòng! Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi” (Trịnh Công Sơn).