Duyên Dáng Việt Nam

Khi U23 Việt Nam khắc chế Thái Lan

DDVN • 27-02-2022 • Lượt xem: 327
Khi U23 Việt Nam khắc chế Thái Lan

Trước U23 Thái Lan kiên định với lối chơi nhỏ, ngắn, U23 Việt Nam đã có chiến thắng thuyết phục trong trận chung kết bằng phong cách bóng đá phần nào khắc chế đối thủ.

Không bất ngờ khi U23 Thái Lan là đội có sự bắt nhịp tốt hơn ở quãng thời gian đầu của trận đấu. Duy trì sơ đồ chiến thuật 4-2-3-1, đội bóng của HLV Salvador Garcia tỏ ra trung thành với những phương án chiến thuật đã được xây dựng xuyên suốt giải đấu này. Đó là triết lý bóng đá muốn kiểm soát thế trận, tạo sự áp đặt, triển khai bóng chủ yếu qua khu vực trung tuyến.

Thái Lan kiên định với lối chơi

Sở hữu những cá nhân có bộ kỹ năng xử lý bóng trong phạm vi hẹp tốt và khả năng kết nối cùng nhau như tiền vệ số 7 Kakana hay tiền vệ phải số 12 Thanawat, U23 Thái Lan tạo sự áp đảo trên phần sân đối phương, đặc biệt ở khu vực trung lộ. Bộ ba tiền vệ tấn công chơi gần nhau, nhường lại khoảng trống ở hai cánh cho hai hậu vệ biên dâng cao. Họ tạo thành một tổ hợp di chuyển điển hình của sơ đồ 4-2-3-1.


U23 Thái Lan triển khai sơ đồ 4-2-3-1 trên phần sân đối phương.

Nhưng cơ hội nguy hiểm của đội bóng được dẫn dắt bởi ông Garcia cũng đến trực tiếp trong trạng thái kiểm soát bóng của họ. Các tiền vệ tấn công nhận bóng ở phạm vi hẹp, xoay bóng hướng lên với tốc độ xử lý nhanh và hướng bóng đến vị trí của trung phong phía trước.


Phương án tấn công ở khu vực trung lộ của U23 Thái Lan.

Với U23 Thái Lan, phạm vi chơi bóng và phối hợp của họ tương đối nhỏ. Họ thể hiện rõ ý đồ cố gắng tạo ra sự áp đảo quân số để giúp các cầu thủ nhận bóng có đủ không gian và thời gian hướng lên phía trước. Họ kiên định với triết lý của mình và kiên trì với bóng để tìm ra khoảng trống tấn công.

Chính phong cách chơi này đã khiến U23 Việt Nam có một trận đấu vất vả ở vòng bảng và khoảng 20 phút đầu tiên phải bắt nhịp trong trận chung kết.

Đưa đối thủ vào điểm yếu

Nếu U23 Thái Lan muốn kiểm soát bóng ở tốc độ chậm, trung bình, kiên trì với bóng và hướng đến việc đưa các cầu thủ tấn công chơi gần nhau nhằm tạo lợi thế quân số thì phải nói U23 Việt Nam cùng HLV Đinh Thế Nam đã đưa đối thủ vào điểm yếu.

U23 Thái Lan muốn nhịp độ trận đấu thấp thì U23 Việt Nam liên tục đẩy cao tốc độ triển khai bóng bằng các đường chuyền ở cự ly dài và trung bình hoặc khai thác chiều sâu, hoặc kéo giãn chiều ngang.

U23 Thái Lan muốn cự ly đội hình của họ gần nhau thì U23 Việt Nam mở rộng cấu trúc ra khắp mặt sân. Khác với lựa chọn sơ đồ 4-4-2 tại vòng bảng, HLV Đinh Thế Nam áp dụng sơ đồ 4-3-3 nhằm trực tiếp thực hiện ý đồ chiến thuật của mình.

Một khi có thời cơ, các trung vệ hoặc tiền vệ trụ của U23 Việt Nam luôn hướng đến hai khu vực hành lang. Tại đó, Huỳnh Tiến Đạt ở biên phải hoặc Trần Bảo Toàn hay Nguyễn Trung Thành ở biên trái đều được yêu cầu mở rộng ra ngoài cự ly đội hình của đối phương, sẵn sàng nhận các đường chuyền dài và trung bình.

Ý đồ chơi bóng của HLV Đinh Thế Nam còn được thể hiện rõ ở ý thức của các cầu thủ hỗ trợ trong các pha bóng sau đó. Một khi tiền đạo cánh nhận bóng, luôn có một cầu thủ từ tuyến dưới di chuyển tốc độ hướng vào khoảng trống sau lưng hàng hậu vệ đối phương nhằm tấn công chiều sâu. Sự liên tục và cường độ chơi bóng là thứ luôn được duy trì.


U23 Việt Nam luôn hướng đến 2 tiền đạo cánh nếu có cơ hội.

