ĐỜI SỐNG

Một tách cà phê chứa bao nhiêu caffeine? 

Hoài Nhung • 16-08-2023 • Lượt xem: 1772
Một tách cà phê chứa bao nhiêu caffeine? 

Cà phê là một thức uống không thể thiếu của nhiều người khi bắt đầu một ngày mới. Tuy nhiên, việc sử dụng cà phê cần được cân nhắc với lượng vừa đủ để cơ thể không hấp thụ quá nhiều caffeine mỗi ngày. 

Cà phê có thể được xem là một loại đồ uống có chứa một lượng lớn caffeine. Đây cũng là chất giúp chúng ta có thể tỉnh táo sau khi uống cà phê. Các nghiên cứu chỉ ra rằng có gần 80 đến 100 miligam caffein trong một tách cà phê hơn 200 ml. Nhưng hàm lượng cafeine trong cà phê có thể khác nhau, tùy thuộc vào các yếu tố như loại hạt cà phê, mức độ rang, phương pháp pha chế và thể tích. Lượng caffeine trong cà phê được quyết định chính bởi cách pha. 

Chẳng hạn như Espresso, được tạo ra bằng cách ép hơi nước qua hạt cà phê nghiền mịn dưới áp suất cực cao, là một dạng caffein đậm đặc hơn nhiều. Một tách cà phê espresso tiêu chuẩn chứa khoảng 120 miligam caffein. Trong khi đó, lượng caffein trong đồ uống như cà phê cappuccino và cà phê latte khác nhau tùy thuộc vào số lượng dùng để pha chế. Ở Việt Nam, 3 loại cà phê phổ biến là cà phê đen, cà phê sữa và cà phê hòa tan. Cà phê đen là cách thưởng thức "mộc mạc" nhất. Một cốc cà phê đen khoảng 240 ml chứa khoảng 70-140 mg cafeine. Cà phê sữa là cà phê đen được pha thêm sữa đặc. Vì sữa đặc không chứa caffeine nên lượng caffeine trong cà phê sữa giống với cà phê đen. Cà phê hòa tan thường chưa ít cafeine hơn khoảng 30-90mg/ 1 cốc. 

Caffeine có an toàn không?

Các nhà khoa học tại Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khẳng định rằng việc tiêu thụ một lượng caffein nhất định là tốt cho hầu hết mọi người. Trên thực tế, nó thậm chí còn có thể có những lợi ích sức khỏe. Một đánh giá năm 2021 cho thấy rằng thói quen uống cà phê có khả năng iảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng tìm thấy mối liên hệ tiềm ẩn giữa việc tiêu thụ cà phê và giảm nguy cơ trầm cảm. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không có một lượng cà phê cố định nào là có thể kích hoạt những tác động tích cực này và mỗi cơ thể chúng ta đều xử lý caffein theo các cách khác nhau.

Những người có tình trạng sức khỏe nhất định nên đặc biệt chú ý đến lượng caffeine họ tiêu thụ mỗi ngày. Mặc dù một lượng cà phê vừa phải thực sự có thể giúp giảm nguy cơ suy tim, nhưng một nghiên cứu năm 2022 trên Tạp chí của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (JAHA) cho thấy rằng tiêu thụ nhiều cà phê có liên quan đến việc tăng nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở những người bị tăng huyết áp cao. 

Tác dụng phụ ngắn hạn của việc tiêu thụ quá nhiều caffein?

Caffeine mất khoảng một giờ để phát huy tác dụng (hoặc sớm hơn khi bụng đói) và có thể kéo dài từ bốn đến sáu giờ. Theo Lorraine Kearney, chuyên gia dinh dưỡng và Giám đốc điều hành của New York City Nutrition cho biết một số tác dụng phụ ngắn hạn của việc uống quá nhiều tách cà phê bao gồm: Tăng nhịp tim, bồn chồn, hồi hộp, rối loạn giấc ngủ, nhức đầu, mất nước và tăng huyết áp. Ở hầu hết người lớn khỏe mạnh, những tác dụng phụ này thường không nguy hiểm và giảm dần sau vài giờ.

Tác dụng phụ dài hạn của việc tiêu thụ quá nhiều caffein? 

Việc tiêu thụ quá nhiều caffein thường xuyên cũng có thể dẫn đến các tác dụng phụ lâu dài, như: mất ngủ, mệt mỏi, chán ăn, kích ứng dạ dày. Kearney giải thích: "Cà phê có thể tạm thời làm giảm cảm giác đói và tăng cảm giác no cho một số người. Sự ức chế thèm ăn này chủ yếu là do đặc tính kích thích của caffein, có thể ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương và tạm thời ngăn chặn tín hiệu thèm ăn, nhưng uống caffein khi bụng đói có thể làm tăng cảm giác hồi hộp, suy nghĩ miên man và lo lắng". 

Caffeine có thể gây ra các triệu chứng lo lắng vì nó ngăn chặn các thụ thể adenosine của não. Các thụ thể - đặc biệt là thụ thể A2a đóng một vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng và lo âu. Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy những người tiêu thụ lượng caffeine nhiều hơn thì có chỉ số lo lắng cao hơn. Cà phê cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của bạn khi bạn thêm hương vị cho nó bằng các chất bổ sung không lành mạnh.

Người mang thai nên theo dõi lượng caffein dung nạp vào cơ thể để giảm nguy cơ sức khỏe cho thai nhi. Mặc dù một lượng caffein có thể chấp nhận được khi mang thai, nhưng quá nhiều caffein có thể khiến các mạch máu trong tử cung và nhau thai co lại, điều này có thể làm giảm lượng máu cung cấp cho thai nhi và ức chế sự phát triển. Kết quả là, trẻ sơ sinh có thể có kích thước khi sinh nhỏ hơn, điều này có thể khiến chúng có nguy cơ béo phì, bệnh tim và tiểu đường cao hơn sau này. 

Giảm mức tiêu thụ caffein 

Bạn sẽ rất dễ bị nghiện caffein khi uống cà phê hàng ngày vì cơ thể phát triển khả năng chịu đựng tác dụng kích thích của caffein. Các chuyên gia sức khỏe đưa ra những lời khuyên trong việc giảm lượng caffein tiêu thụ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách uống một cốc vào buổi sáng và chọn loại không chứa caffein vào buổi chiều.

Ngoài ra, hãy pha loãng dần đồ uống chứa caffein bằng cách thêm lượng nước tăng dần hoặc các chất thay thế không chứa caffein. Đồng thời, bạn nên thiết lập một lịch trình ngủ đều đặn để chống lại bất kỳ tác dụng phụ nào liên quan đến giấc ngủ của việc thay đổi lượng caffeine. Không những vậy, việc giữ nước là rất cần thiết. Nếu bạn đang giảm lượng caffein nạp vào cơ thể, hãy nhớ uống nhiều nước trong ngày để giữ nước và hỗ trợ sức khỏe.

Nguồn: forbes.com