Kết nối bạn đọc

Kỳ 73: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

DDVN • 27-04-2019 • Lượt xem: 10777
Kỳ 73: Một thời nhạc trẻ - Trường Kỳ

Sau 3, 4 tháng liên tiếp ghé hết tiệm này, tiệm nọ tôi cảm thấy thèm những bữa cơm gia đình trước kia, khi chưa hứng chí đi “làm ăn”. Những tô canh rau mồng tơi hay rau đay riêu cua sao mà ngọt lịm. Tôi không sao quên được hình ảnh bà tôi lụ khụ cầm chiếc chầy giã cua trong cái nón sắt để sau đó vắt lấy nước làm riêu. Chan đầy canh vào chén cơm, chêm thêm một quả cà pháo là bảo đảm sướng đến chết người. Những cuốn chả giò của bà nội tôi làm cũng như món thịt bò xào khoai tây thơm lừng tôi chưa từng thấy ai làm ngon như vậy. Những miếng thịt kho tầu ướt át, đậm đà hay những con tôm rim của những bữa cơm gia đình trước đó đã khiến tôi thèm thuồng đến chảy nước miếng!

Sau khi chán chê mê mỏi với cảnh cơm hàng cháo chợ, tôi lâm vào cảnh khủng hoảng đớp hít một cách trầm trọng. Không còn biết ăn gì mỗi khi đến giờ cơm, nhất là vào buổi trưa. Hướng cũng như tôi cũng đã ngán phở của tiệm nhà lên tới óc nên thường theo tôi đi đây đi đó khám phá những món ăn mới khoái khẩu hơn. Nhưng riết rồi cũng ớn nên chỉ còn thèm ăn những bữa cơm có tính cách gia đình với những món thường ngày như ở nhà. Hai thằng đang đến hồi bí thì được mật báo là có một quán ăn rất xập xệ và bình dân ở ngay trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Huệ phồn hoa đô hội.

 

Từ “Chez Jo Marcel” băng qua đường, đi về phía bến Bạch Đằng chừng vài chục thước là tới. Vào một buổi trưa, tôi rủ Hướng đi tìm địa điểm bí mật này vì ở trên Nguyễn Huệ hơn cả nửa năm mà chưa biết tới thì không đáng gọi là dân chơi thứ thiệt. Hai đứa lơ láo đi vào trong cái ngõ hẹp nhỏ xíu, với những căn nhà lâu đời cũ kỹ, hai bên giăng đầy quần áo, trẻ con chạy qua chạy lại chơi đùa rầm rầm. Để ý mãi cũng không thấy một căn nhà nào có vẻ một quán ăn. Cuối cùng hỏi thăm mới được biết là quán ăn này không có bảng hiệu, nằm ở cuối hẻm và phải bước lên mười mấy bậc thềm “xi măng” mới tới được nơi bí hiểm này.Hai thằng nhìn nhau ngần ngừ, không biết có nên tới luôn hay không. Đói thì đói thật, một mặt cũng muốn khám phá những điều mới lạ, nhưng thấy cảnh tượng như vậy cũng hơi chùn bước. Chưa biết tính sao thì thấy có người lên, người xuống tấp nập nên chúng tôi quyết định leo lên lầu cho biết. Sau khi leo lên hết mười mấy bậc thang là đến ngay cửa quán nằm ở phía tay trái. Trong quán đã thấy chật ních người ngồi ở mấy chiếc bàn nhỏ xập xệ. Trên tấm phản kê sát phía trong cũng đã có người ngồi xếp chân chữ ngũ ăn uống ngon lành như ở nhà. Bên trong cửa ra vào, phía tay trái là chiếc bàn để thức ăn, phía sau có hai cô con gái và một bà khoảng hơn 40 tuổi đang múc thức ăn lia chia. Nào đậu hũ nhồi thịt, cá chiên, thịt kho, dưa chua, trứng đúc, cà bung,... và nồi canh đang sôi sùng sục. Khách khứa ở đây gần như đều thuộc thành phần lao động, đã tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy hai ông mãnh tóc tai dài thoòng, ăn mặc bảnh bao đứng ngấp nghé trước cửa, có vẻ rất lạc loài.

