ĐỜI SỐNG

Lời giải thích hợp lý cho 6 khái niệm về chế độ ăn uống

Nina • 17-09-2024 • Lượt xem: 423
Lời giải thích hợp lý cho 6 khái niệm về chế độ ăn uống

Khi nói đến chế độ ăn uống lành mạnh sẽ có rất nhiều loại quy tắc, xu hướng và lời khuyên về những gì tốt cho bạn và những gì không. Một số hướng dẫn có thể hợp lý, nhưng một số khác nên được xem xét kỹ lưỡng.

Nhiều chuyên gia và nhà nghiên cứu từ Mass General Brigham ở Boston đã xem xét một số khái niệm về chế độ ăn uống phổ biến đang được lưu hành và bóc tách sự thật với hư cấu. Sau đây là lời giải thích của các chuyên gia về sự hợp lý của sáu khái niệm phổ biến được biết tới.

Đúng hay Sai?

1. 'Để sống lâu hơn, phụ nữ nên áp dụng chế độ ăn Địa Trung Hải' - Đúng

Trong các nghiên cứu gần đây, chế độ ăn Địa Trung Hải đã được chứng minh là có lợi cho sức khỏe tổng quát. Mass General ủng hộ lý thuyết này và trích dẫn nghiên cứu cho thấy những phụ nữ tuân theo chế độ dinh dưỡng này trong hơn 25 năm có nguy cơ tử vong thấp hơn tới 23% cũng như giảm khả năng mắc tim mạch và ung thư. Việc bổ sung một thành phần duy nhất vào chế độ ăn uống giúp giảm 5% nguy cơ tử vong tiềm ẩn trong một số bệnh thông thường.

Chế độ ăn Địa Trung Hải kết hợp các loại thực phẩm lành mạnh như trái cây, rau, đậu, dầu ô liu, các loại hạt và cá, đồng thời tránh đường và thịt chế biến sẵn hoặc thịt đỏ. Theo Tiến sĩ Samia Mora, giám đốc Trung tâm chuyển hóa lipid tại Bệnh viện Brigham and Women's, hầu hết mọi người không nhận ra tác động của chế độ ăn đối với sức khỏe và tuổi thọ. "Những lợi ích [của chế độ ăn Địa Trung Hải] đã được chứng minh đối với nguy cơ tử vong do ung thư và tim mạch, nó còn liên quan đến nhiều cơ chế sinh học khác nhau, đặc biệt là giảm viêm và kháng insulin cũng như cải thiện quá trình trao đổi chất".

2. 'Loại bỏ thực phẩm gây kích ứng luôn là phương pháp điều trị tốt nhất cho các vấn đề về tiêu hóa' - Sai

Mặc dù người ta vẫn phải vật lộn với cơn dị ứng thực phẩm hoặc các bệnh tự miễn, nhưng các chuyên gia tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts thấy rằng khái niệm về việc loại bỏ này nhìn chung là sai, vì nhiều triệu chứng có nguyên nhân phức tạp hơn đến từ hệ tiêu hóa.

Khi bệnh nhân có phản ứng xấu với một số loại thực phẩm nhất định, thì không phải bản thân thực phẩm đó gây ra vấn đề, mà chung quy là phản ứng của hệ tiêu hóa đối với việc ăn uống (theo Tiến sĩ Kyle Staller, giám đốc Phòng thí nghiệm vận động tiêu hóa tại Bệnh viện đa khoa Massachusetts.) "Mặc dù một số người thực sự bị dị ứng với một số loại thực phẩm nhất định (ví dụ, dị ứng với gluten trong bệnh celiac) hoặc không có khả năng tiêu hóa một số loại thực phẩm nhất định (như sữa trong chứng không dung nạp lactose), nhiều triệu chứng được cho là do thực phẩm, nhưng thực sự là do phản ứng của cơ thể bạn khi ăn chúng", ông nói. 

Theo Staller, việc ăn uống sẽ bắt đầu một "chuỗi kích hoạt thần kinh trong ruột" bất kể loại thực phẩm nào được ăn. Những người có thần kinh ruột nhạy cảm có thể bị khó chịu ở đường tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng và cảm giác no bất thường. Staller cho biết "Đây là những gì chúng tôi gọi là 'rối loạn tương tác giữa ruột và não' - cảm thấy những cảm giác bất thường ngay cả khi quá trình tiêu hóa dường như đang hoạt động bình thường. Hội chứng ruột kích thích (IBS) là ví dụ điển hình nhất". Theo Staller, cách tốt nhất để làm giảm các triệu chứng này là nhắm vào các phản ứng bất thường của hệ thần kinh chứ không chỉ loại bỏ những thực phẩm gây rắc rối.