Phản xạ di chuyển hỗ trợ của hậu vệ phải Thanh Nhân.

Mở rộng tối đa cự ly đội hình bằng các đường chuyền chuyển hướng.

Ý đồ thực hiện các đường chuyền dài luôn là chủ động và có mục tiêu rõ ràng. Chúng ra sử dụng nhiều đường chuyền dài như vậy nhưng không đánh mất thế trận bởi luôn có một điểm nhận cụ thể cho từng đường chuyền. U23 Việt Nam vẫn duy trì được quyền kiểm soát bóng, khai thác được lối chơi sở trường của các cầu thủ trong khi bắt U23 Thái Lan phải di chuyển nhiều hơn và mở rộng cư ly đội hình phòng ngự hơn.

Tình huống phạt góc dẫn đến pha lập công của Bảo Toàn cũng đến từ một tình huống triển khai bóng nhịp nhàng của U23 Việt Nam trên nền tảng sơ đồ 4-3-3. Hai nhóm phối hợp 3 người ở từng hành lang được thiết lập rõ ràng với hai cầu nối giữa hai nhóm phối hợp là tiền vệ trụ Đinh Quý và tiền đạo Võ Nguyên Hoàng.

Đó là pha bóng mà tiền đạo thuộc biên chế Phố Hiến giật lại và đưa trái bóng xuống theo chiều sâu cho pha di chuyển chéo sân cực kỳ năng lượng của đội trưởng Quang Nho, người thực hiện pha dứt điểm.


Tình huống phối hợp bài bản của U23 Việt Nam.

Như đã nói, không chỉ đưa đối thủ vào điểm yếu, HLV Đinh Thế Nam còn có được những cầu thủ bổ sung đúng với lối chơi của mình. Võ Nguyên Hoàng là một ví dụ xác đáng cho nhận định ấy khi phong cách chơi bóng của tiền đạo sinh năm 2002 tỏ ra phù hợp với yêu cầu chiến thuật của U23 Việt Nam.

Dấu ấn Võ Nguyên Hoàng

Thái độ thi đấu, sức mạnh, tầm vóc và các tình huống tăng tốc đoạn ngắn là những thứ tiêu biểu cho màn trình diễn ấn tượng của Nguyên Hoàng trong trận chung kết.

Không mất nhiều thời gian để tiền đạo gốc Đồng Tháp đưa lối chơi cá nhân của mình bắt nhịp với định hướng chiến thuật của tập thể. Những tình huống di chuyển khai thác chiều sâu sở trường của Nguyên Hoàng nhanh chóng được phát huy trong ý đồ chuyền bóng của các đồng đội.

Sức mạnh cơ đùi sau được phát huy một cách mạnh mẽ trong từng bước sải của Nguyên Hoàng trong các pha đối đầu 1-1. Đây là yếu tố mà tiền đạo này tỏ ra vượt trội hơn so với hai tiền đạo Văn Tùng và Quốc Việt, những người đã đá chính ở các trận trước đó.


Nguyên Hoàng chủ động lướt lên trước đối phương.

Tốc độ đoạn ngắn ấn tượng giúp Nguyên Hoàng có lợi thế với bóng.

Tư thế đặt trụ và động tác tay có “nghề” của Nguyên Hoàng.

Sự khát khao thể hiện và tinh thần chiến đấu được cầu thủ mới 20 tuổi thể hiện bằng một nguồn năng lượng dồi dào. Liên tục tấn công trái bóng, liên tục xâm nhập và liên tục tìm cho mình thời cơ dứt điểm.


Nguyên Hoàng liên tục di chuyển để tìm cơ hội kết thúc tình huống.

Giật lại, cài đè chắc chắn trong lúc tạo tư thế dứt điểm.

Một trong những pha dứt điểm sở trường của Nguyên Hoàng.

Hình ảnh đầy năng lượng từ Võ Nguyên Hoàng cũng là hình ảnh đầy tích cực mà U23 Việt Nam đã thể hiện tại giải đấu lần này dưới sự chỉ đạo của HLV Đinh Thế Nam. Nhiều người trong số những cầu thủ này sẽ không được tới SEA Games. Nhưng giá trị cọ xát, sự tự tin về mặt tinh thần là điều rất quý giá với các cầu thủ trẻ, những người không có nhiều cơ hội thi đấu quốc tế.

Trao cơ hội cho lứa U21 tại U23 Đông Nam Á cuối cùng là quyết định đúng đắn từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi chúng ta phần nào có thể nhận ra thêm những tiềm năng từ Dụng Quang Nho, từ Nguyễn Văn Tùng, Trần Bảo Toàn, Võ Nguyên Hoàng hay những cầu thủ ấn tượng khác tại giải đấu lần này.

Đó cũng là bài học giá trị cho việc đưa các cầu thủ trẻ ra ánh sáng.

Theo Thành Vũ/Zing.vn