ĐỜI SỐNG

Phát triển giao thông xanh, xu hướng tất yếu góp phần bảo vệ môi trường

Lan Hương • 23-09-2023 • Lượt xem: 933
Phát triển giao thông xanh, xu hướng tất yếu góp phần bảo vệ môi trường

Giao thông xanh, sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hiện đang là xu thế tất yếu của nhiều đô thị trên thế giới. Tại Việt Nam, mô hình này cũng rất cần được đẩy mạnh trước tình hình ô nhiễm ngày càng gia tăng do khí thải từ các phương tiện giao thông cá nhân ngày một nhiều.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhiều đô thị của nước đa đã nằm trong nhóm 500 thành phố có nồng độ bụi mịn cao nhất thế giới tính trung bình mỗi năm trong khoảng 15 năm trở lại đây.

Và một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến thực trạng này xuất phát từ các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu như xăng, dầu… từ đó nguồn khí hại như bụi, CO, benzen, bụi chì, hơi xăng dầu… phát thải ra môi trường ngày càng lớn, khiến không khí ngày càng ô nhiễm và ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hơn nữa các trung tâm lớn như TP.HCM, Hà Nội hay nhiều thành phố lớn của nước ta, lượng xe ô tô, xe máy được người dân mua sắm ngày càng nhiều khiến mức độ ô nhiễm ngày càng tăng cao.

Với các thành phố đông dân cư, việc các phương tiện tham gia lưu thông sử dụng động cơ đốt trong với mật độ cao, kẹt xe, ùn tắc giờ cao điểm càng làm cho bầu không khí trở nên ngột ngạt, đây cũng chính là nguyên nhân gây nên các bệnh đường hô hấp, ung thư cho con người. Các chuyên gia cho biết, việc ô nhiễm từ các hoạt động giao thông chiếm đến 70% tại các khu đô thị.

Ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Trước thực trạng đó, việc phát triển “giao thông xanh” đang là vấn đề cần thiết, đặc biệt là ở các khu đô thị và thành phố lớn. Điều này góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu khí thải CO2 và khác loại khí độc hại phát tán ra môi trường.

Giao thông xanh là việc sử dụng các phương tiện giao thông hạn chế khí thải độc hại. Các phương tiện giao thông này có thể được sử dụng bằng sức người, năng lượng tái tạo, khí thiên nhiên nén hay dùng năng lượng điện chẳng hạn như xe đạp, xe đạp điện, xe máy - ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG, xe sử dụng năng lượng mặt trời…

Xe buýt điện trong hệ sinh thái giao thông xanh.

Trên thực tế, hệ thống giao thông xanh muốn phát triển tốt cần làm sao hạn chế được các phương tiện giao thông cá nhân, đẩy mạnh mạng lưới giao thông công cộng, đồng thời tăng cường các phương tiện giao thông sử dụng nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Việc này đòi hỏi sự góp sức vận động của các ban ngành lãnh đạo từ nhà nước tới địa phương, với những chính sách sáng tạo, đổi mới trong triển khai - vận hành mô hình giao thông xanh. Thuyết phục người dân chuyển sang sử dụng các phương tiện giao thông công cộng hoặc các phương tiện sử dụng năng lượng sạch và năng lượng tái tạo.

Sử dụng xe đạp điện trong tham gia giao thông giúp giảm khí thải ô nhiễm môi trường.

Thêm nữa, các địa phương cần có phương án loại bỏ các phương tiện giao thông không đạt chuẩn, các phương tiện xả nhiều khí độc ra môi trường, khuyến khích người dân dùng xe đạp, xe điện. Đồng thời phát triển và nâng cao hiệu quả phục vụ của các phương tiện giao thông công cộng, từ đó sẽ giảm thiểu các phương tiện cá nhân, giảm thiểu ùn tắc giao thông giờ cao điểm.

Mô hình xe đạp công cộng đã được triển khai ở nhiều tỉnh thành phố như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vũng Tàu, Quy Nhơn và được mọi người hưởng ứng tham gia. Mô hình này là một hình thức vận chuyển bền vững, là giải pháp giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, đồng thời thúc đẩy tinh thần thể dục thể thao trong cộng đồng và được triển khai rộng rãi ở nhiều thành phố lớn trên thế giới.

Mô hình xe đạp công cộng hướng tới giao thông xanh trong đô thị.

Phát triển giao thông xanh là định hướng lâu dài đòi hỏi nhiều giải pháp để thay đổi nhận thức và hành vi của người dân. Đồng thời mỗi người dân trong cộng đồng cũng cần tích cực nâng cao ý thức, chung tay bảo vệ môi trường từ việc thay đổi thói quen trong cuộc sống thường ngày, nhất là hướng đến giao thông không ô nhiễm, để từ đó làm cho mô hình giao thông xanh ngày càng phổ biến và lan tỏa rộng rãi ra toàn xã hội.