Duyên Dáng Việt Nam

Mùa nước nổi - Mùa hồi sinh nghệ thuật của họa sĩ Ca Lê Thắng

Vũ Huy Thông • 11-12-2021 • Lượt xem: 10091
Mùa nước nổi - Mùa hồi sinh nghệ thuật của họa sĩ Ca Lê Thắng

Với 'Mùa nước nổi' của Ca Lê Thắng, người viết tin rằng ông sẽ nhận được nhiều con mắt đồng điệu, hơn thế nữa, ông có thể tự tin vào thành tựu đã hồi sinh sung mãn và rực rỡ trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

Tin và bài liên quan: 

Khai mạc triển lãm 'Mùa nước nổi' của họa sĩ Ca Lê Thắng tại Hà Nội

Điêu khắc gia Đào Châu Hải: Ký ức tự do trong vết loang cô đơn

Họa sĩ Ca Lê Thắng: 'Mỹ thuật luôn cần những ngọn gió mới'

Nguyễn Hữu Hồng Minh: Đinh Phong, một ấn tượng nghệ thuật (Kỳ 1)

Điêu khắc Đào Châu Hải, một bước ngoặc trong nghệ thuật Việt Nam (Kỳ 1)

Mùa nước nổi là mùa cư dân đồng bằng sông Cửu Long trông đợi, hy vọng, là trù phú cá tôm, hồi sinh đất đai, đón nhận ân sủng hào phóng của Mẹ thiên nhiên, Mẹ sáng tạo.

Mùa nước nổi mang bóng dáng văn hóa người Nam Bộ mạnh mẽ khoáng đạt, hào sảng dân dã như câu ca vọng cổ vút lên giữa cánh đồng sâu ngập nước mênh mang chạng vạng chiều tà, là tính khí ưa thích phiêu du, phá cách trong hơi men giang hồ.


Mùa nước nổi - Tranh họa sĩ Ca Lê Thắng. 

Họa sĩ Ca Lê Thắng là người Nam Bộ, ông học mỹ thuật từ nhỏ ở Hà Nội, trở lại miền Nam sau thống nhất, hơn 20 năm đảm nhiệm công tác đào tạo và điều hành hoạt động mỹ thuật, là nghệ sĩ trải qua thời kỳ học tập sáng tạo theo phương pháp Hiện thực Xã hội chủ nghĩa, thời kỳ mỹ thuật Đổi mới phong phú sôi động tại trung tâm tp Hồ Chí Minh. Nửa thế kỷ sáng tạo nghệ thuật của Ca Lê Thắng mang đủ nét tiêu biểu của mỹ thuật Việt Nam từ sau năm 1975, thời sinh viên ông có tiếng với những bài nghiên cứu hình họa người phong cách Hiện thực Xô Viết, bài tốt nghiệp ông vẽ những cô gái nông trường bằng tranh sơn mài được đánh giá cao về tính “dân tộc – hiện đại”. 5 năm đầu thập kỷ 90, Ca Lê Thắng liên tục tham gia trưng bày hội họa với “Nhóm 10 người” – nhóm nghệ sĩ nổi bật của tp Hồ Chí Minh gồm Nguyễn Trung, Đào Minh Tri, Nguyễn Tấn Cương, Đỗ Hoàng Tường, Trần Văn Thảo, Hứa Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Vũ Hà Nam và Nguyễn Thanh Bình, những người hầu hết đã để lại dấu ấn sáng tạo và tầm ảnh hưởng được ghi nhận từ thời kỳ mỹ thuật Đổi mới đến nay. Hội họa của Ca Lê Thắng từ cuối những năm 80 mang nhiều tính thể nghiệm, thoát khỏi sự chi phối của đề tài /phong cách Hiện thực nhưng dường như chưa tìm được ngôn ngữ biểu hiện thỏa mãn nhu cầu sáng tạo của chính ông. Sự pha trộn và thay đổi giữa Lập thể, Bán trừu tượng, Trừu tượng… cho thấy nhu cầu hướng đến ngôn ngữ hội họa thuần túy dựa trên các “nguyên cớ” khách quan, xen vào đó là những tác phẩm có ý khai thác biểu hiện thẩm mỹ truyền thống (qua việc diễn đạt một số hoa văn kiểu Totem trong hòa sắc trầm tối nóng /lạnh mang không khí cổ xưa) như một cách tiếp cận nghệ thuật Hiện đại.


Một bức tranh khổ lớn trong khán phòng triển lãm "Mùa nước nổi". 

Trên 10 năm giảng dạy tại Đại học Mỹ thuật tp Hồ Chí Minh, 2 nhiệm kỳ (1988-2000) Phó Tổng Thư ký thường trực Hội Mỹ thuật tp Hồ Chí Minh, Ca Lê Thắng có điều kiện đi khắp các tỉnh thành Nam Bộ, ông tham gia tích cực các hoạt động mỹ thuật nhiều quy mô, từ Trại sáng tác mỹ thuật ở nhiều tỉnh thành, tới Triển lãm mỹ thuật toàn quốc và Triển lãm nhóm ở nước ngoài. Sáng tác hội họa, điêu khắc, say mê khám phá lịch sử, văn hóa, quảng giao phóng khoáng là ấn tượng về ông trong nhiều thế hệ nghệ sĩ. Không phải tới triển lãm cá nhân vào tháng 12/2021 tại Hà Nội, Ca Lê Thắng mới giới thiệu về “Mùa nước nổi” như không chỉ là cái tên chung cho loạt tranh, thực tế, từ năm 1987 ông đã có 3 tác phẩm sơn dầu “Đồng Tháp”, “Đất thở I”, “Đất thở II” mang phong cách Trừu tượng tiền khởi cho loạt tranh “Mùa nước nổi” – một series sáng tác liên tục trong 10 năm trở lại đây.

