VĂN HÓA

NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

DDVN • 17-08-2021 • Lượt xem: 455
NSƯT Ngọc Khanh: Có con nước nào chảy ngược dòng sông

Định mệnh có lẽ đã được chọn cho Khanh từ ngày cô bé bò đến tay cha. Có con nước nào chảy ngược dòng sông. Và nếu không phải Khanh, thì ai sẽ là người gầy dựng Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh - đã hoạt động từ năm 1990 cho đến bây giờ.

Một buổi sáng gần 70 năm về trước, có người cha nghèo ẵm hai bé gái từ Lái Thiêu vào Sài Gòn, với dự định sẽ trao một bé cho người nhận nuôi. Nghệ sĩ cải lương Năm Ngọc khi ấy không biết nên nhận bé nào, ông nói:“Giờ ba vỗ tay, đứa nào bò đến thì xem như hai ba con mình có duyên với nhau”. Ông vỗ tay và chờ đợi, cô bé mặc chiếc đầm đỏ đã bò đến trước. Vậy là bé được về trong vòng tay của người cha nuôi là nghệ sĩ cải lương, và mẹ nuôi là nữ nghệ sĩ hát bội tài hoa: nghệ sĩ Ba Út. Cuộc gặp gỡ của hai người cha trên đường Huyền Trân Công Chúa năm ấy đã thay đổi mãi mãi số phận của cô bé mặc đầm đỏ…

“Mẹ nằm chiêm bao thấy có người đặt vào tay bé gái mặc đầm đỏ"

Chiếc áo của thuở hồn nhiên bò đến tay người cha nuôi ấy, mấy mươi năm sau NSƯT Ngọc Khanh vẫn còn gìn giữ như một kỷ vật quý giá của cuộc đời bà. Năm 1954, Ngọc Khanh được sinh ra trong một gia đình nghèo khó ở Lái Thiêu (Bình Dương). Trong nhà có nhiều anh chị em, nhưng con trai thì khỏe mạnh, còn con gái cứ èo uột rồi mất. Người chị gái cùng được cha ẵm trên tay vào thành phố năm xưa, sau khi trở về nhà, sống được mấy năm cũng bị bệnh rồi qua đời. 


Bé Ngọc Khanh và cha nuôi - nghệ sĩ cải lương Năm Ngọc vào năm 1954

Ngọc Khanh về với ba mẹ nuôi Năm Ngọc - Ba Út. Dù trước đó nghệ sĩ Ba Út từng nói với chồng rằng nghề của bà rày đây mai đó, không có thời gian chăm sóc con nhỏ. Nhưng từ khi có bé Khanh trong nhà, bà đã dành rất nhiều thời gian bên con, yêu thương con hết mực.

Trong những bức ảnh cũ, vẫn còn đó hình ảnh cô bé đôi mắt trong veo nghịch trong thau nước, khi thì ngoan ngoãn ngồi xe đẩy, lúc được ba mẹ bế bồng trên tay. “Mẹ tôi kể, mới đêm trước mẹ nằm chiêm bao thấy có người tới đặt vào tay mẹ một bé gái mặc chiếc đầm màu đỏ, thì ngày hôm sau ba mang tôi về. Như một định mệnh” - NSƯT Ngọc Khanh bồi hồi. 

Một năm sau (1955), nghệ sĩ Năm Ngọc mất. 

Những năm thập niên 1950-1960 là thời hoàng kim của nghệ sĩ Ba Út. Bà vừa nuôi con nhỏ vừa đi diễn, những lúc quá bận thì gửi Khanh về nhà bà nội. Năm học lớp Bốn, cô bé được một khán giả rất ái mộ mẹ đến nhà dắt đi chơi. Người ấy đưa Khanh về nhà cha mẹ ruột ở Lái Thiêu, nói rõ sự tình. “Lúc ấy tôi chỉ nghĩ đơn giản là được gặp thêm người thân, và cũng rất vui khi được cùng các anh chị đi tắm ao, trèo cây hái trái. Có những ngày tôi trốn học, tự bắt xe đò về nhà cha mẹ ruột. Đó là một ngôi nhà nằm trên đồi, gió lộng tứ bề” - NSƯT Ngọc Khanh kể.

