ĐỜI SỐNG

Những thói quen nên và không nên để bảo vệ thận khỏe

Thiện Thuật • 03-08-2023 • Lượt xem: 858
Những thói quen nên và không nên để bảo vệ thận khỏe

Thận là cơ quan giữ vai trò quan trọng trong cơ thể, giúp lọc máu và các chất thải. Duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, lối sống năng động và chế độ ăn uống bổ dưỡng có thể ngăn ngừa các vấn đề về thận. Khi thận khỏe mạnh sẽ giúp loại bỏ chất độc trong cơ thể, đồng thời sản xuất hormone giúp cơ thể hoạt động bình thường.
 

Uống đủ nước hằng ngày

Thiếu nước là nguyên nhân gây ra sỏi thận, viêm đường tiết niệu, viêm bàng quang... Giữ cho cơ thể đủ nước giúp thận tạo ra nước tiểu để loại bỏ natri và độc tố ra khỏi cơ thể. Nếu chúng ta không uống đủ nước một cách thường xuyên, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm cả sỏi thận gây đau đớn.

Mỗi ngày, chúng ta cần uống đủ nước từ 2 đến 2,5 lít nước và khoảng 400ml nước cho 10kg trọng lượng. Uống nhiều nước giúp thận thải trừ urê natri ra bên ngoài cơ thể. Nước có nhiệm vụ giữ cho hai quả thận của bạn luôn khỏe mạnh, vì các phản ứng trong cơ thể chúng ta đều xảy ra trong môi trường nước, nếu chúng ta không cung cấp đủ lượng nước cần thiết thì sẽ không có đủ lượng nước tiểu để đào thải được những thứ có nguy cơ tạo ra sỏi thận. Uống nhiều nước còn làm giảm đáng kể nguy cơ phát bệnh thận mạn tính. Tuy nhiên, uống nhiều nước không có nghĩa là bạn uống quá nhiều một lúc, điều này cũng có hại cho cơ thể.

 

Nước uống để thận luôn khỏe đó chính là nước tinh khiết, nước lọc, nó không bao gồm những loại nước chứa đường, gas vì những loại nước này sẽ tạo ra môi trường axit lớn, khiến canxi bị hao hụt từ đó hình thành nên muối canxi gây sỏi thận.

Ngoài nước lọc ra, có thể tăng cường thêm một số loại nước trái cây tươi như nước dưa hấu, táo, dâu tây… rất giàu vitamin và khoáng chất rất tốt cho thận và đặc biệt tránh xa các loại nước ngọt có ga, vì lượng đường và phốt pho ở trong các loại nước này sẽ thúc đẩy bài tiết canxi ra ngoài, gia tăng áp lực cho thận, dễ sinh sỏi thận

Khi uống nước cần lưu ý không uống một lượng nước lớn một lúc mà uống từng ngụm nhỏ, để các tế bào thẩm thấu dần, nên uống nước ấm nhằm tăng nhu động ruột, hỗ trợ hệ tiêu hóa và tuần hoàn máu hoạt động tốt hơn, uống nước ngay cả khi không khát vì lúc này cơ thể vẫn có khả năng mất nước và cần bổ sung ngay.

Ăn uống lành mạnh

Ăn uống lành mạnh giúp giảm huyết áp, phòng tránh bệnh đái tháo đường, bệnh tim mạch và các rối loạn khác liên quan bệnh thận mạn. Ăn uống lành mạnh là bổ sung đầy đủ các loại thực phẩm đủ năng lượng, ăn nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế bột đường và muối mặn.


Đặc biệt, bạn nên duy trì lượng muối tiêu thụ hàng ngày ở mức không quá 6 g/ngày, tương đương một muỗng cà phê gạt ngang. Bạn cũng nên hạn chế đồ hộp, thực phẩm chế biến sẵn như lạp xưởng, xúc xích, khô, mắm… để giảm bớt muối hàng ngày. Lượng natri trong khẩu phần ăn hàng ngày nên ít hơn 2g.

