Để cải lương luôn được nhắc đến trong bối cảnh hiện tại thật sự rất khó, khi nhạc hiện đại đã chiếm phần lớn thị trường âm nhạc hiện nay. Nhưng bên cạnh đó, nhờ sự cải cách, phối hợp hài hòa giữa cải lương và đương đại thì nghệ thuật cải lương cũng đã dần được nhiều người quan tâm trở lại trong những năm gần đây.
Cải lương được biết đến là loại hình nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của Việt Nam nói chung cũng như vùng đất Nam Bộ nói riêng. Nam Bộ chính là nơi lan tỏa bộ môn nghệ thuật đặc sắc này đến mọi miền trên đất nước.
Lúc bấy giờ, cải lương được xem là loại hình nghệ thuật đứng đầu trong lòng công chúng, được ưa chuộng ở Nam Bộ. Trong từng vở diễn luôn chứa đựng được nhiều cung bậc cảm xúc, nét bi, trữ tình, khôi hài cũng như chất anh hùng ca vang vọng.
Sân khấu cải lương hình thành từ những nguyên nhân của xã hội, kinh tế, văn hóa… cũng như đáp ứng thị hiếu thưởng thức nghệ thuật sân khấu của công chúng. Sân khấu cải lương cũng làm tạo nên giá trị khi đã qua 100 năm tồn tại và phát triển.
Sân khấu cải lương đã tồn tại hơn 100 năm, từng chiếm vị trí độc tôn trong lòng công chúng.
Loại hình sân khấu nghệ thuật này đã cố gắng cải biến từng ngày để lấy được tình cảm, chiêu mộ lại khán giả bằng những điệu ca, lời hát da diết mà vẫn mang được nét đẹp đương đại. Cải lương vẫn đang cố gắng trụ vững trong lòng công chúng, luôn muốn khẳng định bản thân trở lại vị trí độc tôn. Chính điều đó, vào những năm gần đây, sự kết hợp của nghệ sĩ gạo cội song ca cùng ca sĩ trẻ hiện nay đã làm mới được cải lương, mang lại nhạc điệu bắt tai dễ nghe cho người thưởng thức.
Sự cải tiến này đã tạo nên bước đà cho nghệ thuật cải lương dần được khán giả quan tâm trở lại. Trên các nền tảng mạng xã hội đã xuất hiện nhiều bản cải lương kinh điển hay là những vở diễn da diết, say mê lòng người do bạn trẻ sáng tạo nội dung cover lại. Cũng như trình diễn trên những sân khấu loto, chương trình gameshow truyền hình để gợi lại và lưu giữ được văn hóa nghệ thuật truyền thống tiêu biểu của dân tộc… Từ những điều đó đã khiến họ dần quen lại với nghệ thuật đặc sắc này mà không bị mai một theo thời gian.
NSND Bạch Tuyết đã đưa cải lương tiếp cận với nhiều bạn trẻ qua nhiều nền tảng mạng xã hội như TikTok, YouTube, Facebook…
Song song đó, thị trường phát triển cải lương trong thời điểm hiện tại chưa hoàn toàn được xem tiếp cận rộng rãi trở lại, vẫn còn là điều trăn trở. Cải lương hiện đang phải đối mặt với những sức ép, sự cạnh tranh của các loại hình nghệ thuật, giải trí mới xuất hiện. Đồng thời đối diện với nhiều trở lực như tài chính, cơ sở vật chất hay đội ngủ sáng tác, đạo diễn.
NSND Trần Ngọc Giàu cũng đã từng nhận định: “Nhiều năm qua, TP.HCM không có chiến lược đầu tư lâu dài nào thiết thực cho sân khấu cải lương. Cần thiết nhất vẫn là hành động thực tiễn để thay đổi. Mặt khác, rất cần khôi phục lại Trung tâm Nghiên cứu Sân khấu Cải lương của TP.HCM để có những ứng dụng vào thực tế, góp phần thay đổi tình hình hoạt động, tổ chức, biểu diễn cải lương hiện nay…”.
“Cải lương rơi vào tình cảnh như hiện nay cho thấy nghệ sĩ cải lương có lỗi rất lớn. Những năm gần đây, nhiều nghệ sĩ không còn tâm huyết với nghề như trước, lười biếng tập tuồng. Trước đây, nếu như nghệ sĩ diễn sai thì ngày hôm sau họ có thể diễn đúng bởi họ chịu khó tìm tòi, tập luyện. Không những thế, không ít người mải mê chạy show kiếm sống, ít học tuồng, khi ra sân khấu thì một tai nghe nhắc tuồng, một tai nghe nhạc, thử hỏi, ca diễn như thế làm sao hay được”, cách nhìn riêng của NSND, đạo diễn Huỳnh Nga.
Chính điều lo lắng đó, nền cải lương đang đi tìm những người trẻ, tài giỏi, có niềm đam mê và chất giọng để nối truyền cho thế hệ mai sau.