Duyên Dáng Việt Nam

Nơi trần gian tôi đến, 'còn tiếng hát gửi người'

Nguyễn Hữu Hồng Minh • 25-05-2020 • Lượt xem: 7343
Nơi trần gian tôi đến, 'còn tiếng hát gửi người'

Sau bài viết về đêm nhạc "Về đây nghe em" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc, DDVN nhận được nhiều thông tin hỏi thăm về ông và đêm nhạc do nhạc sĩ Nguyễn Quang, Tổng đạo diễn 'Âm nhạc Việt Nam những chặng đường' tổ chức. Có mặt tham dự mới thấy thành công của chương trình và bước đầu đã có rất nhiều khán giả trong, ngoài nước quyên góp ủng hộ cho nhạc sĩ. Chúng tôi quyết định về thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc ở Bà Rịa Vũng Tàu sau khi rời bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn... 

Tin và bài liên quan:

DDVN và kỷ niệm về nhạc sĩ Nguyễn Văn Nam

Nhớ nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, 'Buồn ơi, chào mi!'

Trịnh Công Sơn, 'Cõi thực' và 19 bước chân đến vườn địa đàng

Hình như mỗi nghệ sĩ lớn đều có những tác phẩm mang dấu ấn “đặt định” tiếng mình với cuộc đời và tiếng ứng nghiệm với số phận. "Về đây nghe em" của nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng là một bài hát như thế.

Tôi nói với nhà sưu tập Nhạc xưa Phương Chánh Hùng trên chuyến xe khởi hành từ Sài Gòn đi Bà Rịa - Vũng Tàu trưa 24/5: “Chắc anh Lộc khó hình dung nổi từ bài hát nổi tiếng đầu đời "Về đây nghe em" phổ thơ thi sĩ A Khuê ra đời năm 1967 định danh tên tuổi anh với âm nhạc đó, sau nửa thế kỷ lại kêu gọi mọi người về đây, đất Bà Rịa Vũng Tàu này đây thăm anh”…

Những ai yêu âm nhạc Trần Quang Lộc có lẽ không thể quên những lời ca mộc mạc của "gã lãng du của làng quê" như cái cách mà chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" đã gọi ông khi giới thiệu trên VTV3, VTV4 Đài truyền hình VN, một cách gọi khó có thể hay và chính xác hơn:  "Về đây nghe em, về đây nghe em/ Về đây mặc áo the, đi guốc mộc/ Kể chuyện tình bằng lời ca dao/ Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai/ Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới/ Và về đây nghe lại tiếng nói thơ ấu khúc hát ban đầu/ Để hận thù người người lắng xuống/ Và tìm nhau như tìm xót xa/ Trong lúc lệ đã đầy vơi...". 

Các nhạc sĩ Y Vũ, Đài Phương Trang, Mạnh Quỳnh, Nguyễn Hữu Hồng Minh, nhà sưu tập Phương Chánh Hùng (Nha Trang), em trai nhạc sĩ Vũ Thành An (Mỹ) ... trong đêm nhạc "Về đây nghe em" do nhạc sĩ Nguyễn Quang đạo diễn tối 22/5 tại phòng trà Nguyễn Ánh 9 (Ảnh: Thu An Ca)   

Nói đâu xa, ngay như nhà sưu tập nhạc xưa Phương Chánh Hùng muốn thực hiện chuyến đi "về đây" này phải xuất phát từ Nha Trang. Anh đón chuyến xe nửa khuya vượt gần bốn trăm cây số để ngày hôm sau có mặt ở Sài Gòn dự đêm nhạc “Về đây nghe em” thực hiện tại phòng trà Nguyễn Ánh 9 cùng những người yêu nhạc ủng hộ nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Sau dư âm của đêm nhạc quá nhiều cảm xúc, anh quyết định cùng tôi sáng hôm sau vượt thêm một trăm hai mươi cây số nữa để về thăm nhạc sĩ Trần Quang Lộc. Với những tin vui đầu tiên, nhạc sĩ Nguyễn Quang nhờ chuyển là khá nhiều bạn yêu nhạc nghe chương trình livestream trực tiếp "Về đây nghe em" đã quyên góp ủng hộ. Của ít lòng nhiều nhưng phải nói là nặng nợ tình yêu và những ân tình. 

Nhiều ca khúc hay của Trần Quang Lộc đã được Nguyễn Quang phối mới để lại nhiều cảm xúc cho khán giả như "Còn tiếng hát gửi người" của nhạc sĩ phổ thơ Nguyễn Đình Toàn. Ca sĩ Tuấn Nghĩa tạo được ấn tượng vì hát và diễn xuất đầy cảm xúc trong đêm nhạc. 