 

Bà Cả Đọi khi còn sống

 

Mấy cô con gái nhanh nhẩu thu xếp chỗ ngồi cho chúng tôi, sau đó tiếp tục trở lại bàn thức ăn phục vụ khách hàng. Tôi vẫn chưa thoát ra khỏi sự ngỡ ngàng khi được biết có một quán ăn lạ đời như vậy ở ngay giữa trung tâm thành phố. Nhưng sau đó làm ra vẻ tự nhiên đến bàn đế thức ăn thăm dò và chọn lựa. Một tô canh mồng tơi, một đĩa cà pháo, một đĩa ốc giả ba ba, một đĩa thịt kho và một đĩa trứng đúc thịt sau đó đã được bưng tới bàn chúng tôi trước những cặp mắt tò mò của những người chung quanh. Cơm nóng, canh nghi ngút khói và những đĩa thức ăn thơm điếc mũi đã khiến chúng tôi hết cả e dè làm nguyên một mạch hết sạch sành sanh mọi thứ, căng cả bụng.

 

Thú thật, từ ngày đi làm ăn” tới lúc đó tôi chưa hề được ăn một bữa cơm nào ngon miệng như vậy. Hơn cả những hôm rủng rỉnh, trong túi có “chút cháo” để tận hưởng những của ngon vật lạ ở Ngân Đình, Tài Nam hay Mỹ Cảnh. Cảnh tượng diễn tả ở trên cùng những món ăn dân tộc đặc biệt Bắc Kỳ đó chính là sự khởi đầu cho một quán ăn lẫy lừng tên tuổi trong giới ca nhạc, văn nghệ sĩ và báo chí sau đó với tên quán ăn “Bà Cả Đọi mà tôi phải dùng nhiều trang giấy để đề cập tới ở đoạn sau. Bà tôi dám chắc một điều là quý độc giả ở Sài Gòn, dù đã ghé tới quán này hay chưa cũng đã từng nghe đến tên “Bà Cả Đọi” là một cái tên đã đi vào lịch sử đớp hít và đã từng được báo chí nhắc nhở tới nhiều trong các bài viết vào cuối thập niên 60. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì tôi đã sống với “Bà Cả Đọi” trong một thời gian dài. “Bà Cả Đọi” đã nuôi sống tôi và đã mang lại cho tôi nhiều kỷ niệm khó quên trong những ngày tháng lêu bều, ngày ở Hotel, tối vũ trường, trưa thì “cơm hàng cháo chợ”.

Sau vài ba lần đến quán “Bà Cả Đọi”, lúc đó vẫn còn là một quán không tên – tôi đã trở thành một khách hàng quen. Tôi đã biết tên các người con của bà như cô Xuân, cô Hường, cậu Thuận... và cũng như những người khác, tôi gọi bà là “Bà Cả”, trong khi mọi người trong nhà đều gọi tôi là “Cậu Kỳ” trong những lần ghé quán bà sau đó. Có lẽ vì tôi là một người khách đặc biệt, không giống những người khách thường xuyên của quán, với mái tóc dài, quần ống bó, đi “botine” và mặc áo thun đủ kiểu nên được để ý chăng. Chỉ chừng hơn một tuần sau, bà Cả cũng như gia đình khám phá ra là tôi đóng đô ở vũ trường “Chez Jo Marcel” nên đã dành cho tôi nhiều cảm tình rất văn nghệ bằng cách chọn lựa những miếng ngon nhất khi dọn bữa ăn cho tôi. Tôi nhận biết được sự ưu ái đó nên càng ngày càng có cảm tình với cái quán ăn xập xệ này.

 

Vào một buổi trưa vắng khách, tôi lân la gợi truyện bà Cả do tính tò mò của một anh làm báo, làm bổ. Bà Cả, với chiếc áo nâu và chiếc quần đen muôn đời – đã vừa nhóp nhép nhai trầu với hàm răng đen nhánh, vừa kể cho tôi nghe về lai lịch quán ăn đặc biệt này. Hai vợ chồng bà là người miền Bắc, vào Nam lập nghiệp từ lâu, trước cả cuộc di cư năm 54. Sau khi đã trải qua những việc làm cực nhọc, vợ chồng bà chắt chiu tậu được một căn nhà xiêu vẹo trong hẻm đường Nguyễn Huệ này với đa số người cư ngụ là Hoa Kiều thuộc thành phần lao động.

(còn tiếp)