GIẢI TRÍ

Nghĩ gì từ vụ MV 'There's no one at all' của Sơn Tùng M-TP?

Từ Nam • 12-05-2022 • Lượt xem: 1064
Nghĩ gì từ vụ MV 'There's no one at all' của Sơn Tùng M-TP?

Làn sóng chỉ trích MV "There's no one at all" của Sơn Tùng M-TP khiến những ai là người của công chúng một lần nữa phải nhận thức rõ việc họ cần biết đặt mình vào dòng chảy của đời sống, trước khi muốn chinh phục những điều lớn lao.


Hình ảnh trích từ MV của Sơn Tùng M-TP - Ảnh chụp màn hình

Khủng hoảng truyền thông ở mức độ nghiêm trọng

Vào năm 2019, MV "Nếu ngày ấy" (Soobin Hoàng Sơn) từng bị YouTube đưa vào danh sách hạn chế vì các cảnh bạo lực và nam chính dùng súng tự sát. Dù đã gắn mác 16+ ngay từ đầu nhưng phía YouTube cho rằng MV phạm tiêu chuẩn cộng đồng đưa ra.

Vụ việc của Sơn Tùng M-TP tiếp tục một lần nữa nhấn mạnh vào việc nghệ sĩ cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi thực hiện các sản phẩm có nội dung mang màu sắc tăm tối, tiêu cực và nhất là có chi tiết để các nhân vật tự sát.
 
Nếu những khủng hoảng về chuyện đạo nhái của ca sĩ gốc Thái Bình trong quá khứ có phạm vi nhỏ, thì sự cố lần này có mức độ ảnh hưởng xã hội nghiêm trọng hơn khi Cục PTTH&TTĐT (Bộ TT&TT) cùng nhiều cơ quan khác cùng lên tiếng.

Trên thế giới vẫn luôn tồn tại một xu hướng trong âm nhạc nói riêng và nghệ thuật nói chung là “lãng mạn hóa” chứng trầm cảm và “trào lưu hóa tự tử”. Sơn Tùng M-TP đã giải thích anh không cổ xúy việc tự tử, mà chỉ muốn truyền tải thông điệp hãy thấu hiểu cảm xúc bên trong những người cô đơn để yêu thương, che chở và mở rộng tấm lòng mà đón nhận họ trước khi quá muộn.
 
Thông điệp này cũng giống với chia sẻ của P!nk năm 2011 khi một MV của cô gặp phải tranh cãi tương tự với phân cảnh mô tả kỹ nữ chính rạch tay kéo dài gần 30 giây. P!nk khẳng định khán giả có thể ngó lơ sản phẩm nhưng điều này không làm tự tử biến mất. Sự cô độc, tuyệt vọng, tự tử là những chủ đề nhức nhối của xã hội hiện đại, rất đáng bàn đối với cả người bình thường lẫn các nghệ sĩ.
 
Sơn Tùng M-TP có cùng suy nghĩ trên, nhưng khác ở chỗ nếu MV của P!nk vẫn giữ nguyên cảnh cô gái rạch tay sau 11 năm ra mắt, thì Sơn Tùng M-TP đã phải ngừng phát hành ở Việt Nam chỉ sau 1 ngày.

Vấn đề của There’s no one at all không nằm ở chủ đề, mà là ở sự nông cạn của người nghệ sĩ về trách nhiệm xã hội. Vì khi đã là một phần của truyền thông đại chúng, nghệ sĩ phải hiểu rằng sản phẩm của mình, dù hư cấu, vẫn có thể tác động lên khán giả ở cả cảm xúc, thái độ, nhận thức và hành vi.

Nhà sản xuất, streamer Viruss thẳng thắn nhận xét Sơn Tùng M-TP đã có quyết định sai lầm về việc sử dụng hình ảnh cuối cùng trong MV và lựa chọn thời điểm ra mắt sản phẩm:
 
"Mọi người đã biết câu chuyện của một cậu bé sống ở chung cư cách đây không lâu, vào thời điểm rất nhạy cảm này lại ra đúng cái cảnh đấy quả thật là quyết định quá sai lầm" – anh nói trên kênh YouTube của mình.


Dòng cảnh báo khi truy cập vào một MV nước ngoài cũng có phân cảnh nhân vật tự hủy hoại bản thân - Ảnh chụp màn hình

Phụ huynh phản đối là có lý do
 
Nhận xét về câu chuyện trong MV, để nhân vật có tuổi thơ bất hạnh, lớn lên thành gã giang hồ cô độc phách lối và cuối cùng chọn tự vẫn để giải thoát – tài khoản Phạm Lan Phương viết: “Qua bao nhiêu khung hình, biến cố, xung đột, nhân vật đã có giải pháp cho chính mình và hợp lý hóa giải pháp đó. Không có gợi ý khác, lối thoát khác, hay thậm chí chỉ là một hy vọng nào đó lướt qua khung hình.

Những khán giả có thiện cảm với nghệ thuật và cởi mở đón nhận tác phẩm, hãy nhìn nội dung tác phẩm về vấn đề này hơi khác đi một chút vì tính tương tác và lây lan. Nếu vì coi một clip hay tôi đi mua một đôi giày mới, thì chuyện đó thuật bình thường. Nhưng nếu vì coi một clip hay mà khán giả chọn kết thúc cuộc sống, đó có lẽ sẽ khác hơn mua giày”.

Tác phẩm văn hóa nghệ thuật có tác động lớn đối với nhận thức con người, không thể coi là giải trí đơn thuần. Ví dụ như phim 13 reasons why chiếu năm 2017 có nội dung nhân vật Hannah Baker kể ra có 13 lý do khiến cô tự tử.

