GIẢI TRÍ

Những bóng hồng trong đời cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (P.2)

Thiên Dung • 03-04-2019 • Lượt xem: 23150
Những bóng hồng trong đời cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (P.2)

Ít nhất 2 lần trong đời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã tính chuyện cưới xin. Thế nhưng, những cuộc tình đó đều dở dang trước ngưỡng cửa hôn nhân. Và những cái tên Vân Anh, Michiko hay ca sĩ Khánh Ly, Hồng Nhung... vẫn mãi chỉ là những bóng hồng đi qua đời ông, đem đến cho ông nguồn cảm xúc bất tận trong các tình khúc...

Tin liên quan:

Những bóng hồng trong đời cố nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn (P.1)

4. Ca sĩ Khánh Ly

Ca sĩ Khánh Ly không phải là bóng hồng đi vào nhạc phẩm Trịnh Công Sơn, nhưng trong hầu hết các ca khúc của ông đều có bóng dáng cô. Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly trong hộp đêm Tulipe Rouge tại Đà Lạt khoảng giữa những năm 1960. Ngay khi nghe giọng Khánh Ly, nhạc sĩ họ Trịnh đã biết người phụ nữ này sinh ra là để dành cho âm nhạc của mình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và ca sĩ Khánh Ly năm 1970

Sau đó, Khánh Ly rời Đà Lạt xuống Sài Gòn và trở thành giọng ca chuyên hát nhạc Trịnh. Trịnh Công Sơn từng chia sẻ "Khánh Ly không thể tách rời những bài hát của tôi, cũng như những bài hát của tôi không thể thiếu Khánh Ly". Tình cảm ông dành cho nữ ca sĩ trên mức tình bạn, hơn cả tình yêu. Họ là tri kỷ của nhau. Mối lương duyên này đã làm báo giới tốn hao rất nhiều giấy mực, khiến công chúng hiếu kỳ, tò mò.

Khánh Ly là người hát nhạc Trịnh thành công nhất. Chất giọng liêu trai, tự sự của Khánh Ly khi thể hiện các ca khúc của Trịnh Công Sơn luôn khiến người nghe phải nổi da gà. Tuy nhiên, họ mãi vẫn chỉ là đôi tình nhân trong âm nhạc. Sau năm 1975, Khánh Ly ra nước ngoài. Dù đi diễn khắp thế giới nhưng nữ ca sĩ không bao giờ bỏ tên Trịnh Công Sơn khỏi cuộc đời mình. Khi nhạc sĩ tài hoa họ Trịnh qua đời, Khánh Ly bị sốc và phải đi cấp cứu.

4. Á hậu Vân Anh

Đây có lẽ là mối tình mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không muốn nhắc đến nhất, dù bạn bè ông xung quanh ai cũng biết. Cố nhạc sĩ tài hoa gặp Vân Anh trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 1990 mà ông làm giám khảo. Không riêng gì ông, mà rất nhiều người khi đó đều bị "tiếng sét ái tình" với cô gái xinh đẹp vốn là tiếp viên hàng không. Khi cô đã trở thành Á hậu, nhạc sĩ họ Trịnh tính chuyện cưới xin với người đẹp kém ông 30 tuổi.

Tuy nhiên, cuộc tình sau đó dang dở, không ai rõ nguyên do, và cũng không ai đành lòng hỏi ông tại sao. Trịnh Công Sơn lại lặng im và trút nỗi đau vào giai điệu để ca khúc “Tôi ơi đừng tuyệt vọng” ra đời. Ca từ bài hát cũng chính là tâm trạng của nhạc sĩ khi ấy: "Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ. Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm...".

5. Giáo sư người Nhật Michiko Yoshii

Đầu những năm 1970, âm nhạc của Trịnh Công Sơn không chỉ nổi tiếng trong nước mà còn lan tỏa ra thế giới. Và có một nữ sinh viên người Nhật Michiko Yoshii đang theo học đại học tại Paris (Pháp) đã đem lòng yêu mến những ca khúc của người nhạc sĩ tài hoa.

Michiko yêu nhạc Trịnh đến nỗi, dù đã có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, cô vẫn theo đuổi luận án cao học nghiên cứu về âm nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn.