3. 'Ăn quả việt quất có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh về mắt' - Đúng

Các nhà nghiên cứu thấy rằng quả việt quất thực sự tốt cho mắt của bạn. Một nghiên cứu của Mass General trên gần 40.000 phụ nữ trung niên và lớn tuổi ở Hoa Kỳ cho thấy rằng ăn một hoặc nhiều khẩu phần quả việt quất mỗi tuần có khả năng giảm 28% nguy cơ mắc bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác (AMD), một bệnh lý về mắt có thể dẫn đến mất thị lực đáng kể.

Tiến sĩ Howard D. Sesso, giám đốc nghiên cứu dinh dưỡng và thực phẩm bổ sung tại Bệnh viện Brigham and Women's, cũng đã xác nhận rằng quả việt quất có thể giúp cho mắt khỏe hơn. "Quả việt quất chứa anthocyanin, một polyphenol hoạt tính sinh học - thứ tạo nên màu xanh của quả việt quất - có liên quan tới việc làm giảm các bệnh về mắt", ông nói.

Ảnh: Pexels

4. 'Thực hiện chế độ ăn thực vật luôn cải thiện kết quả sức khỏe' - Sai

Lưu ý quan trọng: Các chuyên gia của Mass General cho biết chế độ ăn thực vật có vẻ lành mạnh nhưng không phải lúc nào cũng là tốt nhất. Theo Tiến sĩ Qi Sun, phó giáo sư y khoa tại Bệnh viện Brigham and Women's, các chế độ dinh dưỡng dựa trên thực vật có "nhiều tác động khác nhau và đôi khi tương phản đối với sức khỏe".

Chế độ ăn dựa trên thực vật có (1) nhiều ngũ cốc tinh chế, đồ uống có đường và kẹo… rất khác so với chế độ ăn có (2) trái cây và rau tươi, ngũ cốc nguyên hạt, cà phê, trà, v.v. Theo các nhà nghiên cứu, chế độ ăn thứ nhất dẫn đến nhiều kết quả sức khỏe bất lợi. Còn chế độ ăn thứ hai được coi là lành mạnh và giúp sức khỏe tốt hơn, giảm nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường, béo phì và bệnh gút.

Tiến sĩ Qi Sun khuyến khích mọi người tập trung vào các nguyên liệu có chất lượng, chẳng hạn như trái cây tươi, rau không chứa tinh bột, ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và hạt, dầu ô liu và các loại dầu thực vật khác, hạn chế thực phẩm có đường hoặc quá mặn. Đừng quên thường xuyên vận động và sống lành mạnh, tự bản thân chế độ ăn uống cũng không phải là giải pháp thần kỳ.

5. 'Vị trí sắp xếp thực phẩm trên quầy hàng không ảnh hưởng đến việc mua hàng' - Sai

Kiến trúc lựa chọn của cửa hàng có ảnh hưởng mạnh mẽ đến những gì chúng ta mua. Theo các nhà nghiên cứu, khi các mặt hàng lành mạnh được trưng bày ở những vị trí dễ thấy hoặc thuận tiện sẽ làm tăng khả năng mua chúng. Nó cũng đúng ở điều ngược lại, và ngành công nghiệp thực phẩm biết rõ việc này: họ đã đặt đồ uống có đường, đồ ăn nhẹ vị mặn, kẹo và đồ nướng ở lối thanh toán, đầu lối đi và ở phía trước cửa hàng.

Ảnh: Mochammad Algi - Pexels

6. 'Sớm cho trẻ ăn những thực phẩm như bơ đậu phộng có thể ngăn ngừa dị ứng' - Đúng

Việc cho trẻ nhỏ ăn những thực phẩm được biết là gây ra phản ứng dị ứng có thể khiến cha mẹ lo lắng, nhưng Mass General đã xác nhận rằng điều này có thể có lợi về lâu dài. Theo Thử nghiệm LEAP (Tìm hiểu sớm về dị ứng đậu phộng), việc cho trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi ăn các loại đậu phộng phù hợp giai đoạn phát triển có thể giúp giảm 80% tình trạng dị ứng đậu phộng ở những trẻ có nguy cơ cao.

Điều này cho thấy rằng thời điểm rất quan trọng: đến khi trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa thì có thể đã quá muộn để ngăn ngừa một số dị ứng có thể tránh được. Việc gặp bác sĩ chuyên về dị ứng có thể không thực hiện được ngay lập tức hoặc có khi phải chờ đợi đến hàng tháng, nên vai trò của bác sĩ gia đình khá quan trọng trong những bước đầu hình thành thói quen ăn uống, giới thiệu sớm các nguồn gốc gây dị ứng để kiểm soát dị ứng tiềm ẩn hoặc bệnh chàm.