Theo báo cáo khoa học trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (JAMA) đăng ngay sau đó, dù bộ phim đã góp phần giúp tăng nhận thức về tự tử nhưng cũng đồng thời làm ý định tự tử… tăng luôn. Đã có hơn 900.000 đến 1.500.000 lần tìm kiếm liên quan đến tự sát liên tục tăng trong suốt 19 ngày sau khi phim phát hành. Từ đó, giáo sư John Ayers thuộc Trường Y tế công cộng San Diego, cho rằng phim có thể khiến nhiều người hành động theo ý nghĩ tự tử khi tìm hiểu thông tin về cách thức tự sát.
 
Một tác phẩm nghệ thuật chưa đầy xúc cảm tiêu cực vốn vẫn nhan nhãn trên không gian mạng. Tuy nhiên trên nền tảng phổ biến như YouTube, những sản phẩm có nội dung liên quan đến việc tự hủy hoại bản thân hay tự tử đều cần dán nhãn độ tuổi phù hợp, đính kèm dòng thông báo trước để khán giả quyết định mình có nên xem tiếp hay không.
 
Năm 2004, Britney Spears từng phải bỏ đường dây kịch bản về tự tử ra khỏi MV "Everytime" vì bị dư luận phản đối việc lãng mạn hóa việc tự tử. Sau đó cô đã thay đổi nội dung MV không để nhân vật tự sát nữa, đồng thời kêu gọi những người đang tuyệt vọng hãy tìm kiếm sự giúp đỡ thay vì tìm đến cái chết.
 
Hôm nay, ca sĩ sinh năm 1994 chọn một giải pháp khác khi đối mặt với làn sóng chỉ trích từ dư luận: chỉ ngừng phát hành MV trên YouTube Việt Nam và khi truy cập từ nước ngoài vẫn có thể xem được bình thường, cũng không có bất kỳ lời cảnh báo nào về giới hạn độ tuổi hay lời nhắc nhở cần thiết: “Nội dung sau đây có thể đề cập đến chủ đề tự tử hoặc các nội dung tự hủy hoại bản thân. Cân nhắc trước khi xem”.
 
Dĩ nhiên việc làm này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thành tích lượt xem của sản phẩm, nhưng lại là hành động cần thiết để thể hiện trách nhiệm của người nghệ sĩ tới cộng đồng. Là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ, có lượng người hâm mộ nhỏ tuổi đông nhất làng giải trí, hơn ai hết, Sơn Tùng M-TP lại càng phải chú trọng điều này và không nên để mình đứng ngoài dòng chảy của đời sống đó.
 
Như lời nhà báo Trương Bảo Châu viết: “Có những thứ "đi đường nào cũng có thể mắc lưới", nếu né tránh mảng tối của cuộc sống thì hoá ra nghệ thuật cũng có giới hạn hay sao, thế giới này thiếu gì thành quả sáng tạo của không giới hạn. Nhưng nếu bạn không phải là nghệ sĩ, bạn là cha mẹ của một học sinh tuổi dậy thì, thì sao? Dạy con ở tuổi này đôi khi nó nằm ngoài tần số của trí thông minh.
 
Họ có quyền lo sợ những thứ như làn sóng hay hội chứng, khi trẻ xem báo chí và thần tượng là "tấm gương" để hành động. Cha mẹ phải dạy con một mình nhưng họ vẫn cần xã hội cộng đồng giúp đỡ, bằng cách cộng đồng vận hành có đạo đức, lương tri hơn…
 
Cho nên, một tác phẩm gây tranh cãi là một việc bình thường, nhân loại luôn tranh cãi, mọi người hay tấn công nhau vì chỉ đứng trong câu chuyện của mình. Người nghệ sĩ họ cũng có câu chuyện của họ, cha mẹ có câu chuyện của họ, tuổi trẻ có câu chuyện của chúng nó, chỉ có lương tri là ở điểm chung mà thôi. Mà đạo đức dành cho trẻ thơ là một thứ đạo đức mà cả nhân loại này phải dán nhãn hai chữ: đặc biệt
”.
 
Có nên cấm các sản phẩm liên quan đến tự sát?

Trước một số ý kiến cho rằng phải cấm và tẩy chay hết các sản phẩm có liên quan đến vấn đề tự sát, chị Phương Thủy - giảng viên ngành quản trị công nghệ truyền thông, Đại học Hoa Sen - nêu quan điểm không nên cấm đoán.

Những sản phẩm bàn thẳng thắn về vấn đề này (và các vấn đề liên quan hay dẫn đến nó) có vai trò quan trọng ở nhiều mặt. Thứ nhất, chúng sẽ giảm bớt những stigma (kỳ thị xã hội) và mở ra cơ hội để chúng ta bàn bạc về những vấn đề này công khai, thoải mái, để người gặp khó khăn có cơ hội giãi bày, tìm kiếm giúp đỡ.

Thứ hai, với một số người có thể thấy khó tin, nhưng những sản phẩm nghệ thuật, truyền thông này cho những người đang tuyệt vọng sự xoa dịu. Họ đang tuyệt vọng và cô độc, họ thấy có ai đó ngoài kia "nhìn thấy" họ, và đó là sự cảm thông họ cần có. 

MV này chỉ là một ví dụ của rất nhiều loại nội dung nghe nhìn mà trẻ em và cả người lớn có thể tiếp xúc mỗi ngày. Việc tập trung quá nhiều vào một hiện tượng duy nhất, và miêu tả về nó một cách cực đoan, đòi cấm đoán nó bằng pháp luật, có thể gây ra tác dụng ngược. Tất nhiên, tự sát, tự hại, cũng như bạo lực hay tình dục, là những vấn đề nhạy cảm và cần được quản lý bằng hệ thống phân loại độ tuổi”.