Hạn chế sử dụng rượu bia, và ngưng hút thuốc lá

Đây là hai yếu tố có ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tổng thể, trong đó có thận. Nếu thường xuyên uống quá nhiều bia rượu, nồng độ cồn trong máu tăng cao, thận làm việc hết công suất mà khó có thể đào thải hết độc tố ra ngoài. Điều này có thể dẫn đến viêm thận cấp tính hoặc mạn tính. Đồng thời, uống nhiều rượu làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.

Hoạt động thể chất phù hợp để cơ thể khỏe mạnh và năng động

Để giữ cho cơ thể khỏe mạnh và hạn chế các nguy cơ mắc bệnh về thận chúng ta nên tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp. Nếu cơ thể chúng ta thiếu đi những hoạt động thể thao sẽ dễ gây nên nhiều căn bệnh về huyết áp, tim mạch... thậm chí là tiểu đường.

Tập thể dục mỗi ngày bằng các bộ môn nhẹ nhàng như đạp xe, chạy bộ, đi bộ... sẽ giúp kiểm soát tốt lượng cholesterol, ổn định huyết áp và cân nặng của bạn. Duy trì sự năng động cho cơ thể giúp chúng ta hạn chế được sự thừa cân, béo phì phòng tránh nhiều bệnh tật trong đó có bệnh thận mãn tính.

Kiểm soát đường huyết

Người bệnh tiểu đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh là đối tượng dễ bị tổn thương thận. Khi các tế bào không thể sử dụng hết lượng đường trong máu, thận buộc phải làm việc nhiều hơn để lọc máu. Tình trạng này kéo dài có thể đe dọa tính mạng. Do đó, nên kiểm soát đường huyết bằng chế độ tập luyện và dinh dưỡng hợp lý, thăm khám định kỳ để các bác sĩ kịp thời làm giảm hoặc ngăn ngừa tổn thương ở thận.

Theo dõi huyết áp

Huyết áp cao kéo theo các hệ lụy về sức khỏe như tiểu đường, tim mạch hoặc cholesterol cao, gây tổn thương thận. Theo đó, huyết áp tăng cao làm dày thành mạch và hẹp lòng mạch máu, làm cho quá trình lọc máu trở nên khó khăn hơn. Lúc này, các chất thải bị ứ đọng lại trong máu và theo thời gian sẽ gây hại cho thận. Huyết áp cao kéo dài làm tăng áp lực lên cầu thận, có nguy cơ dẫn đến suy thận.

Chỉ số huyết áp bình thường là 120/80 mmHg, tăng huyết áp là khi chỉ số trên 140/90. Nếu gặp tình trạng này, người bệnh cần tham vấn ý kiến bác sĩ, theo dõi huyết áp thường xuyên, thay đổi lối sống và có thể dùng thuốc theo chỉ định.

Không nhịn tiểu

Nhịn tiểu là một trong những nguyên nhân dẫn đến suy thận, sỏi thận và tiểu không tự chủ do làm tăng áp suất nước tiểu.

Quá trình đào thải nước tiểu ở hệ thống đường tiết niệu không chỉ giúp đào thải lượng nước thải dư thừa mà còn giúp loại bỏ các độc tố có hại, các chất dư thừa trong cơ thể ra bên ngoài.

Khi nhịn tiểu, các chất độc không được thải ra bên ngoài mà lắng cặn lại trong thận và bàng quang. Sau một thời gian dài tích tụ, các lắng cặn này sẽ hình thành nên sỏi thận, gây viêm cầu thận, suy thận và ảnh hưởng tới chức năng bài tiết của thận.

Không lạm dụng thuốc

Nhiều người vẫn có thói quen tự mua và dùng thuốc tại nhà không theo đơn thuốc của bác sĩ. Đây là một thói quen rất xấu vì một số loại thuốc khi dùng dài ngày với liều cao sẽ gây ra suy thận, ví dụ như: thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh nhóm aminoglycoside, hoá chất điều trị ung thư, thuốc cản quang… Ngoài ra, nhiều trường hợp người bệnh cũng bị suy thận vì tự ý dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc để điều trị.