Cô bé năm ấy đã vui với tất cả sự hồn nhiên của một đứa trẻ, nhưng một lần tình cờ, cô nghe người hàng xóm hỏi mẹ ruột: “Sao bà không bắt nó về?”. Câu trả lời là: “Kệ nó đi. Giờ nó còn đi học, cứ để nó học hành. Mai mốt lớn rồi tôi bắt về”. Câu nói ấy khiến cô bé nhớ đến người mẹ nuôi dịu dàng của mình. Bà lúc nào cũng quan tâm, yêu thương hết mực đứa con gái bà không dứt ruột đẻ ra. 


NSƯT Ngọc Khanh ngoài đời

Kể từ lần đó, bé Khanh thưa dần những cuộc về thăm nhà. Cô cũng giấu kín chuyện mình đã biết sự thật, ngay cả khi đã trở thành đào hát. Có lần gia đình tìm đến nói nhà cần tiền, cô cũng tự lo liệu ổn thỏa. Mười mấy năm sau, khi mẹ ruột tìm đến nhà hỏi tiền lo hậu sự cho cha Khanh, thì nghệ sĩ Ba Út mới biết. “Mẹ đã khóc như chưa bao giờ được khóc. Mẹ nói với tôi, sở dĩ không nói rõ nguồn cội, vì sợ con gái biết được sự thật, sẽ không còn yêu thương bà nữa” - NSƯT Ngọc Khanh nhớ lại. 

Năm xưa cô bé mặc đầm đỏ đã chủ động bò đến tay cha nuôi thì khi ấy cũng vậy, Ngọc Khanh mãi mãi ở lại cùng người dưỡng dục mà từ lâu cô đã yêu thương như mẹ ruột. Người mẹ ấy đã trở thành một tượng đài trong lòng con gái, tự lúc nào đã truyền niềm đam mê và tình yêu nghệ thuật hát bội, từ lúc nó chỉ mới chín, mười tuổi.

Sinh thời, nghệ sĩ Ba Út không hề muốn con gái theo nghiệp “lão lai tài tận” của bà. Bà mong Ngọc Khanh phải học nghề nào có thể làm việc ổn định cả đời, chứ không phải lưu lạc, bấp bênh như nghệ sĩ. Nhưng định mệnh có lẽ đã được chọn cho Khanh từ ngày cô bé bò đến tay cha. Có con nước nào chảy ngược dòng sông. Và nếu không phải Khanh, thì ai sẽ là người gầy dựng Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh - đã hoạt động từ năm 1990 cho đến bây giờ.

Làm tất cả để sân khấu sáng đền 

Năm ấy, NSND Đinh Bằng Phi đến tận nhà thuyết phục nghệ sĩ Ba Út cho Ngọc Khanh học hát bội. Không đi diễn thì cũng có thể gắn bó với công việc giảng dạy. Ra trường, Ngọc Khanh trở thành giảng viên Khoa Hát bội tại Trường Nghệ thuật Sân khấu II từ năm 1975. Học trò của bà sau đó đều là những tên tuổi của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM: NSƯT Ngọc Nga, NSƯT Xuân Quan, NSƯT Hữu Danh…

Nhưng đến năm 1980, Khoa Hát bội không còn nữa. 

Thời gian ấy, Ngọc Khanh đi diễn ở các đoàn Hoa Xuân, Minh Tơ, Nghĩa Thành, Hiệp Lợi… với sở trường là đào võ. Đến năm 1990, bà quyết định gầy dựng Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh. NSƯT Ngọc Khanh vẫn còn nhớ mãi lần lãnh chầu hát đầu tiên, bà chạy chiếc cúp cánh én xuống Mỹ Tho mượn trang phục của ông bầu Ba Kiên. Nhưng sắp đến ngày diễn thì nhận điện tín đoàn ông cũng có suất hát cùng ngày, chỉ có thể cho mượn dàn đồ nhì màu hồng (dàn đồ nhất có màu vàng). Nhưng khi nhận, bà mới biết dàn đồ nhì thiếu thốn tứ bề.

