VĂN HÓA

Khoảnh khắc không quên: Đón Ngoại về nhà

Lê Sa Long • 29-08-2021 • Lượt xem: 498
Khoảnh khắc không quên: Đón Ngoại về nhà

Họa sĩ Lê Sa Long đã gắn bó với DDVN trong nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật. Ngoài bài viết, đáng kể nhất có lẽ là triển lãm Thực tế ảo 'Lời thiên thu gọi' lần đầu tiên mà DDVN đã phối hợp với anh trong bộ tranh 33 bức vẽ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cách đây tròn một năm 2019...

Tin và bài liên quan: 

Nhớ nhà văn, dịch giả Kim Lefèvre: Khi ngôn từ hay thời gian đã tắt 

'Gió từ bàn tay mở' hay Người đi về phía thâm trầm và thơ mộng

Triển lãm thực tế ảo: 'Lời thiên thu gọi' thu hút người xem dẫu không cần gặp nhau

VIDEO: Triển lãm ‘Người nổi tiếng với khẩu trang’ của Lê Sa Long

Nhà sưu tập Phương Chánh Hùng, người yêu tiếng hát lênh đênh

Nhân tháng lễ Vu Lan nhớ về công đức sinh thành trời biển của bậc sinh thành, xin giới thiệu bài viết về một bức tranh của họa sĩ Lê Sa Long rất đặc biệt trong những tháng ngày cách ly toàn xã hội vì virus covid - 19 biến thể.

Bài viết của chính anh mở ra một phía khác của tình thương và tình người ở phía sau màu sắc mà nếu không kể ra người xem rất khó cảm nhận được. (Nguyễn Hữu Hồng Minh giới thiệu)

ĐÓN NGOẠI VỀ NHÀ…

Tôi quen với chi Hạnh đã gần 30 năm, khi tôi là một sinh viên năm 2 Đại học Mỹ thuật và chị là Hiệu phó một trường Mẫu giáo nổi tiếng Thành phố! Tình cờ nhìn thấy một bức tranh màu nước ở nhà bạn, chị thich net vẽ và muốn đặt tôi vẽ trang trí tất cả các lớp học của các bé. Sau, hạp tính chị em chơi thân với nhau, thường cà phê cà pháo hay Karaoke kể cả khi chị về hưu cách nay khoảng 8, 9 năm.

Ba chị là giáo viên mất sớm do ung thư, chị sống với má- một bà cụ miền Tây hóm hỉnh, xởi lởi, nấu ăn ngon. Lần nào đến nhà, tôi phải ở lại dùng cơm và cùng má chị nói đủ thứ chuyện, nhất là về Đạo Phật và những…  món chay - như món canh Kiểm bất hủ chẳng hạn.

 Sau này, do em gái chị (có một đời chồng đã chia tay) sang bến mới, chị đón hai cháu một gái một trai về cho ăn học đàng hoàng, Dì mà cứ như mẹ ruột vậy!

Trời phú cho chị có chất giọng nữ Soprano, cao và âm vực rộng, đặc biệt khi hát bài Bông hồng cài áo (NS Phạm Thế Mỹ) thì da diết và truyền cảm vô cùng. Vì thế mỗi lần Karaoke là chúng tôi đều “dành chị” thể hiện bài hát này, Nghĩ về chị tôi hay nhớ:

Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào

Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau

Là tiếng dế đêm thâu

Là nắng ấm nương dâu

Là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời.

Tôi hay hỏi chị có duyên và nhiều người trong ngành Giáo dục theo đuổi chị, sao chị chẳng đoái hoài, chị bảo “Số chị nó vậy”! Nhưng sau này một lần tình cờ trò chuyện cùng má chị tôi biết thuở còn là SV Văn Khoa chị có quen một người con trai cùng lớp đẹp trai hát hay; hai người dự định ra trường thì cưới…  Nhưng trời nào chiều lòng người, năm 1975 đã bứng anh ra khỏi cuộc đời chị, trong một chuyến vượt biên tàu anh đã bị chìm. Từ đấy chị chôn chặt trái tim mình và xem việc phụng dưỡng Cha mẹ là nguồn sống. Chị thường chia sẻ với tôi “L biết không Cha mẹ là người có thể thay thế tất cả người khác, nhưng không người nào có thể thay thế đươc cha mẹ”. Trải qua biết bao năm tháng, đến tận khi thêm trưởng thành, tôi mới thấu hiểu hết ý nghĩa của câu nói này.