Ca sĩ Tuấn Nghĩa

Bà Rịa đón chúng tôi giữa một trưa nắng gắt. Thành phố biển đang quy hoạch nên chỉ có những con đường dài tăm tắp nhưng thiếu bóng cây xanh. Ở đây cũng là ngã ba đường giữa Sài Gòn và Vũng Tàu. Nếu không có công việc chắc cũng ít nghệ sĩ ghé lại "thị trấn giữa đàng" như cách gọi của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Có lẽ vậy chăng mà Trần Quang Lộc đã ấp ủ rất nhiều dự định âm nhạc và có nhiều thời gian để viết gần 600 ca khúc!? Thật là một con số kỷ lục! So với vài ba bài đã nổi tiếng của anh thì gia tài để lại là quá khổng lồ và nếu được dựng và giới thiệu đến bao giờ mới có thể làm xong? 

Thật may mắn, chúng tôi đã được nhà thơ, nhà phê bình Lê Minh Thiên Khoa cũng là một người bạn thân của anh Trần Quang Lộc hẹn đón. Anh Khoa kể, nhạc sĩ Trần Quang Lộc đã từng phổ 4 bài thơ của anh. Không những phổ thơ của bạn mà anh Lộc "còn làm ca sĩ" hát, thu trực tiếp 10 ca khúc bạn bè phổ thơ Lê Minh Thiên Khoa. Tình bạn giữa họ thật chân tình và cảm động. 

Khi chúng tôi vào nhà anh Trần Quang Lộc thì thấy tình cảm thật xúc động. Anh cởi trần, nằm trên chiếc giường hẹp do uống thuốc quá nóng. Đặc biệt, khi biết nhà sưu tập nhạc xưa Phương Chánh Hùng từ Nha Trang vào, anh đã rơi nước mắt. Thì ra giữa họ đã biết nhau từ lâu. Anh Phương Chánh Hùng chính là người kết nối giới thiệu Trần Quang Lộc cho chương trình "Âm nhạc Việt Nam những chặng đường" để ban biên tập phỏng vấn, thu, dựng các ca khúc "Về đây nghe em", "Có phải em mùa thu Hà Nội" nổi tiếng của anh. Tình bạn giữa họ càng lan tỏa để nối kết, gặp gỡ các nhạc sĩ "thế hệ vàng" một thời của miền Nam như Y Vũ, Đài Phương Trang, Nguyễn Vũ, Mạnh Quỳnh, ca sĩ Phương Dung... Và cao đẹp hơn chính là anh Nguyễn Quang tổ chức ngay đêm nhạc để mọi người nhớ đến, ủng hộ tinh thần, vật chất giúp đỡ nhạc sĩ Trần Quang Lộc khi căn bệnh đã điểm giờ cuối, gia đình cũng đã vất vả, cạn kiệt.

Nhà sưu tập nhạc xưa Phương Chánh Hùng (Nha Trang) nắm tay nhạc sĩ Trần Quang Lộc bật khóc. Anh Lộc xúc động nhắm mắt lại. Ảnh chụp tại Bà Rịa trưa 23.5.2020. 

Theo nhiều bài báo đã viết, sổ đỏ nhà anh Lộc đã cầm cố cho ngân hàng và gia đình cũng không còn đủ tiền chạy chữa thuốc men cho anh ở bệnh viện Bình Dân, Sài Gòn nữa. Anh lại trở về Bà Rịa với căn bệnh ngặt nghèo chưa biết sẽ ra sao?

Nhà thơ Lê Minh Thiên Khoa (ngồi gần anh Lộc, thứ ba, trái qua) và bạn bè đến thăm nhạc sĩ tại Bà Rịa 

Ngay tại nhà anh Trần Quang Lộc, tôi được nghe nhà sưu tập nhạc xưa Phương Chánh Hùng gọi điện cho các danh ca, nghệ sĩ nói chuyện về tình trạng của anh. Nhiều nghệ sĩ đã ủng hộ giúp đỡ anh. Ví như nhạc sĩ Từ Công Phụng, danh ca Phương Dung, danh ca Khánh Ly... và nhiều tên tuổi khác. Một số bạn bè của nhạc sĩ Trần Quang Lộc cũng vừa đến thăm và trực tiếp tặng quà, san sẻ với anh!

Tôi thấy nhạc sĩ Trần Quang Lộc xúc động. Một mắt anh bị sụp không còn nhìn thấy do biến chứng của bệnh ung thư di căn. Anh không còn nói được. Tai cũng không còn nghe được, như gia đình cho biết. 

Nhưng anh khóc. Dòng lệ của anh ứa ra từ hốc mắt khi tôi cầm tay anh!

Vẫn còn đó anh Lộc ơi! Những tấm lòng! Những kiếp đa mang một đời nghệ sĩ như tiếng sóng đánh vào bờ trưa nay trên biển Long Hải. 

"Còn tiếng hát gửi người" lênh đênh trên sóng...

Bà Rịa, Long Hải, trưa 23.5.2020.

Nguyễn Hữu Hồng Minh