Như đã nhắc ở trên, mùa nước nổi ở đồng bằng sông Cửu Long với trời nước mênh mang nhòe ranh giới, có nhịp điệu vạch ngang của đáy, vớ lưới giăng, xiên chéo lau sậy, tầm vông, điên điển, có ngược xuôi ghe xuồng chống sào đồng cạn đồng sâu, mùa nước nổi đã trở thành nguồn cảm hứng sáng tác trở đi trở lại suốt 10 năm trong ấn tượng thị giác bền chặt của Ca Lê Thắng. Khoảng 50 bức tranh đánh số cùng tên “Mùa nước nổi” bên cạnh hàng chục tác phẩm đặt tên theo cảnh trí nông thôn như “Cơn giông”, “Khói đốt đồng”, “Bên dòng kênh”, “Giữa đồng”, “Cánh diều”… đều được thể hiện bằng phong cách Bán trừu tượng – chú trọng cấu trúc vật chất bề mặt, giản lược bố cục phân chia mảng hình, không gian và chỉ gợi mở một số đặc điểm (hiện thực) của đối tượng thể hiện (thiên nhiên), phối hợp các đối tượng đó thành tiết tấu nhịp điệu ngẫu hứng theo cảm xúc hội họa, không phải theo yêu cầu “tái hiện” khách quan. Nhiều nghệ sĩ thân thiết với Ca Lê Thắng đã nói, phong cách hội họa này phù hợp với “khí chất Nam Bộ” của ông và thực tế, đa số tác phẩm từ cuối những năm 80 trở lại đây cho thấy, sự “tiến triển” trong phong cách này là một diễn biến hình thức rất logic.

Trong 10 năm, series “Mùa nước nổi” có xấp xỉ 50 tác phẩm, nhiều bức khổ lớn vài mét vuông được vẽ liên tục cho thấy Ca Lê Thắng đã tìm được ngôn ngữ hội họa tâm đắc để ông có thể duy trì mạch sáng tác không ngại bị lặp của mình. Thiên nhiên mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long vừa là ngọn nguồn cảm hứng nghệ thuật vừa tạo ra các chủ đề thỏa mãn phương pháp kỹ thuật và quan niệm tạo hình của Ca Lê Thắng. Ông là họa sĩ ưu thích sử dụng kỹ thuật tổng hợp (Mixed-media), trên cùng một bề mặt, ông dùng chất đắp tạo hình (solvent modelling paste) tạo độ dày, nứt nẻ, lồi lõm; gắn cát, lưới, dây nhợ tạo hiệu ứng vật chất; dùng kỹ thuật đổ loang màu (pouring), kỹ thuật nhỏ vảy (dripping); dùng sơn dầu, acrylic, dùng bút, dao vẽ, dùng than thỏi (charcoal stick) vạch nhanh hối hả sắc nét hoặc xịt nước cho loang nhòe… các kỹ thuật phục vụ ý đồ tạo hình và đáp ứng tính ngẫu hứng theo diễn biến (thường) không chủ động kiểm soát từ lúc bắt đầu của chất màu, đường nét, mảng khối và hòa sắc. Đặc điểm phong cách hội họa series “Mùa nước nổi” của Ca Lê Thắng dễ nhận ra ở tuyến tính bố cục nằm ngang, đôi khi là sự phân chia tượng trưng không gian (bầu trời, mặt đất), đôi khi là các vệt bút, vệt màu chạy từ trái qua phải; điểm nhấn tạo hình thường là các tổ hợp nét xiên tốc độ và cảm xúc trên nền hòa sắc âm vang các lớp không gian hoặc chỉ còn là các mảng màu hình học phẳng hoàn toàn tượng trưng. Mặc dù hầu hết “Mùa nước nổi” có phong cách biểu hiện Bán trừu tượng nhưng phần lớn chúng đều cung cấp ấn tượng đối diện trước thiên nhiên mênh mông, không gian rộng lớn, nhiều tính chuyển động tự nhiên và cảm xúc như lãng mạn thân thuộc, như cổ xưa xa vợi.


Họa sĩ Phạm Viết Hồng Lam đến dự khai mạc và chúc mừng bạn mình. họa sĩ Ca Lê Thắng với triển lãm "Mùa nước nổi". 

Cá biệt, một số tác phẩm hoàn toàn trừu tượng chỉ tồn tại các miếng hình /màu rành mạch hoặc một bề mặt dày đặc các chuyển động như khắc vạch trên phù điêu – những tác phẩm có thể dự báo một hướng đi thoát ly tuyệt đối thế giới tự nhiên vào vùng khám phá nội giới thuần khiết của Ca Lê Thắng?


Họa sĩ Thành Chương và họa sĩ Ca Lê Thắng (Ảnh: Đông Dương)

Mark Rothko (gốc Latvia, 1903-1970), họa sĩ tiêu biểu của phái Biểu hiện trừu tượng Mỹ, người mở đường cho họa phái Trường màu (Color Field Painting) từng nói: “Bức họa sống trong quan hệ tương tác, nó tự mở, sống động trong mắt khán giả đồng điệu; và nó chết khi thiếu quan hệ này. Vì vậy, giới thiệu tác phẩm ra thế giới là hành động táo bạo, liều lĩnh bất chấp.” Với “Mùa nước nổi” của Ca Lê Thắng, người viết tin rằng ông sẽ nhận được nhiều con mắt đồng điệu, hơn thế nữa, ông có thể tự tin vào thành tựu đã hồi sinh sung mãn và rực rỡ trong sáng tạo nghệ thuật của mình.

Hà Nội, ngày 1 tháng 11 năm 2021

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Vũ Huy Thông