Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” với hơn 200 tài liệu và hiện vật được tổ chức tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã góp phần hồi sinh di tích thời đương đại, minh chứng sự ra đời của Quốc Tử Giám. Sau thời gian gần 3 năm, Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” hoàn thiện một cách sáng tạo và mới mẻ.
Mới đây, Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã tổ chức khai mạc Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” tại Di tích Quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Những nhà thiết kế Pháp và họa sĩ trẻ tài năng của Việt Nam Nguyễn Thành Phong phải lên ý tưởng và bắt tay sản xuất các công đoạn từ kiểm định nội dung, thi công và thiết kế mỹ thuật. Đội ngũ làm việc ăn ý đã khơi dậy được tinh thần thi vị của buổi trưng bày.
Đại diện phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Phạm Thị Mỹ Hoa khẳng định, tinh thần tôn sư trọng đạo, truyền thống hiếu học của dân tộc Việt Nam đã được hình thành trong suốt bề dày lịch sử. Giáo dục luôn là lĩnh vực được ưu tiên và đầu tư, được nhà nước và người dân chú trọng. Trải qua 700 năm phát triển, Quốc Tử Giám vẫn luôn là biểu tượng cho những giá trị của đạo học Việt Nam. Chính tại ngôi trường cấp Quốc gia đầu tiên này, từng lớp lớp hiền tài được nuôi dưỡng bằng tri thức đã ra đời, cống hiến giá trị cho nền giáo dục nước nhà.
Trưng bày được chia thành hai không gian tĩnh và động, trong nhà và ngoài trời. Trưng bày giới thiệu hơn 200 tài liệu và hiện vật. Đây là lần đầu tiên những tấm ảnh màu và nhiều hiện vật khảo cổ quý khác được công bố tại di tích, minh chứng cho sự ra đời của Quốc Tử Giám. Trưng bày đã truyền tư tưởng của đạo học thông qua các bản thiết kế, kịch bản thể hiện theo trình tự trục thời gian, dẫn mọi người đi từ thời Nho giáo tại Việt Nam với tư tưởng của Khổng Tử đến ngày nay.
Khu trưng bày trong nhà sẽ giúp người xem hình dung được từng mốc thời gian lịch sử được tường thuật chi tiết, qua đó mường tượng được một Quốc Tử Giám ở từng giai đoạn hình thành và phát triển của nước nhà. Khởi nguồn là thời nhà Lý, phát triển dưới thời Trần - Hồ, hưng thịnh nhất thời Lê - Mạc - Lê Trung Hưng, tác động và biến đổi dưới thời Nguyễn và sự hồi sinh của di tích thời đương đại. Mặt khác, khu trưng bày ngoài trời sẽ tái hiện giống như một khu vườn để du khách tham quan và nhìn nhận sinh động hành trình học tập, dùi mài kinh sử của một nho sinh tại mái trường làng quê, thời gian thi cử nơi kinh thành và khi trở về quê hương vinh quy bái tổ.
Không giấu nổi nỗi lòng hứng thú với ý tưởng trình bày của Trưng bày, PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam – đã dành những lời khen có cánh cho buổi Trưng bày: "Thực sự là một đóng góp mới trong kinh nghiệm diễn giải trưng bày ở di tích. Nội dung súc tích, cô đọng. Kỹ thuật trưng bày có nhiều đột phá mang lại cho người xem cảm giác nhẹ nhàng, với nhiều khám phá bất ngờ".
Không tham nhồi nhét thông tin với con chữ, Trưng bày “chạy” theo sự phát triển của công nghệ số hiện đại như áp dụng hình thức quét mã QR để du khách có thể chủ động khám phá và tìm hiểu thêm nhiều tư liệu mà mình muốn như những giai thoại hấp dẫn về Lê Văn Hưu hay bài đồng dao của Nguyễn Hiền,… Phần thuyết minh câu chuyện được trình bày cả ba thứ tiếng là Việt, Anh, Pháp, và phần chữ tiếng Việt luôn được để cỡ chữ to hơn và in đậm hơn. Đây là một cách làm tinh tế và chuyên nghiệp để những thông tin của Trưng bày có thể tiếp cận rộng rãi đến với đa dạng du khách mà không lo ngại vấn đề rào cản ngôn ngữ.
Một số thông tin thú vị được diễn giải ở buổi Trưng bày như Văn Miếu Quốc Tử Giám từng mất vị thế của Văn Miếu trung ương dưới thời Lê, chuyển thành Văn Miếu địa phương, gọi là Văn Miếu Bắc Thành. Sau năm 1831 được đổi tên thành Văn Miếu Hà Nội. Năm 1925, chính Toàn quyền Đông Dương cũng đã xếp hạng Văn Miếu là công trình lịch sử của Bắc Kỳ cần được bảo vệ ở Đông Dương.