VĂN HÓA

Nguồn gốc tập tục cúng cô hồn tháng 7 âm lịch 

Quỳnh • 14-08-2024 • Lượt xem: 535
Nguồn gốc tập tục cúng cô hồn tháng 7 âm lịch 

Cứ đến tháng 7 âm lịch hằng năm, ngoài lễ vu lan báo hiếu, người người nhà nhà còn rôm rả chuẩn bị cúng cô hồn, trẻ con (và đôi khi có cả người lớn nữa), lượn quanh xóm để đợi “giựt cô hồn”. Hình ảnh quen thuộc đến vậy, thế nhưng nếu ai đó hỏi nguồn gốc tập tục này từ đâu, có lẽ không mấy người trả lời được…

Nguồn gốc tục cúng cô hồn tháng 7 âm lịch

Cúng cô hồn là một hoạt động tâm linh khá phổ biến tại Việt Nam và các nước cùng nền văn hoá đồng văn như Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia... Tục xưa cho rằng tháng Bảy cửa địa ngục sẽ mở ra, ân xá cho cho các vong hồn có tội, để những linh hồn ở cõi âm được về thăm người sống ở cõi dương gian.

Ảnh minh hoạ "xá tội vong nhân", nguồn: internet

Thế nhưng, nói về cái cách gọi “cô hồn”, giáo lý Phật giáo thật ra không hề đề cập đến một cõi sống nào có tên là cô hồn cả, “cô hồn” chỉ là cách gọi của dân gian mà thôi.

Phong tục cúng cô hồn có nguồn gốc từ Trung Quốc. Phật tử Trung Hoa gọi lễ cúng này là "phóng diệm khẩu", tức là bố thí và cầu nguyện cho loài quỷ đói miệng lửa. Năm tháng trôi qua, dân gian truyền miệng và nói trại đi thành "cúng cô hồn", tức là cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có người thân trên trần gian cúng bái, và có thêm các ý nghĩa khác như tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân).

Ảnh: internet

Tương truyền, nguồn gốc của phong tục này bắt đầu từ câu chuyện giữa ông A Nan Ðà (thường gọi là A Nan) với một con quỷ miệng lửa (diệm khẩu). Một buổi tối, A Nan đang ngồi trong tịnh thất thì thấy một con ngạ quỷ thân thể khô gầy, cổ nhỏ mà dài, miệng nhả ra lửa bước vào. Quỷ cho biết rằng ba ngày sau, A Nan sẽ chết và sẽ luân hồi vào cõi ngạ quỷ miệng lửa, mặt cháy đen như nó. A Nan sợ quá, bèn nhờ quỷ bày cho phương cách tránh khỏi khổ đồ. Quỷ đói nói: “Ngày mai ông phải bố thí cho ngạ quỷ chúng tôi mỗi đứa một hộc thức ăn, và soạn lễ cúng dường Tam Bảo thì ông sẽ được tăng thọ, còn tôi sẽ được sinh về cõi trên”.

Ảnh minh hoạ A Nan Đà và quỷ miệng lửa, nguồn: internet

A Nan đem chuyện bạch với Ðức Phật. Đức Phật bèn cho bài chú gọi là “Cứu bạt diệm khẩu ngạ quỷ Ðà La Ni”. A Nan đem tụng trong lễ cúng và được thêm phúc thọ…

Phong tục cúng cô hồn được cho rằng bắt nguồn từ sự tích này, nên ngày nay người Trung Quốc vẫn gọi tục cúng cô hồn là “phóng diệm khẩu”.

Ở Trung Quốc, việc cúng cô hồn được thực hiện vào ngày 14 tháng 7 âm lịch, còn ở Việt Nam thời gian này kéo dài nguyên một tháng, không ấn định riêng ngày nào, nhưng thường mọi người sẽ cúng trước ngày 15 tháng 7 âm lịch.

Ảnh: internet

Lễ cúng cô hồn mang những ý nghĩa an ủi phần nào cho các linh hồn khốn khổ của những người chết oan, sống lang thang không nơi để nương tựa, không người để thờ phụng. Để họ được hưởng hương hoa, đồ thờ cúng khi lên thăm trần gian.

Bên cạnh đó nghi thức khi cúng cô hồn còn nhằm xua đi những vận hạn, đẩy những điều xui xẻo, mang về bình an về cho bản thân và gia đình gia chủ.

Phong tục cúng cô hồn ở các quốc gia khác

Đa số các nước đều sẽ có nhiều điểm tương đồng trong tục cúng cô hồn, nhưng mỗi nước sẽ có một vài nét riêng.

Ví dụ như ở Trung Quốc, người Trung Quốc sẽ có những tiết mục kịch ngoài trời, hoặc các vở nhạc kịch ca ngợi những linh hồn, thần linh cũng như tạo niềm vui cho các vong hồn đã khuất. Vào ngày cuối cùng của tháng cô hồn thì người Trung Quốc diễn ra buổi thả đèn xuống các dòng sông, với quan niệm là ánh sáng sẽ dẫn đường cho các linh hồn được trở về cõi âm.

Ảnh: internet

Hai nước Malaysia và Singapore cũng có tập tục tương tự như đốt giấy tiền ngoài đường, và đi xem nhạc kịch vào buổi tối. Tuy nhiên, hàng ghế đầu tiên họ sẽ bỏ trống để dành cho các linh hồn ngồi xem cùng.

Người Hong Kong thì lại giống chúng ta, họ cúng cô hồn trong cả tháng 7 âm lịch. Vào dịp này người dân tập trung ở công viên, quảng trường, ven sông hay một vùng đất rộng để cúng tế tổ tiên, cô hồn, những bóng ma lang thang trên đường. Họ sẽ đốt hương, vàng mã và phân phát gạo miễn phí. Và cũng giống các nước trên, họ cũng biểu diễn nhạc kịch hoặc chiếu phim để phục vụ, tạo niềm vui cho các hồn ma.

Hi vọng bài viết có thể giúp bạn biết thêm về một tập tục vốn đã tồn tại từ rất lâu, và rất gần gũi với cuộc sống đời thường của chúng ta. Và mặc dù đây là một nét đẹp văn hoá tâm linh, chúng ta chỉ nên duy trì với một tâm thế gìn giữ tập tục truyền thống, và chia sẻ với những người đã khuất, chứ đừng nên để nó đi quá xa và trở thành mê tín dị đoan.