VĂN HÓA

Kiến trúc đặc sắc ở Đền tưởng niệm các Vua Hùng – TP. Hồ Chí Minh

Bài và ảnh: Hà Thành • 24-04-2023 • Lượt xem: 1913
Kiến trúc đặc sắc ở Đền tưởng niệm các Vua Hùng – TP. Hồ Chí Minh

Là một công trình đền tưởng niệm – đền thờ nhưng mang dấu ấn kiến trúc đương đại, với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại kết hợp với những nét kiến trúc dân gian truyền thống, chắt lọc tính dân tộc. Có thể nói đây là một công trình có kiến trúc đặc sắc, góp phần tạo nên diện mạo mới của Thành phố Hồ Chí Minh trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Đó là công trình “Đền tưởng các niệm Vua Hùng”. Đồ án công trình đã đoạt giải cuộc thi thiết kế năm 2000, hoàn thành xây dựng năm 2009; toạ lạc tại Công viên Lịch sử văn hoá dân tộc, thuộc phường Long Bình, quận 9, TP Hồ Chí Minh. Tác giả của đồ án là kiến trúc sư Nguyễn Trường Lưu (Hội Kiến trúc sư TP Hồ Chí Minh).

Đây là một quần thể công trình đặc sắc, có giá trị cao về cảnh quan, kiến trúc và ý nghĩa xã hội. Quần thể công trình gồm 4 phần chính là: Quảng trường, Đường tre, Đền thờ và Sân vọng. Các hạng mục kết nối hợp lý và khéo léo như đưa người tham quan vào một hành trình hành hương hướng về cội nguồn. Ý tưởng độc đáo của đồ án là sử dụng những thành phần công năng kiến trúc khác nhau để hợp thành quần thể không gian tưởng niệm với ngôn ngữ kiến trúc hiện đại. Trong đó, kiến trúc chính của quần thể là đền thờ được đặt trên đỉnh đồi cao 20m.

Năm 2012, tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam là Di sản phi vật thể của nhân loại. Cũng trong năm 2012, Hội đồng giải thưởng Văn học - nghệ thuật TP Hồ Chí Minh đã trao giải thưởng đặc biệt cho công trình “Đền tưởng niệm các Vua Hùng”. Trước đó, công trình cũng nhận giải nhì Giải thưởng Kiến trúc Quốc gia năm 2010. Đó là sự ghi nhận xứng đáng cho một vật thể kiến trúc giữ vai trò tôn vinh di sản văn hoá phi vật thể của Việt Nam và thế giới.

“Đền tưởng niệm các vua Hùng” là điểm đến, là không gian tưởng niệm, là nơi tưởng nhớ của những người con phương Nam luôn vọng về quê cha đất tổ.

Lối vào công trình bắt đầu từ quảng trường chính ở dưới chân đồi Viễn. Quảng trường có hình vuông, giữa có hình mặt trời mô phỏng mặt trống đồng Đông Sơn. Hai bên mỗi bên có 9 hàng cột đá cao 6m tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng.

Nghi môn dẫn lối lên đền trên đồi, có kiến trúc mang dấu ấn hiện đại kết hợp truyền thống.

Lối lên đền trên đỉnh đồi là “Đường tre” với bóng tre rợp hai bên. Không gian “Đường tre” gợi nhắc hình ảnh của làng quê Việt.

Trang trí trên bức tường ở “Đường tre” mô phỏng mặt trời trên trống đồng.

Đường tre - với lối đi chính ở giữa, và hai bên mỗi bên trồng hai hàng tre tạo thành lối đi nhỏ.

Đi khoảng 1/3 quãng đường trên “Đường tre” là tới nhà bia tưởng niệm. Nhà bia có kiến trúc kiểu phương đình 4 mái, mở thoáng các phía không có tường ngăn, trong đặt bia đá khắc nội dung ca ngợi công đức của tổ tiên và niềm tự hào lịch sử, truyền thống đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

Không gian thay đổi theo địa hình của đồi Viễn ở cả mặt bằng và cao độ tạo nên nhiều góc nhìn thú vị.

Kết thúc “Đường tre” là công trình chính, toạ lạc trên đỉnh đồi.

Công trình có mặt bằng hình vuông, xoay góc 45 độ so với trục chính.

Phía trước có một khối sảnh nhô ra với hai cầu thang đi lên ở hai phía.

Ngôn ngữ kiến trúc hiện đại, đường nét, mảng khối  kiến trúc mạnh mẽ. Công trình mang âm hưởng đương đại.

Vật liệu chính  che phủ bề mặt là đá, được kết hợp trang trí với các hoạ tiết dân tộc.

Tầng trệt được bỏ trống, là không gian hội trong nhà, kế liền với sân hội ngoài trời. Mỗi hàng hiên có 15 cột biểu thị cho 15 bộ lạc tạo lập nước Văn Lang.

Tầng lầu 1 là không gian chính của đền thờ. Từ cửa đền vào là một Bàn nghi.

Hai bên hành lang trưng bày 33 bia đá chủ quyền quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Tường hành lang là những bức tranh gốm thể hiện cuộc sống, xã hội thời kỳ Văn Lang.

Từ hành lang có các lối vào sân trong. Không gian này được gọi là “Âm bản trống đồng”, là phần “âm” tròn của khối vuông, tượng trưng cho Trời và Đất.

Giữa sân không gian “Âm bản trống đồng” là kiến trúc mô phỏng một ngôi đình với hai tầng mái vút cong

Ở giữa kiến trúc đình đặt phiên bản trống đồng Hoàng Hạ (Hoà Bình), có niên đại 2000-2500 năm.

Hành lang phía trong, đối diện lối vào là nơi đặt các ban thờ. Chính giữa là ban thờ Quốc tổ Hùng Vương, phối thờ với Tổ phụ Lạc Long Quân, Tổ mẫu Âu Cơ, Đất và Nước.

Hai bên là 8 gian thờ khác,thờ: Lạc Hầu, Lạc Tướng, Lạc Dân, Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, An Dương Vương,Trưng Nữ Vương.

Những ô cửa phía sau các gian thờ có hoạ tiết trống đồng.

Tầng trên cùng của công trình là một vườn mái, gọi là “Sân Vọng”. Nơi đây có 54 cột đá tượng trưng cho 54 dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam.

“Âm bản trống đồng” nhìn từ sân Vọng.

 

Quang cảnh đồi Viễn nhìn từ “Sân Vọng”, cao hơn mặt đất đỉnh đồi 11m. Không gian nơi này gợi sự hoành tráng, trời đất giao hoà, tạo nên bức tranh thiên nhiên hùng vĩ với tầm nhìn xa xôi hướng về quê cha đất tổ.