ĐỜI SỐNG

Những tình huống cần giả vờ 'ngốc nghếch', làm được mới là sống thông minh thật sự

Thơ Ly • 29-06-2023 • Lượt xem: 1014
Những tình huống cần giả vờ 'ngốc nghếch', làm được mới là sống thông minh thật sự

Thực ra trong một vài trường hợp, việc khôn ngoan quá lại dễ khiến chúng ta chịu thiệt thòi. Đôi khi bạn cần tỏ ra ngốc nghếch một chút trong một vài tính huống. Thế nên mới có câu “làm người hiểu biết đã khó, làm được người ngốc nghếch lại càng khó hơn”.

Nhiều người vẫn thường cho rằng nếu có tài năng hay thế mạnh gì thì nên “khoe" ra ngoài như một cách chứng minh với xã hội và từ đó dễ dàng tiến thân hơn. Thế nhưng thực tế, thông minh hay khôn ngoan không phải là điều nên thể hiện trong mọi hoàn cảnh. Có những tình huống, bạn cần tỏ ra ngốc nghếch một xíu. “Giả ngu" có thể xem là một nghệ thuật và là cảnh giới cao nhất của sự thông minh. 


Tất nhiên, thông minh không hề xấu. Song, cuộc sống đôi khi cần bạn phải “giả ngốc" một chút mới tốt. Hơn nữa, làm được người thông minh “giả ngốc" là điều chẳng dễ dàng. Đó là lý do tại sao người xưa vẫn thường cho rằng, người thông minh biết “giả ngốc" đúng lúc mới là đạo xử thế của nhà thông thái, giúp mọi việc được tiến triển một cách thuận lợi.

Dưới đây là những tình huống ví dụ mà bạn cần giả vờ “ngốc nghếch", để tránh làm khổ bản thân:

- Khi đến nhà ai đó dùng bữa, nếu không hợp khẩu vị, bạn có thể ăn ít đi nhưng tuyệt đối không được nói ra. Dù là mối quan hệ rất thân thiết thì bạn cũng không nên buông lời chê bai, chỉ nên cho ý kiến một cách khéo léo khi được đối phương đề cập đến.

- Trong một nhóm có 3 người nhưng 2 người còn lại có những cuộc hẹn riêng và bạn vô tình biết được, lúc này bạn nên tỏ ra bình thường. Bạn có thể nghĩ theo hướng tích cực là họ có chuyện cần giải quyết mà bản thân mình thì lại không phù hợp.

- Trong mối quan hệ tình cảm, dù cho bạn có biết đến người yêu cũ của đối phương hiện tại thì cũng không nên nhắc đến khi hai người cãi nhau. Vì khi ấy, mối quan hệ đối phương đã xuất hiện vết nứt không thể hàn gắn.

- Khi bạn đối mặt với một vấn đề khó và đã tìm ra một giải pháp nhanh chóng, không mất tiền hay bỏ nhiều công sức thì cũng không nên khoe mẽ. Bởi núi cao còn có núi cao hơn, khoe khoang sự tài giỏi cũng giống như đang tự hạ thấp bản thân của mình.

- Nếu bạn bị người khác nói xấu nhưng bản thân không hề làm thì cũng không cần luôn miệng phân buông. Chỉ cần trong lòng bạn hiểu rõ là được. Bởi nếu phản ứng gay gắt, bạn sẽ bị hiểu lầm là “giấu đầu lòi đuôi", “có tật giật mình".


- Sau khi lập gia đình, nếu bạn phát hiện bố mẹ chồng vẫn thường mang đồ đến nhà chị dâu thì cũng nên giả vờ như không hay biết gì. Nếu nhúng tay hay ca thán so bì thì sẽ rất dễ khiến gia đình sứt mẻ, nảy sinh mâu thuẫn.

- Nếu bạn biết quan hệ vợ chồng, tình cảm của đối phương không tốt nhưng trước mặt bạn, họ vẫn tỏ ra rất tình cảm thì bạn cũng không nên hỏi han, chỉ cần trong lòng bạn hiểu là được.

- Khi đi hỏi thăm họ hàng, dù không thích họ thì bạn cũng không nên thể hiện ra quá rõ ràng. Bạn càng không nên mỉa mai hay phê bình họ.

- Nếu bạn biết gia đình bạn bè lục đục vì một trong hai người đã phản bội, có thói lăng nhăng thì tuyệt đối không được mang đi nói lung tung. Khi gia đình họ bị ảnh hưởng thì người bị nhắc tên kể tội đầu tiên chính là bạn.

- Đồng nghiệp, bạn bè hay ai đó chia sẻ thông tin mà bạn đã biết rồi thì cũng nên ngồi lại lắng nghe. Bởi điều này cho thấy sự tôn trọng mà bạn dành cho họ. Nếu một người rất háo hức kể cho bạn nghe một câu chuyện nhưng chưa kịp mở miệng thì bạn đã cắt ngang rồi nói mình đã biết, họ chắc chắn sẽ cảm thấy xấu hổ, thất vọng và sau đó sẽ không muốn chia sẻ với bạn như trước nữa.

- Nếu nhận được một câu hỏi riêng tư, về một vấn đề mà bạn không muốn chia sẻ và cũng không thể dứt khoát từ chối thì việc giả vờ “ngốc nghếch" lại là một cách hay giúp bạn xử lý tình huống này. Bạn cũng có thể giả vờ như không nghe thấy hoặc lảng sang chuyện khác.

- Khi thấy đồng nghiệp, bạn bè mặc quần áo mới nhưng trông không phù hợp, bạn cũng nên khen ngợi họ vài câu như:“Chất vải này rất đẹp, nhưng tôi nghĩ bạn sẽ đẹp hơn nếu mặc theo phong cách này…”. Vì suy cho cùng, gu thẩm mỹ của mỗi người là khác nhau nên bạn nên sử dụng câu từ để tránh khiến người đối diện cảm thấy hụt hẫng và tổn thương.