VĂN HÓA

Ký ức ấu thơ - Sức mạnh vô hình giúp những người con xa xứ đứng vững nơi xứ người

Ngô Giang • 20-05-2022 • Lượt xem: 1522
Ký ức ấu thơ - Sức mạnh vô hình giúp những người con xa xứ đứng vững nơi xứ người

Vừa rồi có dịp ngồi với mấy người bạn, sau khi uống với nhau vài chai bia, chúng tôi lại nói chuyện với nhau về quê hương, về ký ức tuổi thơ. Tôi hỏi bạn chúng ta chỉ sống ở quê chưa đầy 20 năm trước khi xa quê đi học đại học, rồi lặn lội lập nghiệp ở thành phố này, tính ra thời gian ở đất khách nhiều hơn ở quê nhà, vậy mà sao quê hương nó nặng tình, nặng nghĩa vậy?

Cuối cùng, chúng tôi đi đến thống nhất với nhau rằng, sở dĩ những đứa xa quê như chúng tôi vẫn nhớ về quê hương với sự trân trọng là do ở đó chúng tôi có một tuổi thơ vui vẻ trong những trưa hè nắng chang chang hay những buổi ngầm mình trong nước lũ đuổi theo lũ chuột đồng trên những gò đất cao giữa đồng.


Chính những ký ức ấy mà làm cho nhiều người xa quê lập nghiệp vẫn nhớ về với sự da diết, khôn nguôi. Có thể, nhờ trải qua những ngày giặt lúa chạy lũ trên đồng khiến con người ta hiểu giá trị của mỗi hạt gạo làm ra, hiểu giá trị của đồng tiền… mà nhiều người hình thành nên tính cách mạnh mẽ, biết tiết kiệm và lo xa cho tương lai.

Không phải ngẫu nhiên mà từ nhiều năm trước, nhà thơ Đỗ Trung Quân có những câu thơ rất hay đó là Quê hương mỗi người chỉ một/Như là chỉ một mẹ thôi/Quê hương nếu ai không nhớ/Sẽ không lớn nổi thành người. Những câu thơ ấy như nói hộ bao nhiêu người trong hành trình xa quê lập nghiệp nhưng vẫn không thể quên miền quê nghèo khó ấy. Có thể, để bật ra những câu thơ ấy, nhà thơ cũng có nhiều đêm trăn trở nhớ về quê nhà, về những tuổi thơ trên những cánh đồng lúa xanh bát ngát. Đúng là đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp, quê nhà một gốc quá mênh mông như hai câu thư pháp được nhiều người xin trong những dịp năm mới.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, tác giả truyện ngắn Cánh Đồng Bất Tận từng ví von rằng, thành phố này như căn bếp đầy thức ăn có thể làm thoả mãn cái bụng đói của nhiều người nhưng sau khi no say người ta ra đi tìm một nơi nào đó yên tĩnh. Quê hương cũng vậy, có thể không là một nơi lý tưởng để một người tìm thấy cho mình cuộc sống no đủ nên phải xa quê nhưng từ trong sâu thẳm tâm hồn những người con xa xứ này -  họ luôn hướng về quê hương nơi có tiếng mẹ ru, có những trưa hè cùng đám bạn tắm sông hay những ngày đội nón ra đồng mò cua, bắt óc cho bữa ăn chiều. Chính những chất liệu ấy đã giúp nhiều người trở thành trưởng thành, tốt bụng và thành bại trong cuộc đời này.

Chúng tôi có một người bạn, làm công việc kinh doanh cho một tập đoàn lớn, thu nhập từ công việc này đủ để bạn nuôi sống gia đình nhưng đổi lại gia đình bạn cứ chuyển chổ ở liên tục.

Vì thế, sau những trăn trở, bạn quyết định chuyển sang một công ty khác để được ổn định chổ làm, quan trọng hơn, theo lời bạn ấy, hai đứa con anh bắt đầu ở độ tuổi đến trường, anh muốn ổn định để con có những người bạn tuổi thơ thay vì cứ vài tháng chuyển trường một lần. Quyết định này là một hành động dũng cảm vì anh ấy biết rằng, nếu một người lớn lên không có nhiều ký ức tuổi thơ thì khó hình thành nhân cách một con người.  Với anh, việc chọn một công việc khác có mức thu nhập thấp hơn nhưng đổi lại anh có thêm thời gian để trải nghiệm cùng con cái trong những buổi tối hay cuối tuần mà một quyết định đúng. 

Chắc chắn, một người cha, người mẹ dành nhiều thời gian cho cái sẽ mang đến cho những đứa trẻ ấy những ký ức đẹp, những bài học làm người để chúng trở thành người có ích cho xã hội sau này.

Không phải những tội phạm vị thành niên ít nhiều đều có một tuổi thơ “dữ dội” khi thiếu bàn tay chăm sóc của ba mẹ chúng đó hay sao? Ba mẹ là quê hương, là ký ức của nhiều người để họ học những bài học làm người, xin đừng quên.