Để gần hơn với nhạc Trịnh, cuối những năm 1980, Michiko không chỉ nhiều lần từ Pháp điện thoại về Việt Nam trò chuyện với Trịnh Công Sơn mà còn đến Việt Nam để gặp gỡ người nhạc sĩ mình ngưỡng mộ. Âm nhạc đã trở thành cầu nối cho cuộc tình nhẹ nhàng của 2 người ở hai đất nước khác nhau.

Cuộc tình ấy ngày càng trở nên sâu đậm và bắt đầu tính chuyện cưới xin. Cả gia đình nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đều háo hức chuẩn bị cho đám cưới ông. Tuy nhiên, lúc đó, ba mẹ của Michiko đã rất già, không thể sang Việt Nam nên cô muốn nhờ ông bà đại sứ người Nhật tại Việt Nam đại diện nhà gái trong ngày hai bên gia đình gặp gỡ.

Giáo sư Michiko sau này nhiều lần trở lại Việt Nam làm từ thiện

Giáo sư Michiko chụp ảnh với bức họa nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vẽ mình

Theo phong tục cưới của người Nhật, Trịnh Công Sơn và Michiko phải quỳ gối xuống lạy tạ ông bà đại sứ. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn không đồng ý điều này. Có lẽ, do không thể vượt qua rào cản văn hóa nên cuộc tình của cả hai đành dang dở.

Tháng 7/1991, tại Paris, luận án cao học của Michiko Yoshii về ảnh hưởng nhạc phản chiến của Trịnh Công Sơn trong xã hội Việt Nam thời chiến tranh được xếp loại ưu. Và hình ảnh cô gái Nhật mảnh dẻ ôm đàn guitar hát những tình khúc nhạc Trịnh với đôi mắt phảng phất buồn ấy vẫn luôn gây ấn tượng với mọi người.

Sau ngày nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, Michiko Yoshii vẫn thường đến Việt Nam thắp hương cho ông. Hiện bà là Giáo sư giảng dạy tại Trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế tại ĐH Mie, Nhật Bản. Chuyện tình giữa tác giả “Diễm xưa” và cô gái Nhật Michiko Yoshii đã gợi cảm hứng cho các nhà làm phim điện ảnh. Tác phẩm đang trong quá trình thực hiện kịch bản và dự kiến ra rạp vào 1/4/2021, tròn 20 năm ngày mất của người nhạc sĩ tài hoa.

6. Ca sĩ Hồng Nhung

Có thể nói, ca sĩ Hồng Nhung là “nàng thơ” cuối cùng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cô cũng là ca sĩ duy nhất được người nhạc sĩ tài hoa viết tặng riêng 3 ca khúc: Bống bồng ơi, Bống không là Bống, Thuở Bống là người.

Dù cách biệt tuổi tác nhưng cuộc gặp gỡ định mệnh giữa hai tâm hồn âm nhạc đồng điệu đã đem đến hơi thở mới cho làng nhạc Việt những năm đầu thập niên 90. Sau Khánh Ly, Hồng Nhung là người thể hiện thành công, thấu hiểu và cảm xúc nhất nhạc Trịnh Công Sơn. Cố nhạc sĩ họ Trịnh từng nhìn nhận Hồng Nhung đã làm mới ca khúc của ông, đem đến một sự lãng mạn mới. Ông dành hết đắm say những năm tháng cuối đời cho cô Bống trong trẻo, tinh khôi, xuân thì.

Trịnh Công Sơn và Hồng Nhung vừa là bạn bè, thầy - trò, ca sĩ - nhạc sĩ. Họ quá thân thiết, quá gần gũi để không biết gọi tình cảm đó là gì cho đúng. Nói về mối quan hệ với nhạc sĩ họ Trịnh, cô Bống từng khẳng định: “Ở giữa hai chúng tôi chắc chắn là có một tình yêu, nhưng tình yêu đó như thế nào thì tôi giữ riêng cho mình”. Khi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mất, Hồng Nhung chia sẻ trong lòng cô có một khoảng trống không thể lấp đầy…