VĂN HÓA

Nguy cơ kháng thuốc kháng sinh tăng cao, nguyên nhân do đâu? 

Hoài Nhung • 10-08-2023 • Lượt xem: 6930
Nguy cơ kháng thuốc kháng sinh tăng cao, nguyên nhân do đâu? 

Lý do mà tình trạng kháng thuốc kháng sinh gia tăng trên khắp thế giới khiến ai nấy cũng ngạc nhiên, đó là ô nhiễm không khí.

Ô nhiễm không khí và kháng thuốc kháng sinh là gì?

Trong một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí Lancet Planetary Health, các nhà khoa học đã cho thấy mối liên hệ giữa ô nhiễm không khí và tình trạng kháng thuốc kháng sinh (hay còn gọi là kháng kháng sinh). Theo đó, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một mô hình để xem xét mức độ ô nhiễm không khí được gọi là PM2.5 và mức độ kháng kháng sinh ở 166 quốc gia. Nghiên cứu đã phát hiện ra mối tương quan giữa mức độ ô nhiễm không khí PM2.5 và mức độ kháng kháng sinh cao. Điều đó có thể hiểu rằng khi mức độ ô nhiễm không khí tăng cao thì mức độ kháng kháng sinh cũng tăng theo.

Theo Cơ quan Bảo vệ môi trường Hoa Kỳ, ô nhiễm không khí có thể ở dạng bụi bẩn, bụi, bồ hóng hoặc khói. Ô nhiễm không khí đến từ các nhà máy đốt than và khí đốt tự nhiên hay ô tô, nông nghiệp, đường không trải nhựa, công trường xây dựng và cháy rừng cũng có thể tạo ra nó. Trong khi đó, kháng thuốc kháng sinh, còn được gọi là kháng kháng sinh hoặc AMR, xảy ra khi một mầm bệnh cụ thể - vi khuẩn, ký sinh trùng hoặc nấm - phát triển khả năng chịu đựng một loại thuốc nhất định để nó không còn tác dụng chống lại các bệnh nhiễm trùng đó.

AMR hiện là một vấn đề nghiêm trọng trên toàn thế giới với những mối đe dọa phát triển nhanh nhất đối với sức khỏe toàn cầu. Chúng có thể tăng nhanh ở mức "đáng báo động" và ước tính có thêm khoảng 700.000 ca tử vong mỗi năm. Liên Hợp Quốc coi tình trạng kháng kháng sinh là "mối đe dọa cơ bản" đối với sức khỏe và sự an toàn của toàn hành tinh.

Mối tương quan giữa ô nhiễm không khí và kháng kháng sinh 

Các nhà khoa học cho biết hầu hết tình trạng kháng thuốc kháng sinh là do kê đơn quá mức hoặc lạm dụng thuốc kháng sinh, kiểm soát nhiễm trùng kém trong bệnh viện và sử dụng quá mức ở động vật trang trại, cùng với điều kiện vệ sinh kém. Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra 11% thay đổi về mức độ kháng kháng sinh trung bình trên toàn thế giới. Ô nhiễm không khí có khả năng trở thành một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh.

Nghiên cứu gần đây đã xem xét 9 mầm bệnh vi khuẩn và 43 loại kháng sinh, cho thấy rằng cứ 1% ô nhiễm không khí gia tăng có liên quan đến sự gia tăng khả năng kháng kháng sinh từ 0,5 đến 1,9%, tùy thuộc vào mầm bệnh. Các nhà nghiên cứu cho rằng nếu mức độ ô nhiễm không khí tiếp tục tăng ở mức tương tự, thì mức độ kháng kháng sinh trên toàn thế giới vào năm 2050 sẽ cao hơn khoảng 17% so với hiện tại. Con số này có vẻ không nhiều nhưng nó đồng nghĩa là khoảng 840.000 người nữa có thể chết sớm do mắc các bệnh không thể điều trị bằng kháng sinh.

Một khả năng nữa là ô nhiễm không khí có thể giúp lan truyền vi khuẩn kháng kháng sinh. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ô nhiễm không khí có thể hoạt động như một nguồn năng lượng mang theo vi khuẩn cùng với nó. Các gen kháng thuốc đã được tìm thấy ở các vi sinh vật trong không khí thường có kháng sinh, chẳng hạn như xung quanh bệnh viện, nhà máy xử lý nước thải và trang trại. Một nghiên cứu năm 2018 đã tìm thấy các gen kháng kháng sinh trong không khí gần các công viên thành phố ở California. Số lượng của chúng tăng lên tập trung vào những ngày sương mù dày đặc, khi có nhiều hạt ô nhiễm trong không khí.

Đề ra chính sách giảm ô nhiễm không khí là rất cần thiết 

Hong Chen - tác giả của nghiên cứu mới, đồng thời là chuyên gia kỹ thuật tại Đại học Chiết Giang (Trung Quốc) cho biết: "Kháng kháng sinh và ô nhiễm không khí đều là những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe toàn cầu. Cho đến bây giờ, chúng tôi vẫn chưa có một nhận định rõ ràng về mối liên hệ có thể có giữa hai vấn đề này, nhưng nghiên cứu này cho thấy lợi ích của việc kiểm soát ô nhiễm không khí có thể gấp đôi: Nó không chỉ làm giảm tác hại của chất lượng không khí kém mà còn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chống lại sự gia tăng và lây lan của vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh". Ô nhiễm hạt không khí đặc biệt nguy hiểm. PM2.5 rất nhỏ khoảng 1/20 chiều rộng của sợi tóc người nên bạn không thể nhìn thấy nó và nó có thể xâm nhập vào cơ thể bạn. Thậm chí, nó có thể bị mắc kẹt trong phổi hoặc đi vào máu của bạn.

Các hạt gây kích ứng và viêm và có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp. Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm không khí có thể gây ung thư, đột quỵ, mất trí nhớ, trầm cảm và các vấn đề về tim. Nó cũng có thể làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn. Không những vậy, nó còn khiến nguy cơ trầm cảm và lo lắng tăng cao. Gần như toàn bộ dân số toàn cầu hít thở trong một môi trường vượt quá giới hạn chất lượng không khí của Tổ chức Y tế Thế giới, Thêm vào đó, số ngày có chất lượng không khí "rất không tốt cho sức khỏe" và "nguy hiểm" đã tăng cao, một phần là do khủng hoảng khí hậu. Nghiên cứu cho thấy chỉ riêng trong năm 2011 ở Hoa Kỳ, việc tiếp xúc với loại ô nhiễm này đã dẫn đến 107.000 ca tử vong sớm. 

Tiến sĩ Albert Rizzo, giám đốc y tế của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, cho biết các nhà khoa học sẽ cần thực hiện nhiều nghiên cứu hơn nữa về mối liên hệ có thể có giữa ô nhiễm và sự gia tăng kháng thuốc kháng sinh. Ông đưa ra một giả thuyết rằng tiếp xúc nhiều với ô nhiễm có nghĩa là nhiễm trùng phổi nhiều hơn và điều đó có thể làm tăng việc sử dụng kháng sinh không phù hợp. Ông nói, ngay cả khi lý thuyết không được chứng minh là đúng, bất cứ điều gì có thể được thực hiện để giảm mức độ tiếp xúc với ô nhiễm sẽ giúp ích cho sức khỏe của chúng ta. "Việc giảm ô nhiễm PM2.5 sẽ cứu được nhiều mạng sống, cho dù đó có phải là do tình trạng kháng kháng sinh hay không", Rizzo cho biết thêm. 

Nguồn: edition.cnn.com