Cứ như vậy, mấy bà cháu chị đùm bọc nhau sống vui vẻ theo ngày tháng, nào ngờ Covid-19 ập đến!

Cuối tháng 7 này, mẹ chị T bị đột quỵ chưa kể mang trong người bệnh người già, bà được chuyển vào ở Bệnh viện. Nơi đây khám sàng lọc phát hiện hai mẹ con đều dương tính. May mắn, xét nghiệm 2 thành viên còn lại trong gia đình thì cháu gái đầu 18 tuổi vừa thi Tốt nghiệp với điểm cao 28,5 (dự tình đủ điểm để vào trường Y như hoài bão) bé trai sau 12 tuổi đều âm tính.

Bà ngoại vào bệnh viện và Dì vào khu cách ly nên việc nhà, lo cho em đều một tay bé gái Hoàng Hoa chăm. Ngày nào cháu cũng đều thắp nhang cầu nguyện Phật tổ và Phật Quan Âm cho hai người yêu quý mau qua bạo bệnh . Được mươi hôm thì Ngoại qua đời vì Covid. Cơ quan y tế vội làm xét nghiệm RT-PCR với hai chị em Hoàng Hoa, đều cho âm tính!

Thi hài Ngoại được chuyển từ bệnh viện đến thẳng trung tâm mai táng và hỏa táng, không có một người thân tham dự hay tổ chức tang lễ. Sau khi hỏa táng, tro cốt được lưu và các anh Thành đội báo tin sẽ phối hợp với, chính quyền địa phương đưa tro cốt đến tận nhà để gia đình thờ tự. Bà con lối xóm và các anh Ủy ban thật tốt, đều chăm lo hai cháu dùm chị!


Loạt tranh sáng tác đề tài giãn cách xã hội vì biến chủng covid - 19 lần thứ Tư năm 2021 của họa sĩ Lê Sa Long.

Năm ngày sau, khoảng 11h trưa, Đoàn đưa tro cốt bà đến đầu hẻm. Nghe điện thoại, Hoàng Hoa vội ra hướng dẫn đường vào nhà nhưng xúc động cô không ngừng rơi nước mắt, chú chó nhỏ ngơ ngác không hiểu vì sao khi Ngoại vắng quá lâu… 

Từ nơi cách ly chị theo dõi và hướng dẫn cháu làm đúng nghi lễ… Cô bé đã lấy lại bình tĩnh đưa Đoàn vào nhà, ký biên bản đón nhận tro cốt và đưa lên trang trọng lên bàn thờ. Chị nói, qua cơn xốc vì mất Ngoại  yêu quý, Hoàng Hoa lại cứng cáp hơn. Bé nói: “Con ráng học trở thành bác sĩ giỏi như tâm nguyện của Ngoại, để chữa lành hết vết thương cho bà con mình!”. Riêng chị thì cố nén nỗi đau và khuyên: “Ngoại đã về cõi Phật, con phải sống thật tốt, ý nghĩa để Ngoại ra đi cảm thấy tâm hồn được an nhiên, thanh thản!”.

Mai này mẹ hiền có mất đi

Như đóa hoa không mặt trời

Như trẻ thơ không nụ cười

Như đời mình không lớn khôn thêm

Như bầu trời thiếu ánh sao đêm.

Riêng phần tôi mắt cứ cay cay nghe hết câu chuyện buồn và chỉ biết tỏ lời chia sẻ nỗi đau. Không biết sau này khi bình yên trở lại, chị có còn hát cho chúng tôi nghe bài hát Bông hồng cài áo nữa chăng; chẳng biết nữa! Nhưng có một điều chắc chắn là từ nay mỗi mùa Vu Lan về, trên ngực chị sẽ là hoa hồng trắng tinh khiết thay cho màu hoa hồng đỏ thắm như ngày nào!

Vì từ nay về sau, chị đã không còn người Mẹ yêu quý bên cạnh mình!...

Mùa Vu Lan buồn. Năm đại dịch virus Vũ Hán thứ hai

(đầu thiên niên kỷ thứ III), 2021.

Họa sĩ Lê Sa Long