“Ngoài kia đã đánh trống xây chầu rồi, mà trong này trang phục không đủ, âm thanh không hoạt động. Tôi nhìn tình cảnh mà rớt nước mắt. Nghệ sĩ Điền Phong nói thôi lấy đồ của anh mặc rồi hát tạm. Sau suất diễn không hoàn thiện ấy, tôi chạy về Sài Gòn ngay trong đêm để lấy thêm dàn đồ bị cháy của đoàn Minh Tơ dùng tạm” - NSƯT Ngọc Khanh nhớ lại. 


NSƯT Ngọc Khanh trên sân khấu những năm thập niên 1990

Để gầy dựng và gìn giữ đoàn hát, Trưởng đoàn Ngọc Khanh có lúc phải bán đồ đạc trong nhà: máy may, đồng hồ, thậm chí là ngôi nhà đang ở để mua vật liệu dàn dựng sân khấu, mua kim sa làm trang phục… Những lúc khó khăn, người nghệ sĩ chỉ biết khấn Tổ nghiệp: “Nếu Tổ nghiệp cho con theo nghiệp sân khấu, thì tạo điều kiện để con theo nghề. Nếu không thì cho con dẹp luôn đoàn hát”. Sau này nghĩ lại, bà tin mọi thứ cũng là được Tổ nghiệp chỉ dẫn, dìu dắt, Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh mới có được như ngày hôm nay. Không đủ kinh phí thuê mướn, gia đình bà tự thêu kết làm lấy tất cả y phục, phông màn, đạo cụ. NSƯT Ngọc Khanh nói cũng nhờ vậy mà bà có thêm nghề tay trái là làm màn trướng, chấn, liễn… để bán cho các đoàn hát, lấy ngắn nuôi dài.

Đời người nghệ sĩ hát bội chưa bao giờ thôi vất vả, nhưng tình cảm của khán giả và tình yêu dành cho sân khấu đã giúp họ vượt qua mọi gian khổ mà gìn giữ lấy nghề. Hồi ấy, đoàn lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây. Trẻ nhỏ thấy bóng dáng đoàn hát thấp thoáng là reo hò chào đón. Nhiều nơi ban ngày nắng cháy da không bóng người lai vãng, nhưng đêm xuống, khi sân khấu sáng đèn, thì bà con tập trung đông đến “không nước non nào kể hết”. Đoàn nghệ thuật hát bội tuồng cổ Ngọc Khanh đã tồn tại hơn ba thập niên. Nơi ấy quy tụ những người nghệ sĩ yêu nghề đến mức “hát có lúc muốn chết trên sân khấu”, và nếu có kiếp sau, họ vẫn mong được làm nghề. 

… Mẹ mất rồi, chỉ còn lại con gái vẫn nhớ mãi những lời dạy của mẹ trong câu hát ngày xưa: “Đoái tình thấp thoáng thành Ngô/ Dứt tình Lưu sứ trọn niềm từ thân…”. Nghệ sĩ Ba Út qua đời năm 1989, trong khi NSND Phùng Há đang làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSƯT cho bà. “Năm 1993, tôi được trao tặng danh hiệu NSƯT, tôi luôn tin đó là món quà mà mẹ đã dành lại cho tôi” - NSƯT Ngọc Khanh tâm sự.

Cô bé đầm đỏ ngày xưa giờ đã trở thành người gánh vác cả một đoàn hát. Điều mừng vui nhất là trong gia đình, ngoài người chồng đã gắn bó cùng bà, san sẻ mọi buồn vui với sân khấu, còn có con gái út Ngọc Bích, cháu nội Khánh Minh và cháu ngoại Hữu Khang yêu nghệ thuật hát bội, và đã trở thành những nghệ sĩ kế nghiệp, mai này có thể thay bà quản lý đoàn hát. 

Những con nước tiếp tục xuôi dòng… 

Ảnh: Nhân vật cung cấp
Theo Bùi Tiểu Quyên/Phunuonline.com.vn